21/09/2017 19:32 GMT+7

Khi những người trầm cảm đến với múa và vẽ

QUANG THI
QUANG THI

TTO - Những người trẻ gặp vấn đề gì khi vướng bệnh trầm cảm? Dự án nghệ thuật Wintercearig (tạm dịch: Nỗi cô quạnh mùa đông) đi tìm câu trả lời đó.

Khi những người trầm cảm đến với múa và vẽ - Ảnh 1.

Múa rối loạn âu lo trong chương trình Wintercearig - Ảnh: Florien Nguyễn

Chương trình diễn ra lúc 18h30 ngày 21, 22-9 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại (số 15 Nguyễn Ư Dĩ, Q.2, TP.HCM) với phần triển lãm tranh, múa và nghệ thuật trình diễn (Performing art). Đặc điểm chung của những người tham gia là: Đa phần từng mắc phải chứng trầm cảm.

Ý tưởng dự án nghệ thuật xuất phát từ cô gái trẻ 9X Nguyễn Thanh Trang, bằng kinh nghiệm cá nhân của cô với bệnh trầm cảm. 

Xuất thân từ một gia đình nghệ thuật, Trang kể những triệu chứng trầm cảm đã xuất hiện ở Trang từ bé, trải qua thời Trang là sinh viên du học ở Anh, đến khi Trang về nước. 

Trang đã trị liệu ở Anh lẫn ở Việt Nam. Nhưng dường như việc ngồi trên ghế trò chuyện với bác sĩ trị liệu tâm lý chưa phải là cách dành cho Trang.

"Cho đến khi tôi đi học múa, tôi thấy bản thân như được giải tỏa. Nhảy múa giúp tôi giải phóng những vấn đề tâm lý nhiều hơn" - Nguyễn Thanh Trang tâm sự. 

Cũng như Trang, nữ họa sĩ 8X Nguyễn Ngọc Đan có những kinh nghiệm về hội chứng trầm cảm với 10 năm sống ở nước Nga trước khi về nước. 

Nguyên nhân là những căng thẳng, áp lực của cuộc sống, hội chứng sốc văn hóa… Những bức tranh được vẽ trong thời kỳ này của Đan được mô tả là màu sắc "u tối", "buồn", "yếm thế", "chịu đựng"…

Những người mắc triệu chứng trầm cảm thường che giấu, không bộc lộ. Nhưng chính càng che giấu, không bộc lộ đó sẽ khiến họ bị nặng hơn.

Nguyễn Ngọc Đan chia sẻ

Nguyễn Ngọc Đan cho rằng hội họa, âm nhạc hay múa… đều là cầu nối chuyển tải cảm xúc của người nghệ sĩ đến với công chúng. 

Với Đan, hội họa giúp giải tỏa những cảm xúc lo âu, sợ hãi, buồn bã… những khi Đan bị rơi vào trạng trạng thái trầm cảm. 

Đó là lý do nữ họa sĩ đưa tranh và những kinh nghiệm trầm cảm của mình đến với dự án Wintercearig như sự khuyến khích những bệnh nhân khác có thể mạnh dạn bộc lộ vấn đề của mình, tìm cách đối phó, vượt qua chứng trầm cảm một cách hữu hiệu.

Wintercearig gồm hai phần, ở phần một sẽ là trưng bày bảy bức tranh của Nguyễn Ngọc Đan và trình diễn vở múa do biên đạo múa Sebastien Ly dàn dựng về những rối loạn lo âu ở người trẻ.

Phần hai là phần nghệ thuật trình diễn (performing art) của bốn bạn trẻ là những người bị chứng trầm cảm.

Ở tuổi hai mươi, Lê Quốc Trí - một nghệ sĩ múa - cho rằng tâm lý của người trẻ phức tạp. Với Trí múa có thể giúp anh và những người bạn đi qua những vấn đề, trạng thái tâm lý đó. 

Bởi cũng như Nguyễn Thanh Trang, Lê Quốc Trí tin nghệ thuật múa có thể giúp con người chạm vào cõi sâu kín nhất của thế giới nội tâm chính mình.

Ballet hay các loại hình khác có thể thiên về kỹ thuật, nhưng sự tự do của múa đương đại giúp cho tôi giải tỏa được trạng thái tâm lý của mình.

Lê Quốc Trí

Nhưng dự án Wintercearig không chỉ có nghệ thuật, nó còn có sự tham gia của hai chuyên gia tâm lý trị liệu Anita North và Kuma Thach như một sự kết hợp giữa nghệ thuật và y thuật. 

Khi được hỏi nên tin vào y thuật hay nghệ thuật, Nguyễn Thanh Trang cho rằng liệu pháp nào hiệu quả thì tùy ở mỗi người. 

Với Trang, ý nghĩa của Wintercearig là: "Người ta hay bỏ qua và không để ý đến những triệu chứng tâm lý của mình nhiều. Trong khi, đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Mục đích dự án chúng tôi là muốn mọi người chú ý hơn về vấn đề này!".

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên