Các sách mới ra trước thềm năm mới: 365 ngày an lạc (Thích Nhất Hạnh), Những bức tranh phù thế (Phạm Công Luận) và Dạo bước (tác giả Henry David Thoreau, Trần Hoàng Thư dịch) - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Mỗi ngày lay mình tỉnh thức
365 ngày an lạc và 365 ngày yêu thương là bộ sách 2 cuốn làm dưới dạng lịch để bàn (không có bộ số) khá đặc biệt vừa được Phanbook và NXB Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành nhân dịp Tết Kỷ Hợi. Sách trích dẫn những câu nói, lời văn, lời thơ ấn tượng, giản dị mà đầy minh triết của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Mỗi ngày lật giở một trang sách, đọc một lời nói của thiền sư, người đọc như được lắng nghe một tiếng chuông lay mình tỉnh thức, khiến mình được tiếp đầy năng lượng bình an bởi những ngôn từ tỏa chiếu sự hiểu biết và thương yêu.
Có rất nhiều nhắc nhớ quý báu trong bộ sách để bàn này để mỗi chúng ta "lay" tâm thức của mình: "Chúng ta phải ngồi xuống và nhìn cho sâu để thấy được giấc mơ lớn nhất của đời mình thật sự là gì. Không lẽ mục đích của cuộc đời mình chỉ là đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm hay sao?";
"Những hạt giống khổ đau trong ta có thể còn rất lớn, nhưng đừng đợi cho đến khi không còn khổ đau mới cho phép mình hạnh phúc"; "Có lẽ chiếc áo giáp phòng thân chắc chắn nhất là tâm đức của mình, là sự ăn ở theo lẽ phải của mình"; "Thực tập nhẫn nhục, bao dung, cốt là làm sao cho trái tim ta ngày càng lớn hơn. Muốn được như vậy, chúng ta phải tập hiểu, tập thương", "Chừng nào còn biết ơn, chừng đó ta còn hạnh phúc"...
Và, "an trú trong hiện tại" luôn là thông điệp xuyên suốt của thiền sư, nhắc nhớ người đọc hiện tại là món quà vô giá: "Quá khứ đã đi qua và tương lai thì chưa tới, chỉ có giây phút mà ta có thể thật sự sống là giây phút hiện tại"; "Mỗi hơi thở bình an là ta đang ăn mừng sự sống"; "Phải sống làm sao để mỗi phút, mỗi giây mình phải là người hiến tặng cho sự sống".
Những mảnh văn hóa thị dân "chỉ Sài Gòn mới có"
Những bức tranh phù thế của nhà báo Phạm Công Luận chính là phần gạn lấy những tinh hoa tươi đẹp từ trong ký ức thiếu thời cho đến khi từng trải cuộc đời chìm nổi.
Trong dòng kỷ niệm, mỗi bài viết là một gợi nhắc sâu xa. Hồi tưởng chính mình dưới cái nhìn trẻ thơ, anh cho thấy một Sài Gòn ngày xưa bình yên tươi đẹp và... lạ lẫm; lần trong ký ức gia đình dòng họ, anh nhẩn nha tâm sự chuyện cúng giỗ, chuyện làm bánh, chuyện hàng rong, xe kéo, xích lô, sách truyện thiếu nhi, phụ nữ làm đẹp và hàng lô lốc những mảnh văn hóa thị dân có thể nói một cách không ngoa là "chỉ Sài Gòn mới có".
Đọc sách, lắng nghe những câu chuyện thời quá vãng, đôi khi giật mình như thể bị rớt vào thực tại hiện tiền, như chi tiết tác giả và những học sinh tiểu học được uống sữa ở trường. Vậy là từ nửa thế kỷ trước, học sinh tiểu học đã từng được uống sữa ở trường rồi đó chứ.
Cuốn sách còn hợp phong vị ngày xuân khi sử dụng các minh họa màu và tranh bìa của Marcelino Truong như một bộ sưu tập tranh lồng trong những trang sách, rất đặc biệt.
Bên kia cầu Chữ Y lại là một mảng văn chương và ký ức thú vị khác khi tác giả kể lại không gian sống của gia đình mình và cộng đồng cư dân một góc Sài Gòn hồi trước 1975.
Tác giả Huỳnh Ngọc Nga xuất thân là nữ sinh Trường Gia Long - Sài Gòn, nay đã chẵn thất tuần, nhưng niềm đam mê viết lách từ nhỏ theo đuổi mãi cả khi xa đất nước định cư nơi trời Tây khiến cho từng vùng trời ký ức quê nhà hình thành qua trang sách.
Phải yêu tiếng Việt lắm thì sau mấy chục năm sinh sống ở xứ người, những trang viết vẫn thật gần gũi thân thương và rặt một giọng Sài Gòn đến vậy.
Trong những dòng văn tự nhiên như phản xạ, người đọc bắt gặp cái "cười hịch hạc", cách "liếc mắt ăn đèn", trò chơi thảy "nắp phén", chàng trai "bảnh tẻn"... như chứng tích lời ăn tiếng nói chân chất của một thời. Kỷ niệm của một người trải lên trang viết, hóa thành mối dây kết nối những tâm hồn bạn đọc.
Dạo bước cùng thiên nhiên
Không nghi ngờ gì, tác giả cuốn sách Dạo bước đích thực là tín đồ của một "tôn giáo", không phải tôn giáo thông thường ta vẫn thường nghe. Thứ "tôn giáo" của ông chỉ dựa vào duy nhất tình yêu dành cho môi trường sống và một trạng thái tự do tuyệt đối khi thả mình vào hoang dã. Môi trường sống trong lành, nguyên sơ được tôn thờ như "đấng tối thượng".
Mỗi câu văn, đoạn văn tuyệt đẹp với phép so sánh ngày càng dâng cao, với trùng điệp những hình ảnh từ con mắt của nhà thơ, đưa ta vào vùng xoáy của sự cảnh tỉnh, trong khi chúng ta đã ở cách thời đại của Henry David Thoreau hai thế kỷ. Rõ ràng vẻ đẹp tinh khôi, trác tuyệt trong tư tưởng của tác giả đã vượt thời gian.
Chúng ta đôi khi cứ phải sợ tách ra khỏi "trung tâm", bám riết những thành phố lớn, nhưng với trái đất thì con người hay bất kể tham vọng của họ không làm nên một trung tâm nào cả.
Thậm chí càng cách xa con người hiện đại, trở về nơi hẻo lánh thì bạn càng gần với bản chất của trái đất hơn, gần với thiên nhiên hơn, và như thế, không thể nói rằng lúc đó bạn xa tính người hơn. Đó là một trong những tự vấn khi chúng ta đối diện với tác phẩm Dạo bước.
TRẦN NGỌC SINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận