31/12/2022 10:45 GMT+7

Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre - Kỳ 2: Nghề hay 'đổ máu ăn tiền'

HÙNG ANH
HÙNG ANH

Mặt trời gần đứng bóng, đống dừa khô trước mặt vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Lý và anh Lương Văn Nhàn (ấp Vĩnh Khánh, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) chỉ còn khoảng trăm trái.

Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre - Kỳ 2: Nghề hay đổ máu ăn tiền - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Hậu khéo léo dùng cây cạy tách cơm dừa

Vừa lau mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, chị Lý vừa cười nói: "Vợ chồng đi lột dừa từ hồi 12h khuya. Bữa nay, lột đống dừa này được 15 cò, vợ chồng tui có 750.000 đồng tiền công. Muốn làm thêm, nhưng hết dừa để lột, buổi chiều kiếm việc khác làm". Dân địa phương quen gọi "cò dừa" là 200 trái.

Lột dừa, nghề "đổ máu ăn tiền"

Vợ chồng chị Lý đều là "lính mới" trong nghề lột vỏ dừa, nghề được xem có tiền công cao nhất ở chợ dừa sông Thom. "Vợ tui quê gốc Vĩnh Khánh, còn tui quận 8, Sài Gòn. Hồi đó vợ tui lên Sài Gòn làm thuê, rồi gặp tui cũng đi làm mướn, nên duyên vợ chồng. 

Cuối năm 2021, ở thành phố làm mướn khó khăn nên vợ chồng tui khăn gói về Vĩnh Khánh kiếm việc làm. Còn khỏe mạnh, tụi tui học nghề lột dừa vì tiền công cao. Học nghề gần 3 tháng, mấy lần đổ máu vì chạm vào lưỡi nầm sắc bén, tụi tui cũng quen tay, quen nghề, đi lột dừa đã được nửa năm", anh Nhàn kể.

5 phút nghỉ mệt, vợ chồng chị Lý lại thoăn thoắt cắm những trái dừa vào mũi cây nầm bén nhọn để lột vỏ. Khoảng 10 giây với 4 thao tác dứt khoát ấn trái dừa vào mũi nầm sắc bén rồi bật ngược ra phía trước, vỏ trái dừa bị chị Lý tách làm 5 múi quăng ra một chỗ. Phần gáo dừa (dừa hột), chị Lý ném qua chỗ thương lái đang phân loại, cân ký đưa xuống ghe chở ra cảng để đóng container xuất khẩu hoặc chuyển đến các điểm sơ chế cơm dừa.

Chị Hai Liên, người có thâm niên gần 10 năm nghề lột dừa, cho biết vợ chồng anh Nhàn "lính mới" lột được 15 cò dừa trong 12 tiếng đồng hồ là rất khá. "Những người lột dừa lâu năm ở chợ dừa sông Thom, mỗi người có thể đạt 10-12 cò trong 12 giờ làm việc. Mỗi cò dừa là 200 trái, tiền công lột vỏ 50.000 đồng/cò. 

Lột dừa là nghề tốn nhiều sức lực, nhưng phụ nữ tham gia đông vì tiền công cao so với các nghề khác ở chợ dừa. Tuy nhiên, nghề lột dừa thường đối mặt nguy hiểm rình rập từ lưỡi nầm sắc bén, dễ bị thương tật, đổ máu. Mười thợ lột dừa thì hết mười người từng nhiều lần đổ máu vì lưỡi nầm, dù họ có trang bị găng tay bảo hộ cỡ nào", chị Liên nói.

Theo chị Liên, cây nầm là dụng cụ chính của nghề lột dừa. Nó có lưỡi giống như cây mác vót (loại dao nhà vườn miền Tây Nam Bộ), lưỡi dài hơn 20cm, cán bằng gỗ, mũi nhọn, sắc bén. Không ai nhớ cây nầm do bậc tiền nhân nào sáng chế, ra đời năm nào, nhưng dụng cụ này có mặt khắp xứ dừa Bến Tre, phục vụ đắc lực cho nghề lột vỏ dừa.

Bước vào nghề này, việc đầu tiên là người thợ phải đến lò rèn đặt làm cây nầm phù hợp với chiều cao thân thể (thường là lưỡi nầm phải cao ngang thắt lưng người thợ sau khi cắm chặt xuống đất), với giá 650.000 đồng, sử dụng khoảng 4-5 năm thì thay lưỡi mới. Trước đây, cây nầm được thợ lột dừa cắm trực tiếp xuống đất, nhưng mấy năm nay những người thợ truyền tai nhau kỹ thuật gắn chặt vào tấm gỗ dày. 

"Cây nầm gắn trên tấm gỗ có nhiều lợi thế như không bị nghiêng ngả như khi cắm xuống đất, giúp người thợ đứng vững chãi, thủ thế chịu một chân vào cây nầm khi lột dừa nên ít mất sức, tai nạn ít xảy ra như lúc cắm nầm dưới đất", chị Liên kể.

Tưởng dễ ăn, anh bạn cùng đi với tôi xin anh Nhàn cho lột thử trái dừa. Leo lên tấm ván đứng thủ thế, nhưng mới cắm trái dừa vào cây nầm tách vỏ nhát đầu tiên thì anh bạn chúi nhủi, cái lưỡi nầm suýt cắm thẳng vào cạnh sườn. Mọi người đều xanh mặt. 

Anh Phạm Văn Minh, thợ lột dừa, cho biết nhiều du khách tham quan chợ dừa, thấy chị em phụ nữ lột dừa ào ào bằng cây nầm nên tưởng dễ ăn, xin làm thử. Nhưng sau khi nhiều người bị đứt tay, đổ máu vì lưỡi nầm sắc bén, hiện nay các cơ sở lột dừa rất ngại cho du khách thử.

Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre - Kỳ 2: Nghề hay đổ máu ăn tiền - Ảnh 2.

Mỗi ngày vợ chồng anh Nhàn, chị Lý lột vỏ được 3.000 trái dừa - Ảnh: HÙNG ANH

Những nghề kiếm tiền nhẹ nhàng ở chợ dừa

Những người thợ lột dừa cho tôi biết, ở chợ dừa nổi sông Thom, trái dừa khô trước khi được chế biến thành các sản phẩm khác phải qua tay 3 người thợ: lột vỏ dừa, cạy cơm dừa và gọt dừa. Nghề lột vỏ dừa nguy hiểm và sử dụng nhiều sức lực, trong khi cạy cơm dừa và gọt dừa được xem là nghề kiếm tiền nhẹ nhàng.

Anh Nguyễn Văn Hậu, thợ cạy cơm dừa, cho biết trước đây anh là thợ lột dừa. Do công việc cực nhọc, anh chuyển sang nghề cạy cơm dừa đã hơn hai năm. 

"Trái dừa khô sau khi chẻ ra làm hai thì chuyển cho thợ cạy cơm. Dụng cụ làm việc chủ yếu của thợ là cây cạy, một loại dao cán bằng gỗ, lưỡi dài, nhỏ, có phần mũi cong và khá sắc bén, trên lưỡi cạy có phần tay cầm được bọc vải. Cây cạy được các lò rèn sản xuất, giá bán 170.000 đồng, xài được 2-3 năm. Nhờ có cây cạy mà năng suất làm việc của thợ cạy cơm dừa tăng gấp 5-6 lần so với trước", anh Hậu vui vẻ nói.

Với tay lấy nửa trái dừa, anh đưa mũi cây cạy vào phần tiếp giáp giữa gáo và cơm dừa rồi xoay tròn gáo dừa. Trong vài giây, cơm dừa và gáo dừa tách rời nhau. Phần cơm dừa được anh Hậu chuyển sang phía thợ gọt dừa, phần gáo đưa ra ngoài để chủ vựa bán cho các lò than. 

"Cạy cơm dừa không tốn nhiều sức lực nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Nếu làm giỏi, mỗi ngày một thợ cạy có thể làm được 6 cò dừa (1.200 trái), tiền công chủ vựa trả 50.000 đồng/cò. Còn trung bình mỗi ngày thợ cạy xử lý 4-5 cò dừa. Nghề này không có giờ giấc nhất định, chủ vựa điện thoại lúc nào thì đi cạy lúc đó", anh kể. 

Giơ bàn tay trái mang găng tay bảo hộ lên, anh Hậu cho biết nếu không có găng thì bàn tay và các ngón tay dễ bị tổn thương do thường xuyên tiếp xúc với phần lưỡi cạy khá bén.

Gần đó, hàng chục phụ nữ ngồi lọt thỏm giữa những chiếc rổ lớn đựng cơm dừa. Đó là những người thợ gọt dừa. Chị Phạm Thị Hằng, thâm niên hơn 3 năm trong nghề, cho biết chị đi gọt dừa từ 3h sáng đến 11h thì sắp xong việc, số lượng cơm dừa đã gọt hơn 400kg. 

"Thợ gọt dừa chủ yếu dùng dao bào gọt bỏ lớp vỏ lụa màu nâu của phần cơm dừa. Việc này nhẹ nhàng nên tiền công cũng... nhẹ, gọt 1kg cơm dừa thành phẩm thợ được chủ vựa trả công 1.000 đồng. Những người thợ giỏi, trong ngày có thể gọt được 500-600kg cơm dừa", chị Hằng cho biết.

Cơm dừa sau khi gọt bỏ vỏ lụa được bán cho các doanh nghiệp sản xuất nước cốt dừa hoặc cơm dừa nạo sấy với giá 10.000-15.000 đồng/kg tùy thời điểm. Riêng phần vỏ lụa còn dính lớp cơm dừa mỏng, các cơ sở ép dầu dừa thu mua với giá 5.000 đồng/kg. 

Theo anh Võ Văn Hùng (Tám Hùng), thương lái có thâm niên 32 năm mua bán ở chợ dừa, ước tính mỗi năm các vựa dừa sông Thom cung ứng cho thị trường hơn 10.000 tấn cơm dừa đã được gọt sạch.

Tôi hỏi ở chợ dừa sông Thom có bao nhiêu người làm nghề lột vỏ dừa, trong đó bao nhiêu thợ lột dừa là phụ nữ? Chị Liên cười xòa, nói: "Không thể biết được, cũng không nghe ai nói, chỉ biết là nhiều lắm. Từ An Thạnh qua Khánh Thạnh Tân rồi các địa phương lân cận, chỗ nào có mua bán dừa là chỗ đó có thợ lột dừa vì thu nhập cao".

*****

Kỳ tới: Biến tấu từ nước dừa khô một thời đổ bỏ

Trước đây, quá trình chế biến cơm dừa có thứ rất bổ dưỡng nhưng bị xem phế phẩm là nước dừa khô. Sau này nhờ hai sản phẩm nổi tiếng của Bến Tre là thạch dừa và nước màu dừa, hàng triệu lít nước dừa khô không còn bị đổ bỏ uổng phí...

Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre - Kỳ 1: Dừa - thứ gì cũng là tiền Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre - Kỳ 1: Dừa - thứ gì cũng là tiền

Sông Thom do người Pháp đào năm 1905, dài 15km chảy cắt ngang cù lao Minh qua hai huyện Mỏ Cày Nam - Mỏ Cày Bắc, Bến Tre.

HÙNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên