Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2015, Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số.
Các nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác. Trên thế giới, mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi 15-29.
Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có gần 5.000 người tử vong do tự tử.
Trầm cảm đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trầm cảm thường xảy ra ở những người bị căng thẳng, bị sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, trong quan hệ gia đình, xã hội hoặc sau khi mắc bệnh khác.
Hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát và có thể là tự tử.
Hầu hết những người bị trầm cảm chưa được quản lý điều trị và chăm sóc đầy đủ, và đa số người dân còn chưa có hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm.
Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. 7 dấu hiệu chính của người bị trầm cảm: hay buồn chán; mệt mỏi, ngại làm việc; giảm hứng thú; rối loạn giấc ngủ; chán ăn, ăn không ngon; khó tập trung khi làm việc, đãng trí, hay quên; bi quan, giảm tự trọng, giảm lòng tin, nặng thì có ý định tự sát.
Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm: hãy trò chuyện với mọi người, hãy nói với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và chữa trị trầm cảm.
Mọi người hãy tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận