29/08/2024 11:38 GMT+7

Độc đáo cây mai trổ bông mùa hè

Làng Thanh Quýt (phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) nhiều đời lưu giữ một dòng mai hiếm chỉ trổ bông mùa hè. Mùa đông cây ngủ, lá rũ xuống sẫm màu như đang tàn héo nhưng tới tháng 4 âm lịch cả tán cây phủ hoa màu trắng như mây.

Độc đáo cây mai trổ bông mùa hè - Ảnh 1.

Cây mai con (được chiết ra từ gốc mai mẹ) đang trổ bông tại nhà dân - Ảnh: QUỐC SẤU

Ông Nguyễn Hữu Lanh, bí thư Đảng ủy phường Điện Thắng Trung, dẫn chúng tôi tới gốc mai cổ thụ khủng nằm trong sân và khẳng định mình chưa thấy nơi nào có cây mai chỉ nở vào mùa hè như vùng đất này.

Chỉ vài ngày, toàn bộ tán cây mai chuyển qua một màu trắng toát của hoa mới nở trông như đám mây đậu giữa khoảnh sân rồi mới dần điểm thêm chút sắc vàng.

Ông NGUYỄN HỮU LANH

Cụ mai cổ thụ trổ bông mùa hè

Ông Lanh, kể cuối mùa xuân, sau thời gian dài cây mai ủ rũ ngủ đông, cả khoảnh sân ủy ban phường bất ngờ bỗng trắng toát như một khối mây lớn. Khi cán bộ đi làm thì thích thú phát hiện dấu hiệu mai vào thời gian trổ bông rộ.

Độc đáo dòng mai hiếm chỉ trổ bông mùa hè

"Cây đang như chết khô vậy, tự nhiên ít ngày sau mọc lún phún những mảng thẫm xanh màu lá chuối non. Người không biết thì nghĩ đó là đọt cây non. Nhưng không phải, đó là những chùm búp hoa đang căng sức.

Chỉ vài ngày, toàn bộ tán cây mai chuyển qua một màu trắng toát của hoa trông như đám mây đậu giữa khoảnh sân rồi mới dần điểm thêm chút sắc vàng", ông Lanh vui vẻ nói.

Độc đáo cây mai trổ bông mùa hè - Ảnh 2.

Hoa mai hạ nở đẹp kỳ lạ giữa mùa hè - Ảnh B.D.

Theo ông, thường thì mai trổ vụ chính vào tháng 4. Nhưng năm nào tới tháng 8 mà hoa ra "lỗi" mùa, cây rụng hết lá già rồi trổ bông lần thứ hai thì người Thanh Quýt âu lo vì thường năm đó thời tiết sẽ có biến động.

Sẽ không có gì lạ nếu mai trổ bông vào mùa xuân. Nhưng ở vùng Thanh Quýt, cây mai trổ bông mùa hè. Càng hạn, bông trổ càng mãnh liệt. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Khanh nói đó là lý do của cái tên mai hạ.

Trong trụ sở ủy ban phường Điện Thắng Trung, cây mai hạ hiện có bán kính gốc khoảng 40cm, từ gốc chủ chia ra hai nhánh lớn xuyên qua lớp đất rồi hướng về hai hướng đông, tây để chia ra vô số những cành nhỏ. Cây mai này cao khoảng 6m, tán cây bao trùm trong diện tích khoảng 20m2.

Độc đáo cây mai trổ bông mùa hè - Ảnh 3.

Gốc mai hạ cổ thụ trong trụ sở phường Điện Thắng Trung - Ảnh: B.D.

Dòng mai hiếm lạ

So với hình dáng nhiều loài mai quen thuộc được trồng để tìm kiếm mùa xuân, cây mai hạ ở Thanh Quýt lại chẳng giống mai chút nào. 

Nhìn bên ngoài, mai này vừa giống cây ngô đồng nhưng lá lại nhỏ và cứng như lá cây sanh.

Điều ấn tượng nhất là nhìn trên mỗi chi của cây lại thấy sự già nua của thời gian. Những cành nhỏ mọc chi chít nối dài ra không gian theo hình chân chim. 

Cành lớn đẻ ra cành nhỏ, cành nhỏ lại chia ra những cành nhỏ hơn với khoảng cách từ cành đến lá chỉ khoảng một ngón tay.

Ở Thanh Quýt, người biết rõ lai lịch nhất của cây mai hạ trong trụ sở ủy ban phường là ông Nguyễn Hữu Khanh. Ông Khanh năm nay 75 tuổi, nhà ngay sau trụ sở ủy ban phường. Lật các chồng sách cũ được ghi chép cẩn thận, ông Khanh nói rằng tới giờ như không một ai biết được gốc tích, tuổi đời thật của cây mai hiện có ở ủy ban phường. 

Vùng Điện Thắng Trung trước đây chỉ gọi chung một tên là Thanh Quýt. Qua thời gian chia tách, sáp nhập thì chia ra các xóm khác nhau như bây giờ.

Ông kể, cây mai già nằm trong trụ sở ủy ban phường Điện Thắng Trung trước đây thuộc vùng thổ, bao quanh là cây dại. Ở đây có một miếu nhỏ, hai bên miếu có hai cây mai hạ không biết được trồng từ lúc nào.

"Giai đoạn đó tôi mới 5 - 6 tuổi đã thấy cây mai vẫn thế. Cũng cao chừng ấy, thân to chừng như bây giờ chứ không khác gì nhiều. Điều mà tất cả người làng đều biết là mai trổ bông trắng toát vào mùa hạ. Bà con theo dõi quy luật thời tiết hằng năm và truyền miệng nhau rằng năm nào mai trổ "lỗi" mùa (hai mùa) thì năm đó có lụt, bão lớn. Cái này không biết thực hư ra sao, cũng có thể có năm đúng năm không vì đây là kinh nghiệm dân gian", ông Khanh nói.

Độc đáo cây mai trổ bông mùa hè - Ảnh 4.

Cây mai hạ con trước cửa nhà dân cũng đang nở bông rực rỡ, được chiết ra từ gốc mai hạ cổ ở trụ sở phường Điện Thắng Trung - Ảnh: B.D.

Điều khá lạ, theo ông Khanh, là không ở đâu thấy có loài mai hạ như Thanh Quýt. Nhiều khách du lịch, nhà nghiên cứu, cả chuyên gia vào tận nơi ghi hình, quan sát gốc thì cũng phỏng đoán đây là cây họ bún thường thấy ở Huế, nhưng sau khi so sánh thì có những đặc điểm khác.

"Một người bạn của tôi là nhà thực vật học ở Hà Nội khi nhìn cây mai hạ thì nói đây là loài cây có họ gần với họ bún. 

Nhưng sau đó xem xét lại và nói rằng nó là cây mai. Vì sao lại khẳng định là mai? Là vì lá, bông và lẫn cả nhụy chính là dòng mai. 

Nhưng vì nó nở vào mùa hạ, không phải mùa xuân như thường thấy, nên có sự lạ lẫm và tranh luận", ông Khanh nói.

Ông ước tính tuổi đời cây mai trong trụ sở ủy ban phường Điện Thắng Trung ít nhất 400 - 500 năm. Các bậc cao niên thì từng thế hệ đều bảo đã thấy cây tồn tại như vậy từ nhỏ. Người thế hệ trước đó cũng bảo với người lớp sau như vậy.

Hơn nữa, dựa trên gốc tích lập làng Thanh Quýt, có thể khẳng định người xưa khi dựng làng đã cố tình trồng 6 cây mai hạ quanh làng như "trấn long mạch". Mỗi cây đều nằm một hướng khác nhau, đều sát các nơi thờ tự. Qua thời gian, nhà cửa công trình mọc lên nên hiện chỉ còn một cây mai hạ cổ thụ đang sống tại sân ủy ban phường.

Cả làng lập hương ước bảo vệ cụ mai hạ

Bí thư Đảng ủy phường Điện Thắng Trung Nguyễn Hữu Lanh nói vì cây mai cổ thụ trong trụ sở phường có gốc gác lịch sử xa xưa, mang yếu tố văn hóa tín ngưỡng nên qua nhiều năm đều được giữ gìn. Phường cũng đón nhiều đoàn về tìm hiểu. Nhiều người thấy giống mai lạ nên xin chiết về ươm, nhưng ít người thành công.

Trụ sở ủy ban phường hiện nay là trường học trước kia. Cây mai đã tồn tại từ xưa, tới khi có trường vẫn được giữ nguyên. Năm 2007, trụ sở ủy ban phường cũ được hoán đổi để dời trường lên, trường được lấy làm trụ sở ủy ban phường. Cây mai vẫn được tiếp tục chăm sóc cẩn thận.

"Từ gốc cây hiện nay xuống âm sâu khoảng 1,5m nữa mới là phần đất nguyên thổ. Đó là do người dân vun gốc, làm bồn rồi giữ cây tồn tại theo thời gian", ông Lanh khẳng định. Nhận thấy cây mai tuổi đời hàng trăm năm nên dân làng Thanh Quýt đã đưa vào hương ước bảo vệ cây quý hiếm gắn với văn hóa, tâm linh của bà con qua rất nhiều thế hệ.

Ở Điện Thắng Trung hiện ngoài cây mai cổ thụ ở trụ sở ủy ban phường còn có 3 - 4 cây mai hạ khác. Nhưng tất cả đều là mai con, được người dân chiết rễ từ gốc mai trong phường.

Trước nhà ông Nguyễn Hữu Thành Vinh, thôn Thanh Quýt 3, cũng có gốc mai hạ trổ bông trắng toát cả khoảnh sân. Ông Vinh nói cây mai đã có từ ngày ông còn nhỏ, được ông ngoại chiết ra từ cây mai trong trụ sở ủy ban phường hiện nay.

Độc đáo cây mai trổ bông mùa hè - Ảnh 3.Hơn 300 cây mai 30 năm tuổi phủ vàng rực níu chân du khách về miệt vườn Cần Thơ

Phần lớn là giống mai 5 cánh truyền thống được người dân Cần Thơ trồng trong hơn 30 năm để có được gốc, cành, tàn và hoa đẹp tự nhiên như mời gọi người đến và níu chân người đi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên