Nhiều cửa hàng trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM đóng cửa và dán bảng cho thuê lại - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Thành cho rằng doanh nhân một lần nữa chịu nội công ngoại kích, thậm chí có tâm lý không biết ngày mai sẽ ra sao. Tình thế COVID-19 là bất thường, chúng ta phải có giải pháp bất thường.
Chia sẻ, hợp sức để vượt qua
* Chứng kiến những biến cố lớn đối với nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong thời gian qua, theo ông, biến cố nào làm khó doanh nghiệp nhất?
- Trong ba thập niên qua đã xảy ra bốn biến cố lớn mà các doanh nhân phải đối mặt. Thứ nhất là lạm phát phi mã dẫn đến đổ vỡ hàng loạt hợp tác xã tín dụng và doanh nghiệp đầu những năm 1990. Đến năm 1997 xảy ra khủng hoảng tài chính khu vực châu Á, Thái Lan, Hàn Quốc... thiệt hại nặng nề.
Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng không lớn do hội nhập chỉ mới bắt đầu. Năm 2008 lại xảy ra khủng hoảng tài chính - tiền tệ thế giới, lúc này Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn vì đã hội nhập sâu, đặc biệt là đã có thị trường chứng khoán. Nay lại xảy ra COVID-19. Dù nguyên nhân nào, cả bốn biến cố này gần như tạo thành một chu kỳ đào thải 10 năm, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, đặt doanh nhân vào thế phải chiến đấu để tồn tại, không ít doanh nghiệp đã phải ra đi, bị đào thải.
Trong đợt COVID-19 này, ảnh hưởng của nó sâu rộng đến toàn xã hội, từ người bán hàng rong trở đi. Việt Nam chuẩn bị tốt hơn, dập được dịch và có 99 ngày an toàn nhưng khó khăn vẫn bủa vây do dịch vẫn bùng phát trên thế giới. Rồi sự an toàn trong không gian hẹp bị phá vỡ khi có những ca lây trong cộng đồng. Tuy nhiên có câu nói, "đường ta đi tuy khó, nhưng có đường cho ta đi". Khó khăn còn ở phía trước, nhưng chúng ta không thể buông tay...
* Nhưng tin tức xấu cứ dồn dập, khó tránh khỏi tâm lý u ám, thậm chí buông xuôi nơi người làm ăn?
- Dù tin xấu quá nhiều nhưng vẫn phải cập nhật thông tin để biết phản ứng của thị trường, các doanh nghiệp khác ra sao, đâu là phản ứng nhất thời để có giải pháp tình thế. Diễn biến nhất thời, dứt khoát phải có giải pháp tình thế. Rồi mới tính đến những giải pháp đối phó lâu dài. Chính lúc tìm giải pháp tình thế sẽ tôi luyện tinh thần của người doanh nhân.
Tình thế COVID-19 là bất thường, chúng ta phải có giải pháp không theo quy luật bình thường. Phải cùng nhau, hợp lực, tìm quyết sách đột phá trên cơ sở đồng cảm và chia sẻ với nhau. Chẳng hạn như giai đoạn đầu của dịch COVID-19, trước làn sóng bán tháo chứng khoán, chúng tôi mời nhiều doanh nghiệp ngồi lại, bàn làm sao chấm dứt tình trạng này, vì càng bán là càng chết. Cuối cùng cũng đã có giải pháp cho vấn đề. Kể câu chuyện này cho thấy mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cũng có thể tìm giải pháp tình thế phù hợp với hoàn cảnh của mình để tồn tại.
Ông Đặng Văn Thành - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Có cơ hội trong khó khăn
* Không ít doanh nghiệp xoay trở với niềm tin trong nguy có cơ và đã tận dụng tốt cơ hội của những ngày dịch bệnh lắng xuống, khi dịch quay lại, họ có nguy cơ gục ngã lần 2, nặng hơn?...
- Gần đây, báo chí thông tin một số ngân hàng thanh lý ôtô của những người vay mua xe để kinh doanh taxi công nghệ nhưng không thể trả được nợ do COVID-19. Như vậy, đã có người không thể trụ lại, chấp nhận bị thu hồi xe. Nhưng cũng có người đứng ra mua những lô xe đó bởi họ nhìn thấy một cơ hội kinh doanh mới từ đây.
Hoặc một số doanh nghiệp đang muốn mở rộng làm ăn ra một số lĩnh vực, thay vì đầu tư mới, nay họ sẵn lòng mua lại những doanh nghiệp khó khăn để có thể khai thác ngay. Những doanh nghiệp đang phát triển trong khó khăn có thể thành công trước những doanh nghiệp "chán nản, mệt mỏi". Đấy chính là trong nguy có cơ. Tất nhiên, bung ra phải lượng sức.
Dẫn chứng này cho thấy cuộc sống vẫn luôn quay vòng và trong quá trình phát triển luôn có những cơn sóng. Muốn vậy doanh nghiệp phải quản trị, điều hành và kiểm soát thật tốt để có sức đề kháng, không bị "đột quỵ", phải rời đường đua. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng COVID-19 đã tàn phá sức khỏe doanh nghiệp nặng nề. Khó tránh khỏi trường hợp doanh nghiệp đã nỗ lực rồi nhưng vẫn không thể vượt qua, do chưa tạo ra được ba chân kiềng: quản trị, điều hành, kiểm soát. Đó là quy luật đào thải.
* Theo ông, trong quá trình doanh nghiệp tìm cho mình lối đi để vượt qua COVID-19, vai trò hỗ trợ của Nhà nước nên thế nào?
- Chính phủ đã triển khai nhiều quyết sách để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do COVID-19. Hàng loạt chính sách hỗ trợ này đang nhắm đến doanh nghiệp, như nước đổ vào chỗ trũng. Do vậy doanh nghiệp phải có tâm thế để hấp thụ các chính sách hỗ trợ này. Nếu doanh nghiệp không xoay trở để hấp thụ các ưu đãi từ chính sách sẽ rất khó giải quyết vấn đề của mình.
Nhưng nguồn lực của Chính phủ cũng có hạn, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí mới nhận được hỗ trợ. Không thể trông chờ tất cả vào các chính sách với hi vọng đó là cái phao duy nhất để cứu doanh nghiệp. Nếu có tâm lý này, người làm ăn dễ bị hụt hẫng khi không tiếp cận được các chính sách. Đang chịu sức ép từ khó khăn do dịch bệnh, nay lại hụt hẫng vì không được hỗ trợ càng làm cho doanh nhân mất động lực, phân tâm.
* Kinh nghiệm của ông rút ra từ đại dịch COVID-19?
- Trước đây mọi thứ thay đổi từ từ, nhưng với COVID-19 mọi thứ thay đổi nhanh chóng, dồn dập, không chỉ văn hóa mà cả tập quán, do vậy nếu không trở tay kịp sẽ bị đào thải. Có thể thấy rất rõ áp lực này từ sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử trong mùa COVID-19. Tiết kiệm là đức tính của phụ nữ Việt Nam. Nhưng với thương mại điện tử, một số người đã thay đổi. Vì thế không thể lơ là khi tìm kiếm các giải pháp để tồn tại. Sau lưng doanh nhân là người lao động. Cứ bước đi, sẽ có đường để ta thoát khỏi những khó khăn hiện tại và cả tương lai do COVID-19 gây ra.
* Ông Lê Hữu Nghĩa (tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành):
Sớm công bố gói hỗ trợ 2021
Trước sự trở lại của làn sóng lây lan COVID-19 ở trong nước, tôi nhận thấy tác động rất mạnh đến tâm lý của người dân, hệ lụy là rất nhiều dịch vụ của chúng tôi đã lập tức sụt giảm. Chỉ trong vài ngày trở lại đây, thẩm mỹ viện của chúng tôi ở TP.HCM vắng bóng khách. Khách sạn đầu tư tại Đà Lạt, công suất sử dụng phòng sụt giảm nghiêm trọng. Chúng tôi chỉ còn mảng xây dựng vẫn cầm cự và bù qua cho những mảng khác. Cái doanh nghiệp (DN) cần nhất trong thời điểm này là thị trường, nhưng thị trường sụt giảm tác động rất lớn đến tâm lý, dòng tiền và sự sống còn của các DN.
Dù trước tiên DN phải tự lực cánh sinh, song tôi cho rằng điều mà DN cảm nhận sự chia sẻ rõ nhất trong thời gian qua đó là giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với các DN có tổng doanh thu năm 2020 dưới 200 tỉ đồng. Để DN có động lực, Chính phủ nên sớm xây dựng và công bố gói hỗ trợ 2021 cho DN ngay từ thời điểm này. Từ đó, DN sẽ có tầm nhìn, xây dựng chiến lược để tồn tại bởi năm sau sẽ cực kỳ gian truân.
NGỌC HIỂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận