Ở đời, có lắm người bớt xén quà cáp, tiền bạc của người nghèo; có những người khá giả lại “xin làm hộ nghèo” để nhận trợ cấp, có biết bao việc làm gian dối để hưởng lợi lộc... thì việc làm của Hiếu, Y.B., X.T., D. đã cho chúng ta sự hi vọng vào cái đẹp trong cuộc sống này. |
Sáng 14-7, đọc trên Tuổi Trẻ bản tin về việc trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho thí sinh Lê Hữu Hiếu đạt ba điểm 10, những người thầy như chúng tôi thật khâm phục nghị lực của cậu học trò nghèo này.
Đến sáng 15-7, lại được “gặp” Hiếu qua tin “Nhận học bổng 10 triệu đồng, chia cho bạn nghèo một nửa” trên Tuổi Trẻ, tôi càng xúc động hơn trước nghĩa cử của em.
Từ câu chuyện của Hiếu, chúng tôi lại nghĩ đến trường hợp của hai em học sinh vài năm về trước, dù khuyết tật, gia đình khó khăn nhưng luôn nghĩ về người khác.
“Thầy hãy viết về bạn khác khó khăn hơn em”
Trường hợp thứ nhất là về em Y.B.. Em bị bệnh từ năm 12 tuổi (lớp 6), liệt hoàn toàn hai chi dưới sau khi mổ u tủy, tỉ lệ mất sức lao động là 81%. Đến năm lớp 8 thì bệnh trở nặng, em phải nghỉ học để đi điều trị, từ đó hai chân cứ yếu dần rồi hoàn toàn không thể đi lại được.
Tuy nhiên Y.B. quyết không đầu hàng số phận, bằng mọi giá vượt lên nghịch cảnh. Đến năm 2009, em đăng ký học lớp 8 tại Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM. Sau 5 năm học ở trung tâm, Y.B. đã thi đậu vào đại học trong sự khâm phục của mọi người.
Trước lúc đăng ký thi ĐH, Y.B. đã chọn khoa kế toán Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, với lý do rất đơn giản: “Trường có thang máy, sẽ thuận lợi cho em lên xuống cầu thang”. Y.B. đã đạt 19,5 điểm, cộng thêm điểm ưu tiên nên em trở thành tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Ngày đó chúng tôi đã nói với Y.B. rằng sẽ viết bài giới thiệu em tới báo Tuổi Trẻ để em nhận được học bổng “Tiếp sức đến trường”. Nghe vậy, em từ chối ngay. Em nói: “Thầy có thể viết về những bạn khác khó khăn hơn em, xứng đáng hơn em”.
Chúng tôi đã giải thích cho em hiểu ý nghĩa của học bổng này và thuyết phục em rất nhiều. Cuối cùng em mới đồng ý cho chúng tôi viết bài về em.
Và năm đó em đã được nhận học bổng của Tuổi Trẻ.
“Con cảm ơn thầy, nhưng con không nhận đâu!”
Trường hợp thứ hai là em X.T., cũng là học viên Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM. Năm đó, cách đây hơn bốn năm, giáo viên chúng tôi có dành dụm được ít tiền để làm quà tặng cho một số học sinh nghèo ở nhiều khối lớp đón tết. Ở khối lớp 8, giáo viên chủ nhiệm đưa cho tôi danh sách hai em. Đó là em X.T. và em D..
Chiều ấy, vào giờ ra chơi, tôi gọi hai em này ra gặp riêng. Tôi nói một cách tế nhị về việc hỗ trợ nói trên. Tuy nhiên sau khi nghe tôi nói, cả hai em đều từ chối. X.T. nói: “Thưa thầy, con cảm ơn tấm lòng của thầy dành cho con, nhưng con không nhận đâu. Ở trung tâm mình còn có nhiều bạn nghèo hơn con nữa. Con mong thầy dành phần quà này cho những bạn ấy ạ”. Tôi ngạc nhiên và xúc động lẫn cảm kích trước lời nói chân thành của em.
Khi nghe X.T. nói vậy, D. cũng đồng tình và muốn nhường phần quà của em cho bạn khác. D. nói: “Em ở mái ấm nên cũng không thiếu thốn gì đâu thầy”. Tôi thuyết phục hai em nhận quà, nhưng các em vẫn từ chối.
Lát sau, X.T. gặp riêng tôi tâm sự: “Thầy ơi, hoàn cảnh của bạn D. tội lắm thầy ạ. Bạn ấy từ chối vì muốn dành quà cho học sinh khác, chứ con biết D. cũng ở trong hoàn cảnh đặc biệt”. Rồi em kể cho tôi hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của D..
Một lần nữa tôi lại gặp D.. Thuyết phục mãi em mới nhận phần quà tết với nét mặt và giọng nói đầy xúc động. Món quà năm ấy chỉ trị giá 150.000 đồng thôi, nhưng tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười của những em nhận quà.
Và tôi lại càng hạnh phúc hơn trước suy nghĩ, hành động của hai em X.T. và D.. Dù hoàn cảnh của mình khó khăn nhưng các em luôn nghĩ tới những người bạn còn khốn khó hơn mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận