25/11/2009 09:21 GMT+7

Đôi bàn tay ba

TÔ HỒNG
TÔ HỒNG

TTO - Ai còn bố hãy về ôm vai bố/ Và nói rằng thương bố lắm bố ơi/ Một lời nói mà còn không nói được/ Thì đừng vờ thương tiếc bố đã xa.

XeOGBVwf.jpgPhóng to
Ảnh minh họa, nguồn: media.photobucket.com

TTO - Ai còn bố hãy về ôm vai bố/ Và nói rằng thương bố lắm bố ơi/ Một lời nói mà còn không nói được/ Thì đừng vờ thương tiếc bố đã xa.

Tôi đau nhói khi đọc những câu ấy trong một triển lãm thư pháp. Tôi có bất hiếu không khi 22 năm qua chưa một lần nói "con yêu ba"?

Quê nghèo, ba chỉ có ước muốn các con ăn học đến nơi đến chốn, thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như ba má. Hình ảnh người cha cào cát sạn để bán dưới cái nắng gay gắt đã in đậm trong tâm trí tôi từ bé.

Đôi bàn tay và đôi vai ba chai sạn vì mỗi ngày phải đội từng thúng sạn lên xe tải để có vài chục ngàn đóng tiền trường cho con.

Tôi nhớ trận lụt lịch sử năm 1999. Nước lớn nhanh, ba sợ chúng tôi thức trắng đêm nên bảo chúng tôi đi ngủ. Ba ngồi canh nước lớn tới đâu thì cặm cụi dọn dẹp đồ đạc đến đó. Nước ngập, ba đánh thức chúng tôi rồi lần lượt cõng ba chị em đến chỗ cao hơn. Phần ba ngâm mình trong nước lạnh để dọn đồ.

Ba từng nói với chúng tôi: “Ba má vất vả thế nào cũng được nhưng ba má hạnh phúc nhất là khi hàng xóm khen các con ngoan ngoãn, cô giáo khen các con học giỏi ngoan hiền và mỗi năm các con đem về cho ba cái giấy khen là được”. Tôi khắc sâu vào tâm trí những lời ấy và luôn nhắc nhở bản thân phải học giỏi, sống đúng như ba mong muốn.

Có lần tôi vô tình thấy ba khóc. Đó là khi ba ngồi đọc lá thư chị hai gửi về từ thành phố. Vì nhà mình quá khó khăn, không đủ sức nuôi ba đứa con ăn học nên chị hai phải nghỉ học để phụ giúp ba má nuôi hai em. Có lẽ ba trách mình không đủ sức lo cho các con? Ba thương con gái một mình nơi đất khách quê người.

Vì ba má, tôi đã cố gắng học tập. Và tôi thật hạnh phúc khi là niềm tự hào của ba. Năm nào tôi cũng được giấy khen. Ngày tôi vào Sài Gòn học đại học, ba chở tôi ra bến xe. Xe lăn bánh, ba vẫn đứng dõi theo, ánh mắt chất chứa biết bao cảm xúc. Và tôi hiểu những ngày tháng tiếp theo ba sẽ vất vả nhiều hơn thế.

Năm học đại học đầu tiên tôi về quê ăn tết. Tàu dừng lại ở ga quê mình, tôi nghe lòng chộn rộn kỳ lạ. Tôi nhìn quanh tìm ba rồi thấy nhói lòng khi thấy ba ở phía xa, dáng hình gầy gò đang đưa mắt tìm kiếm tôi. Ngồi sau lưng ba trên con đường về nhà, tôi thấy đôi tay ba đen, gầy, nổi rõ những đường gân. Tôi cố nén lòng để không rơi nước mắt.

Ba ơi! Con chưa một lần nói yêu ba nhưng tận sâu trái tim mình con yêu thương ba rất nhiều! Giờ này con đang ở xa ba hơn 800 cây số và đang thầm nói với ba: “Ba ơi! Con sẽ trở thành người như ba mong muốn. Bởi ba đã yêu thương, nuôi dưỡng con bằng chính trái tim, đôi tay và đôi vai gầy của ba"!

Mời bạn viết Những lời của con

Cha mẹ cho chúng ta một cuộc đời, cho chúng ta những bệ phóng để vươn đến trời cao. Cha mẹ cũng luôn là bờ vai yên bình nhất để chúng ta dựa vào những khi thất bại, những khi mệt mỏi trong dòng đời đua chen...

Mỗi ngày trôi qua đều có thể là món quà dâng tặng cha mẹ nếu chúng ta biết cách báo đáp chữ hiếu, thể hiện tình cảm của mình.

Tuổi Trẻ Online mong sẽ là nhịp cầu bắc tấm lòng của những người con đến cha mẹ thông qua nội dung Những lời của con trong chuyên mục Nếp nhà. Hãy gửi chúng tôi những câu chuyện, những kỷ niệm, những điều xúc động về cha mẹ mà bạn muốn gửi tặng đấng sinh thành - những người đã cho bạn vóc hình hôm nay. Đó cũng có thể là những tâm tư mà bạn khó có thể nói trực tiếp bằng lời...

Bài viết gửi về tto@tuoitre.com.vn hoặc tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn với tiêu đề: Những lời của con. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt. Lưu ý độ dài bài viết không quá 800 chữ (gửi kèm hình nếu có thể).

TÔ HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên