Khu vực dự kiến xây dựng sân bay quốc tế Long Thành - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ông Đinh Tiến Dũng - bộ trưởng Bộ Tài chính - cho rằng các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực giải ngân hết số vốn đầu tư công của năm nay, bởi đó là "gói kích cầu nội địa lớn nhất" hiện nay. Nếu giải ngân được sẽ tạo công ăn việc làm, có cơ sở hạ tầng, sẽ là động lực tăng trưởng không chỉ trước mắt mà còn cho lâu dài.
Lập kế hoạch chi tiền thiếu thực tế
Lý giải về tình trạng giải ngân chậm trong 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và đầu tư thừa nhận có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, lập kế hoạch không sát với khả năng thực hiện...
Đơn cử, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương chưa sát với thực tế, khả năng giao vốn và khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân.
Đáng nói, đối với không ít dự án, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công địa thi công...
"Đây là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công" - Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, còn một lý do quan trọng của các tồn tại, hạn chế trong việc giải ngân vốn đầu tư công là sự thiếu quyết liệt, thiếu trách nhiệm và năng lực hạn chế của người đứng đầu, của các bộ phận xử lý trực tiếp công việc trong bộ máy.
Phải nỗ lực giải ngân hết số vốn đầu tư công của năm nay, bởi đó là "gói kích cầu nội địa lớn nhất" hiện nay. Nếu giải ngân được sẽ tạo công ăn việc làm, có cơ sở hạ tầng, sẽ là động lực tăng trưởng.
Ông Đinh Tiến Dũng (bộ trưởng Bộ Tài chính)
Nâng trách nhiệm với "địa chỉ việc làm"
Là người trực tiếp làm việc với Thanh Hóa và Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cùng một mặt bằng thể chế, chính sách, nhưng 2 tỉnh này đạt tốc độ giải ngân cao là do lãnh đạo tỉnh đã rất nỗ lực, ngay từ đầu năm đã khẩn trương giao kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án.
Đồng thời, lãnh đạo các tỉnh này thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban về đầu tư công để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; phân công cụ thể người chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi các dự án trọng điểm; thành lập các đoàn kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; cương quyết điều chuyển vốn từ dự án chậm trễ sang dự án giải ngân tốt.
Nhằm hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công những tháng cuối năm, ông Nguyễn Danh Huy - vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT - cho biết đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương quyết liệt xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của các dự án. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng của các dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng trong lúc khó khăn bởi đại dịch COVID-19, các dự án đầu tư công là "địa chỉ để tạo công ăn việc làm", thu nhập cho người lao động và doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Bởi hàng trăm ngàn tấn vật liệu xây dựng gồm ximăng, sắt thép... được tiêu thụ. Muốn ximăng, gạch ngói, cát sỏi đến công trình thì phải có vận tải. Nhờ đó, ngành vận tải cũng bớt khó khăn...
Dưới góc độ vĩ mô, cũng như bao năm qua, các dự án đầu tư công còn giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhất là trong bối cảnh đại dịch, dự án sử dụng vốn nhà nước giữ vai trò đặc biệt là giữ nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế. "Do đó, dự án thực hiện đúng tiến độ, giải ngân được 100% vốn được giao như Thủ tướng yêu cầu thì sẽ có lợi ích kép cho nền kinh tế" - vị này nói.
Thay nhà thầu, tư vấn không bảo đảm tiến độ
Bộ Xây dựng vừa báo cáo về giải ngân đầu tư công gửi tới Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu chủ trương sẽ thay thế nhà thầu thi công, tư vấn năng lực yếu, không bảo đảm tiến độ giải ngân đầu tư công. Bộ Xây dựng cũng sẽ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu đơn vị có dự án đầu tư công giải ngân chậm trong năm 2020, rà soát các dự án giải ngân chậm tiến độ, đề xuất điều chuyển vốn các dự án giải ngân chậm (dự án giải ngân vốn dưới 60% vốn được giao, tính đến 30-9-2020) sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Năm 2020, Bộ Xây dựng được giao khoảng 340 tỉ vốn đầu tư công, nhưng đến giữa tháng 7 mới giải ngân được 83,1 tỉ đồng, đạt 24,5% kế hoạch. Bốn nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được chỉ ra là do dịch COVID-19, các nhà thầu gặp khó khăn trong huy động nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư, một số nhà thầu cung cấp thiết bị không đáp ứng được tiến độ do không nhập khẩu được hàng hóa. Do khâu chuẩn bị thực hiện dự án có nhiều thủ tục, đặc biệt khâu lựa chọn nhà thầu nên mất nhiều thời gian, dự án triển khai từ đầu năm nhưng đến tháng 8-2020 mới có thể khởi công. Việc bổ sung kế hoạch vốn chậm cũng làm các chủ đầu tư bị động trong giải ngân vốn đầu tư.
B.NGỌC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận