05/12/2016 10:59 GMT+7

Doanh nghiệp Việt vẫn chịu gánh nặng "chi phí không tên"

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Đó là khẳng định của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI) đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2016 (VBF): Nâng cao vai trò kinh tế tư nhân diễn ra sáng 5-12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2016 (VBF) đang diễn ra sáng 5-12. Ảnh: N.AN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2016 (VBF) đang diễn ra sáng 5-12. Ảnh: N.AN

Đánh giá về khu vực kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mặc dù có số lượng đông đảo nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mạnh và chưa hội nhập theo chuẩn quốc tế khi thiếu những doanh nghiệp đủ tầm, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước cũng như có khả năng tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Trong khi đó, môi trường kinh doanh dù đã có nhiều cải thiện song Bộ trưởng Dũng nhìn nhận vẫn chưa có sự bứt phá. Theo Bộ trưởng, nếu không có sự đột phá và cải thiện nhanh, Việt Nam không những khó tiếp cận nhóm Asean 4 mà còn bị tụt hậu phía sau.  

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhìn nhận Chính phủ đã có những nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như trình Quốc hội sửa nhiều luật quan trọng gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa… 

“Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá thì môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có những thay đổi khá tốt nhưng so với nhiều nước, đặc biệt trong khu vực ASEAN thì vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với mong muốn của doanh nghiệp thì lại càng xa"- ông Lộc nói.

Khác với nhiều nước, ông Lộc nêu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu cho đến luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán. 

Ông Lộc nói thêm là nếu như doanh nghiệp nhiều nước được kinh doanh trong một môi trường thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính chuyên nghiệp, bộ máy nhà nước luôn trăn trở tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh… thì ở Việt Nam thì giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan nhà nước vẫn là loay hoay tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu! 

Tại diễn đàn, đại diện nhiều Hiệp hội thương mại nước ngoài cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, phiền hà trong môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, kiến nghị cần rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi. Đặc biệt, cần tính toán và đánh giá được chi phí và lợi ích của từng thủ tục hành chính đặt ra chứ không chỉ nêu chung chung…  

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên