Phóng to |
Người phụ nữ 82 tuổi này vẫn duy trì cường độ làm việc đáng nể. Cuộc trò chuyện cứ bị liên tục cắt ngang bởi điện thoại hỏi han, chúc mừng, rồi họa sĩ đến trao đổi tranh ảnh, hỏi thăm triển lãm, nhưng lúc nào bà cũng cười thanh thản. Bà tâm sự: “Tôi nhẹ nhàng tất cả mọi chuyện. Hơn 80 năm cuộc đời mà không phải hối tiếc chuyện gì thì đó cũng là tấm huân chương ý nghĩa nhất của chính mình rồi!”.
Cô gái... thuốc nổ
"Nước Việt Nam tuy nhỏ, nhưng dân tộc Việt Nam rất lớn. Mời các anh đến bãi cọc sông Bạch Đằng, đến Điện Biên Phủ, xuống địa đạo Củ Chi sẽ hiểu" |
Ngược lại thời điểm lịch sử 1945, nữ sinh Nguyễn Thị Xuân Phượng gác sách vở xuống đường tham gia đoàn tuyên truyền kháng chiến Huế, rồi ngược ra Khu IV, gia nhập đội diễn kịch cùng lớp đàn anh Hải Triều, Trần Hoàn, Đào Mộng Long, Nguyễn Tuân...
Một hôm, Phượng nghe được lời ông Tạ Quang Bửu kêu gọi những người có học tham gia chế tạo vũ khí cho cách mạng. Không chút đắn đo, cô diễn viên kịch thay áo đi học hỏi cách làm súng và được gọi ra Việt Bắc hoạt động tại ngay Nha nghiên cứu kỹ thuật Cục Quân giới. Đây là chuyến đi nhớ đời ròng rã cả tháng của cô nữ sinh Huế khi cứ đêm đi, ngày nghỉ để tránh máy bay giặc.
Là cô gái xinh đẹp hiếm hoi chế tạo vũ khí nguy hiểm, anh em hay trêu người đẹp... thuốc nổ. Phượng cười trả lời: “Coi chừng thuốc nổ thật ấy”. Pháp bại trận. Mỹ vào cuộc. Nhờ thông thạo tiếng Pháp, Phượng được giao nhiệm vụ dẫn các đoàn làm phim đi thực tế cuộc chiến đánh phá miền Bắc.
Một hôm, Phượng vinh dự được gọi lên gặp Bác Hồ. Bác giao cô nhiệm vụ làm thông dịch cho ông Gérald Guillaume, đạo diễn Pháp sang làm phim ở đất nước những người đã đánh bại quân đội Pháp. Nhiều năm trôi qua nhưng bà Phượng vẫn không quên: “Đạo diễn Pháp đề nghị Bác Hồ giới thiệu một vị tướng đặc biệt. Bác trả lời có thể làm về Hùm Xám Bắc Sơn. Người đạo diễn ngạc nhiên, tò mò hỏi nhân vật nào. Nhưng Bác Hồ muốn bất ngờ nên trả lời ông ta cứ đi rồi biết”. Đó chính là thượng tướng Chu Văn Tấn.
Những năm miền Bắc bị ném bom, cô Phượng làm phóng viên chiến trường và tiếp tục dẫn nhiều đoàn khách quốc tế đi thực tế chiến tranh. Đạo diễn Pháp gốc Hà Lan Joris Ivens nhờ cô dẫn đoàn về tuyến lửa Vĩnh Linh, làm phim bờ Hiền Lương. Bom đạn chồng lên bom đạn, đoàn Pháp ban đầu lo cho cô Phượng nhỏ nhắn. Nhưng khi thấy cô luôn hăng hái dẫn đầu và kinh nghiệm đối phó bom đạn, họ lại trông vào cô để yên tâm.
Ở cột cờ Bắc Hiền Lương, đạo diễn yêu cầu góc quay đặc biệt để thấy lá cờ đỏ phủ bóng bờ Nam Hiền Lương. “Trong lúc người quay phim phải leo lên cột cờ để quay sang bờ Nam thì bị pháo bắn sang. Tôi chỉ thấy trời đất tối sầm rồi mê man đi. Đến khi tỉnh lại thì máu mồm, máu mũi, máu tai mình ộc ra, trong lúc Joris Ivens cũng cháy rụi cả tóc, mặt mày nám đen” - bà Phượng nhớ lại.
Sau này, Phượng còn giúp đỡ nhà báo gốc Do Thái Marceline Loridan từng suýt chết trong trại tập trung Đức quốc xã. Nhà báo này đã vạch áo cho Phượng xem mã số phát xít Đức xăm trên người cô để chuẩn bị vào lò hơi ngạt. Một đêm cùng nhau đi xe về tuyến lửa Vĩnh Linh, họ bị đánh bom. Kính xe, mảnh bom găm vào mặt Phượng, còn Marceline Loridan gãy chân. Phượng phải tự tay gỡ những mảnh kính, mảnh bom trên mặt mình để tiếp tục lo cho cô nhà báo nước ngoài.
Năm 1975, cô Phượng xinh xắn đã thành người đàn bà bỏ lại cả quãng đời xuân trẻ dưới bom đạn, nhưng vẫn tiếp tục bên máy quay phim. Bà kể nhiều đêm mất ngủ khi phải chứng kiến cảnh tàn ác của lính Pol Pot trong chuyến làm phim Tôi viết bài ca hồi sinh ở Campuchia do chính bà làm đạo diễn. Tận mắt nhìn 155 thi thể người già, trẻ em, phụ nữ bị vùi lấp chỉ trong một hố chôn nông gần địa ngục trần gian Tuol Sleng, những người làm phim dày dạn chiến trường cũng phải bật khóc nức nở.
Muốn tôn trọng, chứ không thương hại
Mùa đông năm 1989, Hà Nội tê tái lạnh cũng là lúc bà Phượng nhận quyết định nghỉ hưu. Cả cuộc đời trải mấy cuộc chiến khốc liệt chừng như sắp kết thúc. Bà nhớ: “Người thân bảo với tôi cố xin xỏ một chân giữ xe ở Nhà hát lớn. Còn nếu không được thì kê bàn vé số ở hè phố nào đấy. Tuổi già khó ngủ, đêm đêm ráng chong đèn dầu chờ người mua trễ chắc cũng đủ sống qua ngày”. Bà kể nghe họ khuyên mà buồn. Chẳng lẽ đời mình chấm hết từ đây?
Nghĩ ngợi mãi, một ngày bà Phượng lóe tia sáng “ra đường” một lần nữa. Nhiều bạn bè quốc tế, bà thầm nghĩ lần “ra đường” này chính là đi nước ngoài. Người ta đi ở tuổi thanh niên, còn mình đi ở tuổi về hưu cũng đã sao. Thế nhưng từ nghĩ đến làm không phải chuyện dễ. “Cái rào” đầu tiên bà gặp phải chính là tiền đâu mua vé, mà lại là tấm vé đi Pháp quá nhiều tiền. Quyết định đi vay bạn bè, nhưng bà chỉ dám nói để mở tiệm vì nếu nói sự thật chắc chắn họ sẽ nghĩ “bà già về hưu lẩm cẩm”. Bà vay đúng 30 người mới đủ tiền mua chỉ một tấm vé đi mà không có chiều về với suy nghĩ: “Thôi, cứ đi rồi tính tiếp, ngày xưa đi ra mưa bom còn không tính nữa là...”.
Qua Pháp, bà Phượng ở nhờ nhà bạn bè. Nhờ tiếng Pháp lưu loát, bà được các hãng phim Pháp mời chuyển ngữ cho họ. Liên hoan phim Cannes, bà còn được mời đi xem mỗi ngày bảy phim để hỗ trợ họ chuyển ngữ. Công việc khá thuận lợi, bà không còn lo lắng về tiền nong, nhưng cũng chính thời gian này làm bà nặng lòng trăn trở...
Nhiều người Pháp, kể cả những quốc gia khác mà bà gặp, đều tỏ ra “thông cảm, thương xót” người phụ nữ VN này. Hầu hết họ suy nghĩ giống nhau là đất nước nhỏ bé của bà còn chìm trong chiến tranh, đói khát, trẻ em thất học, phụ nữ bị thiệt thòi... Bà rất khó chịu. VN làm sao có thể là dân tộc nhỏ bé khi đã từng đánh gục vó ngựa Nguyên Mông chinh phục cả nửa thế giới, rồi những đoàn quân đông như kiến tràn xuống từ phương Bắc, và sau này là cả quân đội Pháp, quân đội Mỹ. Nhiều lần, bà đã tranh luận với người ngoài về điều này. Bà nói thẳng: “Nước Việt Nam tuy nhỏ, nhưng dân tộc Việt Nam rất lớn. Mời các anh đến bãi cọc sông Bạch Đằng, đến Điện Biên Phủ, xuống địa đạo Củ Chi sẽ hiểu”.
Tuy nhiên, điều làm bà Phượng thú vị là họ rất trân trọng điều bà nói, thậm chí còn xin lỗi vì thiếu thông tin. Đó cũng chính là điều mà bà học lại được từ họ. Một số người đề nghị bà nên quảng bá văn hóa Việt, trong đó có cả những bạn đang cầm cọ vẽ ở Pháp. Đây chính là bước ngoặt của bà, vì bà tin rằng tranh ảnh là thông điệp văn hóa sắc sảo và cô đọng dễ đi vào lòng người.
Năm 1990, bà Phượng về nước mở phòng tranh Lotus ở Sài Gòn và nỗ lực đưa tác phẩm Việt ra thế giới. Bà đặc biệt chú ý đến họa sĩ trẻ đang chảy cùng mạch sống dân tộc. Đến nay, bà đã thực hiện hàng trăm cuộc triển lãm tranh ảnh Việt ở Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Phần Lan, Thụy Sĩ, Hong Kong, Malaysia... Có những họa sĩ gắn bó với bà suốt gần 20 năm qua, và tên tuổi, tác phẩm họ được bà đưa ra thế giới. Đặc biệt, bà còn tham gia làm phim, trực tiếp viết và phối hợp chuyển ngữ nhiều cuốn sách văn hóa, lịch sử Việt sang tiếng Pháp và ngược lại.
Mùa thu năm 2011, bà Phượng đã bước sang tuổi 82, nhưng vẫn làm việc 12 giờ mỗi ngày và tiếp tục đi khắp thế giới để “kể chuyện” dân tộc mình bằng tranh ảnh. Ngồi với bà, tôi đã nghe những người trẻ hỏi: “Bà chưa thấy mệt mỏi à?”. Bà cười trả lời: “Ai cũng chỉ sống có một lần mà”. Và tôi thật sự hiểu câu nói một cuộc đời đi qua trần thế này mà không có gì phải nuối tiếc thì đó chính là tấm huân chương ý nghĩa nhất của mình rồi!
NSND Trương Qua: ”Bà Phượng là một người mê việc” Nghệ sĩ nhân dân Trương Qua kể ông có nhiều kỷ niệm gắn bó với bà Nguyễn Thị Xuân Phượng. Những năm đầu 1990, bà làm đạo diễn và ông viết kịch bản thực hiện bộ phim về cuộc đời Yersin ở VN. Phim 20 phút, nhưng bà Phượng và ông mất nhiều tháng lặn lội khắp Khánh Hòa, Đà Lạt để quay. Bà Phượng vẫn có sức khỏe tốt và rất mê việc. Bà cũng đầu tư công phu và cẩn trọng cho việc mình làm. Trong phim, bà đã mời cả đại diện văn hóa của sứ quán Pháp tham gia và phim được giải đặc biệt trong liên hoan phim VN. * Ngày 12-10, trong buổi lễ trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho bà Nguyễn Thị Xuân Phượng tại Tổng lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM, đại sứ Jean - François Gerault đã trân trọng phát biểu sự đóng góp của bà cho sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa hai nước VN và Pháp. Trong thời chiến và thời bình, bà cũng có nhiều đóng góp cho đất nước VN bằng chính những việc mình làm. Qua việc đưa tranh ảnh ra nước ngoài cùng các cuộc hội thảo, triển lãm, bà đã tạo điều kiện cho nhiều họa sĩ VN cũng như họa sĩ Pháp hiểu biết về nhau hơn.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận