14/10/2020 08:06 GMT+7

Dốc sức tìm kiếm người mất tích

M.TỰ - H.KHÁ - T.LỰC - PH.TUẦN - N.LINH
M.TỰ - H.KHÁ - T.LỰC - PH.TUẦN - N.LINH

TTO - Đến 21h tối qua 13-10, các lực lượng vẫn tiếp tục tìm cách tiếp cận vị trí nơi có 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích ở trạm bảo vệ rừng 67, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man - phó tư lệnh Quân khu 4.

Dốc sức tìm kiếm người mất tích - Ảnh 1.

Nhóm chiến sĩ cơ động Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế vượt suối Cát trong lũ vào tìm kiếm người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: TẤN LỰC

13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn trên thuộc đoàn cán bộ vào ứng cứu các công nhân bị mắc kẹt do sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong đêm 12-10. Trên đường cứu nạn, đoàn dừng chân nghỉ tại trạm bảo vệ rừng 67 (trạm 67) thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bồ thì bị đất sạt lở, vùi lấp.

Xuyên đêm mở đường vào vùng sạt lở

Trả lời Tuổi Trẻ chiều 13-10, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - cho biết đến tối qua lực lượng chức năng vẫn chưa tiếp cận được hiện trường nơi 13 người gặp nạn.

Chiều tối 13-10, trời Huế ở khu vực xã Phong Xuân, huyện Phong Điền vẫn mưa như trút nước. Có mặt tại hiện trường, phóng viên Tuổi Trẻ tiếp tục chứng kiến thêm nhiều chuyến xe đưa thiết bị và nhiên liệu vào khu vực trạm 67 và thủy điện Rào Trăng 3 để thi công xuyên đêm mở đường vào vùng sạt lở, nơi có các cán bộ, chiến sĩ gặp nạn.

Tổng cộng đã có bốn xe múc và một xe ủi được đưa lên dọn dẹp hiện trường. Nhiều thùng phuy dầu cũng được xe tải đưa lên, tiếp tế cho máy móc thi công xuyên đêm phục vụ công tác tìm kiếm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng cũng được tung vào tìm kiếm nhóm người mất tích. Trong đó, nhóm khoảng 20 cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế với trang bị tăng võng, dù bạt, lương thực đầy đủ đã vượt suối Cát hành quân từ sớm vào thủy điện.

Ông Nguyễn Đại Vui - giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế (nguyên bí thư, chủ tịch UBND huyện Phong Điền) - đã đi ôtô dẫn đường cho nhóm ba cán bộ kiểm lâm và hai bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vượt suối Cát tìm đường tắt vào tiếp cận khu vực sạt lở. Các lực lượng khác của quân đội và giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn cũng vào cuộc.

Ngay trong buổi sáng 13-10, ba xe phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; hai xe bọc thép đặc chủng lội nước của quân đội, ba xe cấp cứu y tế và năm máy múc, máy ủi đã được tăng cường lên xã Phong Xuân. Các xe máy ủi, máy múc đất được lệnh di chuyển liên tục về khu vực sạt lở nhằm sớm giải phóng đường vào điểm đoàn cứu nạn mất liên lạc.

Thời gian trôi dần về trưa, công tác cứu hộ cứu nạn diễn ra rất khẩn trương. Một nhóm chiến sĩ của Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel được tăng cường vào khu vực hiện trường sạt lở nhằm kết nối thông tin liên lạc từ bên ngoài vào hiện trường.

Tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, nơi đặt ban chỉ huy tiền phương công tác cứu nạn, lực lượng phòng không không quân nghiên cứu, xác định tọa độ vụ sạt lở. Trong hội trường lớn, ông Lê Trường Lưu - bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cùng lực lượng Quân khu 4 họp bàn tìm phương án hiệu quả và nhanh nhất tiếp cận vị trí sạt lở, kết nối với nhóm mất liên lạc. Trong buổi chiều, ông Nguyễn Cao Lục (phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) và thiếu tướng Hà Thọ Bình (phó tư lệnh Quân khu 4) đã đến khu vực suối Cát theo dõi tiến độ cuộc tìm kiếm.

Đường vào thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở nhiều điểm rất nặng. Nhiều nơi cả quả đồi đổ sập làm sạt một mảng lớn tuyến đường độc đạo. Do mưa lớn liên tục các khe suối chảy mạnh gây chia cắt nhiều chỗ. 

Nói với Tuổi Trẻ, ông Lê Ngọc Tuấn - giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền - cho biết ngoài các điểm sạt lở nghiêm trọng thì còn có bốn khe suối lớn nước dâng qua, tràn rất xiết trên đường vào. Cuối buổi chiều cùng ngày, khu vực gần hiện trường trời vẫn mưa, gió lạnh buốt nên công việc tìm kiếm gặp vô vàn khó khăn.

Dốc sức tìm kiếm người mất tích - Ảnh 2.

Đoàn cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương vào khu vực sạt lở để tìm kiếm người mất tích - Ảnh: TẤN LỰC

Các lực lượng ứng trực trong mưa lớn

Khuya qua 13-10, các lực lượng vẫn trực chiến ở trung tâm xã Phong Xuân. Tất cả đều chờ lệnh lên đường cứu nạn khi tuyến đường vào thủy điện Rào Trăng 3 được giải tỏa. Xe xúc đất từ thị xã Hương Thủy, Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền... tiếp tục được tăng cường theo tỉnh lộ 11B vào điểm sạt lở. Một chủ xe máy xúc ở thị xã Hương Thủy, cách xã Phong Sơn 70km, cho biết tối qua cơ quan chức năng liên hệ cần máy xúc nên anh em tài xế đã di chuyển từ sáng sớm để ra đây.

Bên ngoài ngã ba tỉnh lộ 11B vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3, rất đông người dân đội mưa đứng xem, chờ đợi thông tin về vụ việc. Ai cũng lo lắng và cầu mong mọi thứ đều bình an.

Ông Nguyễn Đại Thành - đại diện Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 - cho biết đơn vị nhận được thông tin có sự cố vào ngày 11-10 do một người dân địa phương thông tin. Trước lúc có sự cố nghi ngờ sạt lở, tại thủy điện Rào Trăng 3 có 17 nhân viên đang làm việc. Hiện đường vào nhà máy bị chia cắt, bên trong không có sóng điện thoại nên không liên lạc được.

Việc điều trực thăng phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, tiếp cận hiện trường vụ sạt lở vẫn chưa thực hiện do thời tiết ở khu vực hiện trường mưa khá lớn, thời tiết không đảm bảo.

Dốc sức tìm kiếm người mất tích - Ảnh 3.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (hàng đầu thứ hai từ phải), phó tư lệnh Quân khu 4, cùng đoàn công tác thị sát tình hình mưa bão ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 11-10 - Ảnh: QK4

Thị sát tính phương án dùng trực thăng

Xác nhận với Tuổi Trẻ, Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn đóng tại xã Phong Xuân cho biết đoàn cán bộ lên thủy điện Rào Trăng 3 tối 12-10 bị mất liên lạc với một số thành viên, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man - phó tư lệnh Quân khu 4. Đoàn cứu nạn này có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ. Do đêm khuya, mưa lớn nên đoàn quyết định vào trạm 67 nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.

Tuy nhiên, giữa đêm đã xảy ra một vụ sạt lở đất rất lớn, chôn vùi 2 căn phòng của lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang nghỉ tại đây khiến 13 người trong đoàn bị mất tích. Ông Nguyễn Thanh Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, người tham gia nhóm cán bộ, chiến sĩ cứu nạn trên - cho biết ông và một số thành viên trong nhóm đã về an toàn lúc 5h sáng 13-10.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho hay vẫn chưa liên lạc được với phó tư lệnh Quân khu 4 - thiếu tướng Nguyễn Văn Man và đại tá Nguyễn Hữu Hùng (phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) cùng 11 người khác đang mất tích.

"Hiện các lực lượng chưa tiếp cận được vị trí đoàn gặp nạn vì toàn bộ đường đồi núi sạt lở đất gây chia cắt đường. Hiện việc đi lại rất nguy hiểm, có thể gặp sạt lở bất cứ chỗ nào nên công tác tiếp cận gặp nhiều khó khăn. Đối với phương án dùng trực thăng để tiếp cận, chúng tôi đang tính toán điều kiện thời tiết, địa hình nên cần thời gian thị sát. Khi có thể thì mới cho phép bay vào" - ông Tỵ thông tin thêm.

Tối qua 13-10, ông Nguyễn Đại Thành - đại diện Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3, xác nhận vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 khiến 3 công nhân chết, 10 người hiện mất liên lạc.

Thủy điện Rào Trăng 4: Nỗ lực cứu công nhân còn mắc kẹt

121396051_338142630610035_55373839617044338_n 1(read-only)

Tối 13-10, lực lượng cứu hộ đưa 5 người bị thương ở Rào Trăng 4 đến bệnh viện - Ảnh: CTV

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế cho biết lực lượng cứu hộ đã dùng 2 canô ngược dòng hồ thủy điện Hương Điền lên thủy điện Rào Trăng 4 để tiếp thức ăn, thức uống, thuốc men... cho nhóm công nhân bị mắc kẹt tại đây.

Lực lượng cũng đã đưa 5 công nhân bị thương trong nhóm này lên canô và chở về cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Bình Điền (Bình Tiến, thị xã Hương Trà). Hiện những người còn lại vẫn bị mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 4.

Ông Nguyễn Văn Phương, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay lực lượng cứu hộ đã lên phương án trong ngày14-10 cố gắng đưa toàn bộ người đang mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 4 về bằng canô.

N.LINH - PH.TUẦN

Đất đá trùm lên toàn bộ khu nhà đoàn cán bộ, chiến sĩ nghỉ

121439524_2651942388451892_6558975399704835464_n 1(read-only)

Trạm 67 - nơi được cho là xảy ra vụ sạt lở, cách TP Huế hơn 60km về phía tây - Ảnh: CTV

Báo cáo nhanh gửi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 13-10 về sự cố Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 tại Thừa Thiên Huế, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết trong số 13 người mất tích có 11 cán bộ quân đội và 2 cán bộ địa phương.

Cụ thể: lúc 12h ngày 12-10, một người dân gọi điện thoại trực tiếp cho ông Phan Thiên Định - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - thông báo lúc 12h ngày 11-10 đã xảy ra sạt lở núi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh sự cố trên nhằm có phương án cứu hộ cứu nạn. Thành phần đoàn có 21 người gồm: lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Cứu hộ cứu nạn, Quân khu 4, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban chỉ huy quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan.

Đoàn xuất phát lúc 14h cùng ngày từ Huyện ủy Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16h, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ôtô không qua được. Vì vậy đoàn để lại ôtô, đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13km. Đến 21h cùng ngày đoàn đến trạm 67. Thông tin báo về tỉnh lúc 22h đêm 12-10, đoàn dừng nghỉ tại trạm 67. Lúc 0h ngày 13-10 nghe tiếng nổ lớn, sụt toàn bộ núi, đất đá trùm lên khu nhà đoàn đang nghỉ. Sau đó 8 người trong đoàn thoát được ra ngoài.

TUẤN PHÙNG

Công an Thừa Thiên Huế: 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 mất tích Công an Thừa Thiên Huế: 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 mất tích

TTO - Theo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã làm 17 công nhân mất tích và hiện vẫn chưa liên lạc được.

M.TỰ - H.KHÁ - T.LỰC - PH.TUẦN - N.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên