11/10/2020 09:39 GMT+7

Đội cứu hộ bên dòng Thạch Hãn

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - "Người chửa, cửa mả" là cách người ta ví mức độ nguy hiểm khi vượt cạn. Sinh đẻ giữa mùa lũ dữ lại càng nguy hiểm gấp bội phần. Nhưng ở những làng chài ven sông Thạch Hãn mùa lũ này, có những câu chuyện như thắp lửa yêu thương.

Đội cứu hộ bên dòng Thạch Hãn - Ảnh 1.

Bà bầu Thu Hiền (thôn Bố Liêu, xã Triệu Hòa) được đưa đi sinh giữa lũ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Ngày 10-10, vừa gặp anh Nguyễn Chí Công - trưởng Công an xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - thì điện thoại anh đã reo. "Lại có ca đi sinh gấp" - anh Công nói vội rồi rẽ xuồng máy hướng về phía xã Triệu Hòa. 

Chúng tôi vớ vội chiếc áo phao nhảy lên xuồng cùng các anh, xung quanh là những sóng nước xiết mạnh vào mạn ghe, có đoạn gió đánh chồng chềnh, thoáng nhìn mặt ai nấy đều căng như dây đàn.

Đến nơi, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (24 tuổi), trú thôn Bố Liêu, xã Triệu Hòa, tay ôm bụng, được dìu lên ghe nhanh chóng. Rẽ con nước dữ, chiếc ghe lao nhanh về phía cầu An Mô, nơi đã có xe của Công an huyện Triệu Phong đợi sẵn.

Anh Công bảo rằng những ca như chị Hiền là "dễ thở". Đêm hôm trước có một ca khiến anh em day dứt, lòng cứ lo lắng mãi không thôi. 

Chạng vạng ngày 9-10, chị Đỗ Thị Thu Thùy (25 tuổi) đang ở nhà mẹ đẻ ở thôn Đâu Canh, xã Triệu Giang thì bụng đau dữ dội. Vì ngày dự sinh còn khá xa nên chị vẫn bình tĩnh ở nhà, nhưng trong đêm ấy nước lũ lên nhanh khiến chị hốt hoảng.

"Trong nhà chỉ có ba mẹ tôi đã lớn tuổi. Nước lúc đó lên ngang ngực, ba mẹ kê hai chiếc giường chồng lên nhau để tôi nằm trên đó. Trong lúc rối tôi gọi nhiều số nhưng không có người bắt máy. Điện cúp đã nhiều ngày nên liên lạc bị cắt đứt ở nhiều nơi. Tôi sợ lắm" - chị Thùy nhớ lại.

Nhận được tin báo nhưng đội cứu hộ của xã Triệu Long không thể tiếp cận được. Gió lớn, mưa xối xả khiến thuyền máy cũng chịu thua. Xã không có canô chuyên dụng. Lực lượng cứu hộ chỉ biết hỏi tình hình rồi trấn an, hướng dẫn chị theo dõi tại chỗ. Chị Thùy bình tâm, giữ vững tinh thần đến rạng sáng hôm sau chờ ghe đến đón.

Chị Thùy kể mới rạng sáng nhìn chưa rõ mặt người thì các anh đã đến. Nhà neo người nên thấy ghe vào mừng rớt nước mắt. Nước xiết, chị ngồi trên ghe chỉ biết cắn chặt răng để quên đi nỗi sợ. Hiện chị đang được chăm sóc ở Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Phong, thai bị động nhưng sức khỏe đã ổn định.

Bốn anh em vào đội ứng cứu

Ngoài những chiến sĩ công an, lực lượng dân quân của xã, những người tham gia cấp cứu là những người quanh năm mưu sinh bằng nghề chài lưới ven sông.

Trong đó có 4 người là anh Lê Văn Trị (42 tuổi, trú tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử) cùng 3 người anh em vợ đã 3 hôm liên tiếp tình nguyện đem ghe máy tham gia hỗ trợ bà con các xã rốn lũ này.

Căn nhà của anh Trị hiện vẫn chìm nghỉm giữa dòng nước. Vợ con anh đã được chuyển đến trú nhờ nhà nội ở chỗ cao hơn.

Anh Trị thật thà: "Kêu cả mấy anh em trong nhà đi giúp người chứ nhiều khi cũng sợ lắm. Có những chuyến đêm, những điểm xoáy nước mặt ai nấy tái mét. Lo mình một, lo cho người ngồi trên ghe mười".

Theo ghe cứu hộ mấy hôm liền, anh Nguyễn Văn Quốc, em vợ anh Trị, đã ngã bệnh. Sức khỏe vốn yếu, dang nắng dầm mưa qua về giữa "miệng tử thần" nên anh không trụ nổi nhưng cả nhà anh không ai không ủng hộ bởi họ cho rằng mình có kinh nghiệm sông nước, những lúc như thế này là cần mình nhất.

Nghĩa tình trong cơn lũ dữ Nghĩa tình trong cơn lũ dữ

TTO - Ở những nơi được xem là "rốn lũ" trong những ngày qua, người Quảng Trị đã cùng nắm chặt tay nhau, tựa vai nhau cùng vượt qua cơn lũ dữ.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bão lũ miền trung