05/02/2005 15:01 GMT+7

Múa lân thời hiện đại

HUỲNH NGỌC TRẢNG
HUỲNH NGỌC TRẢNG

TTCN - Khó có thể xác định chắc múa lân (miền Bắc gọi là múa sư tử) xuất hiện ở xứ ta từ lúc nào, nhưng trong nghệ thuật tạo hình truyền thống lân xuất hiện khá phổ biến:

ns9zunT5.jpgPhóng to
TTCN - Khó có thể xác định chắc múa lân (miền Bắc gọi là múa sư tử) xuất hiện ở xứ ta từ lúc nào, nhưng trong nghệ thuật tạo hình truyền thống lân xuất hiện khá phổ biến:

hoặc đứng một cặp trước các đền, miếu, lăng mộ hoặc thống thuộc vào bộ tứ linh (long, lân, qui, phụng) để biểu thị điều chúc tụng kiết tường như ý: lân mẫu xuất lân nhi (cha mẹ cao quí sinh quí tử), sư tử hí cầu (đạt được sở nguyện); hoặc ám chỉ điềm lành (lân hiện thái bình), thánh nhân ra đời... Đó cũng là ý nghĩa của bản thân hoạt động múa lân, sư tử.

4bxPbcZs.jpgPhóng to
Thật ra truy cứu từ tục lệ múa lân của các địa phương ở Trung Quốc ta thấy có các mục la hán hí sư tử, tiểu hòa thượng hí sư, A Phổ thọ tinh (ông thọ) và các vai phụ (la hán, chú tiểu, ông thọ) nói trên đều bắt nguồn từ vai hề trong hình thức múa na (múa đeo mặt nạ) của tín ngưỡng Saman giáo. Khi du nhập vào Nam bộ, nơi tín ngưỡng thờ thổ địa thịnh hành, nên các vai phụ trong múa lân (mà có lẽ phổ biến là vai chú tiểu) được gọi chết tên là ông địa.Ở đây địa là thần linh bản thổ, bản xứ đảm nhận việc dẫn đường cho lân - biểu tượng cho điềm lành.

Xu hướng chung trong tiến trình phát triển của múa lân tuy vẫn còn đảm bảo tính chất hài hòa của võ và văn, song càng lúc càng ngả qua phong cách võ nhiều hơn văn và tích hợp những hình thức biểu diễn của các trò tạp kỹ, mãi võ khác. Thịnh hành là các tiết mục Thất tinh bản nguyệt, Mai hoa thung, Trúc thanh, Chồng la hán, Song sư.

Qr2kyQ9u.jpgPhóng toThất tinh bản nguyệt: Người Hoa tin rằng ai thấy được chùm sao Thất tinh (Thiên vương) vây quanh Mặt trăng thì sẽ giàu có. Và ngay lúc đó, nếu ước nguyện điều gì thì được mãn nguyện. Từ đó nảy sinh ra tiết mục Thất tinh bản nguyệt có tính tạp kỹ, diễn viên bước nhanh trên bảy cái siêu gốm xếp theo đồ hình của chùm sao Thất tinh, bao quanh một chậu nước (hay quả dưa hấu) tượng trưng cho Mặt trăng.

Lân bỏ bộ múa, lần lượt bước qua bảy cái siêu đó sao cho đẹp mắt, gọn gàng... và không làm vỡ các siêu gốm. Tiết mục này đòi hỏi một kỹ thuật về bộ tấn chính xác mà nhẹ nhàng, tức phải có một trình độ võ thuật cao siêu. Chính vì vậy mà tiết mục này không phổ biến trong đội lân, và đến nay hầu như đã không còn phổ biến. Thay vào đó là tiết mục lân múa trên mai hoa thung.

Hình tướng lân

Lân trong múa lân có hình tướng khác với con lân trong quan niệm truyền thống (thân hươu, đuôi trâu, móng ngựa, sừng là u thịt cứng): ngoài cái sừng độc nhất thì lân trong múa lân thay vì móng đề lại là móng trảo, lại có hai vòi râu dài, dáng vẻ dữ dằn, răng nanh nhọn, khác với quan niệm lân là nhân thú hiền lành.

Thực tế trong giới múa lân ở Chợ Lớn, đầu lân có ba dạng chính: miêu hình (mèo), hổ hình, hổ báo hình. Lại xem lân là một trong tứ linh nên phải hội đủ các thành tố của bốn con vật thiêng.

Chẳng hạn: sừng, hai tai và đuôi phải kết hợp thành hình tướng con rùa (qui); rồng biểu hiện ở đường kéo dài từ khóe miệng ra tận quai hàm, cuộn thành song long, với mỗi xúc tu của lân là một con rồng...

Nói chung, tạo hình lân là việc tổ hợp những đặc điểm của tứ linh để đạt được những phong thái và uy linh mà không xa lạ với nhãn giới truyền thống của cộng đồng.

Mai hoa thung là tiết mục biểu diễn của lân trên “cọc trụ hoa mai”, tức trên một độ cao nhất định khác với “múa bộ” - tức múa lúc lân đã xuống núi. Mai hoa thung là tiết mục mới. Cho đến những năm sau 1975, chỉ có đội Quốc Oai Đường mới diễn múa trên mai hoa thung và kế đó là các đội Nhân Nghĩa Đường, Tinh Anh, Hồng Anh...

Múa trên mai hoa thung biểu thị con lân còn ở trên núi cao. Nó phải băng qua núi thấp đồi cao để tìm linh dược hoặc rong chơi đây đó. Mỗi cọc thung biểu thị cho một ngọn núi và con lân băng qua núi đồi, khe vực nhấp nhô đó phải thể hiện đủ các trạng thái xúc cảm: hỉ, nộ, ai, ái, ố, kinh, nghi, thụy, tỉnh.

Các vũ sinh múa đầu và múa đuôi phải phối hợp động tác ăn ý, thể hiện cho được lúc nào lân ngủ (thụy), lúc nào lân thức (tỉnh). Ngoài diễn đạt các trạng thái xúc cảm, vũ sinh còn phải tỏ rõ sự già dặn về trình độ võ thuật của mình qua việc thực hiện các bộ tấn có cự ly dài ngắn khác nhau với độ cao không chừng. Đó là chưa kể các chiêu thức tổng hợp để thực hiện các bước nhảy liên hoàn ngoạn mục: vừa tiến đó lại bất ngờ thoái bộ, vừa bước qua bên tả, lại liền trở bộ qua bên hữu, vừa tấn tới trực chỉ vừa vu hồi...

Múa trên mai hoa thung là tiêt mục thể hiện tuyệt kỹ của mỗi đội lân. Đặc điểm để nhận ra đẳng cấp của mỗi đội lân là chiều dài của giàn thung và độ cao của các cọc thung. Giàn thung ngắn nhất là 10m và giàn thung dài nhất hiện nay là 25m. Về độ cao, cọc thấp nhất là 0,8m và cao 2m đã được coi là cao, nhưng cao nhất không quá 3m.

Người múa bít bùng trong lốt con lân, khó nhìn được bao quát các tuyến múa, các điểm dừng (đầu cọc) trên đường lui tới, phải dai sức, vừa phải định được thần mới làm chủ được động tác diễn chính xác mà còn đạt được chất hoa mỹ. Đó là kết quả của việc luyện công, luyện khí, luyện thần và cộng vào đó là một phần năng khiếu thiên bẩm.

Trúc thanh là trò dùng một cây tre cao thang cho lân leo lên ăn cờ (lấy tiền thưởng). Tuy nhiên nó còn là trò tạp kỹ, các đội lân có thể cùng một lúc diễn từ hai, ba đến bốn cây trúc thanh, bố cục theo đồ hình song song đăng đối, tứ trụ hay thành hàng dọc để múa. Các vũ sinh luôn phải chú ý đến nhịp trống nhạc để phối diễn ăn ý tạo thành một màn diễn chung nhằm tạo hiệu quả nghệ thuật tổng hợp.

Các vũ sinh không chỉ trèo lên và tụt xuống, mà còn múa trên đỉnh cao của trúc thanh: hoặc nằm ngang ở thế “tỉnh trụ” trên ngọn tre mà đảo người tứ hướng, hay nằm theo thế “quá thiên cầu” rồi cột chân vào trụ theo thế “câu cước” mà diễn trên thân tre...

Ông địa

pjUK0QV4.jpgPhóng to

Hễ có múa lân là có ông địa - một vai phối diễn phổ biến.

Hình tướng của ông địa múa lân không giống với hình tướng của thần Thổ địa ở tranh tượng thờ và cũng không giống với diễn viên ông địa trong tuồng hài cúng miêu - gọi là chặp địa nàng - hay ông địa trong tiết mục Ông địa dâng liễn của lễ cúng kỳ yên ở đình làng.

Địa trong múa lân mang mặt nạ tròn đầy đặn, miệng cười rộng ngoác đến mang tai, mắt lớn, má lúm đồng tiền và nốt ruồi duyên bên má. Chính hình tướng hoan hỉ này nên có ý kiến cho rằng địa là phiên bản của Phật Di Lặc.

Tập hợp các chiêu thức độc đáo trên ngọn tre và cách buông mình chuồi xuống đất... làm cho Trúc thanh là một tiết mục tạp kỹ hồi hộp và hào hứng, biểu thị trình độ, sự khổ luyện của võ sinh và cũng là danh tiếng của võ đường, của môn phái. Do đó tiết mục Trúc thanh càng lúc càng được đổi mới với những trò diễn lạ, có trình độ cao hơn trước.

Lân chồng la hán (Điệp la hán) có lẽ xuất xứ từ tiết mục Lân thượng đài tức lân leo lên ba, bốn cái bàn chồng lên nhau theo một đồ hình nào đó. Cũng có ý kiến cho rằng đây là kỹ thuật chồng hai, ba, hay bốn lớp người lên thành một khối thuộc loại nghệ thuật gọi là “lực kỹ” và mục đích thực tiễn của nó trong múa lân là nhằm cho con lân đứng được ở một độ cao cần thiết để ăn cờ (lấy thưởng) đôi với trường hợp cờ chỉ treo ở một độ cao vừa phải, không cần sử dụng đên tiết mục trúc thanh.

Tuy xuất phát từ mục đích nào thì đến nay, đây là tiết mục diễn có nhiều sáng tạo mà tài nghệ tập trung ở việc thể hiện các tư thế chồng người độc đáo, lạ và đẹp mắt.

Song sư (lân múa với lân): Có lẽ tiết mục này nhằm chức năng chúc tụng kiết tường, thể hiện quan niệm âm dương hòa hợp bằng điệu múa hai con lân (song sư) có màu sắc khác nhau (biểu thị giới tính khác nhau) cùng giao hòa tương đắc thuận thảo. Chính vì vậy, điệu múa này còn gọi là song hỉ. Còn có điệu lân múa dưới cầu theo cốt truyện: lân đi qua cầu nhìn thấy bóng mình dưới nước, tưởng có con thú lạ nên nhảy xuống đánh nhau.

Nói chung Song sư chủ vào tính chất tài hoa: đẹp về dáng vẻ, vũ đạo, vào sự linh hoạt ở phong cách oai vũ, hùng hồn: động tác mạnh khỏe, bạo liệt với câu đồ vũ đạo chuyển đổi dứt khoát, đột ngột. Đối với các đội lân thì chiêu thức thường được hình thành trên các bộ pháp của môn phái mình. Tất nhiên, để thể hiện được hình tướng, động tác, tâm cảnh toàn bích, cũng có đội đã vận dụng một cách tổng hợp những sở trường của nhiều môn phái.

Số đội lân chuyên nghiệp ở TP.HCM lên đến hàng trăm. Có đội tập hợp đến cả trăm thành viên. Hệ thống tiết mục của múa lân gồm một tập hợp múa - diễn - tạp kỹ, diễn tấu nhạc gõ và biểu diễn võ thuật. Do đó, phát triển múa lân có nghĩa là phát triển các bộ môn khác và giá trị tổng hợp là sự hun đúc tinh thần thượng võ.

HUỲNH NGỌC TRẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên