10/08/2022 19:17 GMT+7

Doanh nghiệp rối việc xử lý bùn nạo vét cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Nhiều doanh nghiệp cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang lo lắng vì hồ sơ xin nạo vét cảng của mình chưa được giải quyết. Trong khi việc này rất quan trọng để cho tàu bè ra vào an toàn và sẽ làm chậm tiến độ các dự án với đối tác nước ngoài.

Doanh nghiệp rối việc xử lý bùn nạo vét cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 1.

Nạo vét bùn ở vùng nước trước một cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Cuối tháng 7-2022, một doanh nghiệp dầu khí ở Vũng Tàu có đơn gửi Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) đề nghị hướng dẫn thủ tục khai thác khoáng sản phát sinh từ việc nạo vét cảng, duy trì độ sâu.

Không hạ thủy được giàn khoan, tàu lớn không vào được

Doanh nghiệp dầu khí này có cảng riêng chủ yếu để hạ thủy giàn khoan. Trước ngày 15-9-2022, doanh nghiệp này phải hạ thủy chân đế giàn khoan và cọc giàn khoan để bàn giao cho chủ đầu tư nước ngoài. Nếu chậm tiến độ thì tiền phạt lên đến gần 1,9 triệu USD. 

Để hạ thủy giàn khoan, phải dùng tàu, sà lan cập cảng. Nhưng hiện độ sâu của khu nước trước bến cảng của họ chỉ đạt từ 2,5m đến 4m nên không đảm bảo an toàn cho tàu bè ra vào. Do đó, cần phải nhanh chóng nạo vét cảng để kịp thời gian.

Ngày 18-7, doanh nghiệp này nộp hồ sơ lên Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin đăng ký nạo vét, thu hồi vật chất nạo vét theo hướng dẫn của sở này. Nhưng ngày 22-7, sở có văn bản trả lời tạm thời chưa hướng dẫn thủ tục tiếp theo. Do đó, doanh nghiệp này đã có đơn gửi Bộ TN&MT đề nghị hướng dẫn vì nếu chậm trễ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của hạ thủy giàn khoan, chân đế.

Doanh nghiệp rối việc xử lý bùn nạo vét cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 2.

Một góc cảng Cái Mép -Thị Vải, nơi có nhiều doanh nghiệp cảng có nhu cầu nạo vét vùng nước trước cảng để duy trì độ sâu, đón được tàu lớn - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Cũng cuối tháng 7-2022, một doanh nghiệp khai thác cảng ở Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có văn bản gửi Bộ TN&MT xin hướng dẫn tương tự như trên. Theo doanh nghiệp này, hiện độ sâu cảng của họ không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho tàu có trọng tải 200.000 tấn ra vào và cần nạo vét với khối lượng gần 96.000m3

Tuy nhiên khi nộp hồ sơ cũng được trả lời như trên. Doanh nghiệp này cho rằng nếu không được nạo vét, duy tu kịp thời sẽ không đảm bảo an toàn cho tàu vào làm hàng, có nguy cơ mất an toàn hàng hải và đặc biệt doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ dừng khai thác cảng.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, không chỉ có 2 doanh nghiệp trên mà hiện có 5 DN cảng, có cảng khác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhu cầu nạo vét và cũng được Sở TN&MT tỉnh này trả lời "chưa giải quyết hồ sơ thủ tục thu hồi khoáng sản tại dự án nạo vét, duy tu khu nước trước bến cảng".

Doanh nghiệp rối việc xử lý bùn nạo vét cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 3.

Vùng nước trước cảng rất cần được nạo vét, duy tu hằng năm để đảm bảo độ sâu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Vì sao có chuyện này?

Sở dĩ có chuyện Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm dừng hướng dẫn thủ tục cho các doanh nghiệp cảng là do những công văn hướng dẫn của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT).

Cụ thể, trong một trường hợp hướng dẫn cụ thể cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 4-2022, tổng cục này đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép doanh nghiệp đăng ký số lượng khoáng sản khai thác hay thu hồi ở vùng nước trước cảng theo nghị định 158/2016. 

Và căn cứ khối lượng khoáng sản thực tế, tổ chức, cá nhân phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan, trong đó có tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Nhưng cũng trong một văn bản hướng dẫn khác gửi cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 7-2022, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam lại dẫn thêm nghị định số 23/2020 của Chính phủ. Nghị định này quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì tổ chức đấu giá đối với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thu hồi được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.

Doanh nghiệp rối việc xử lý bùn nạo vét cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 4.

Bùn, vật chất nạo vét từ một cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu đổ lên sà lan - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Đó chính là lý do Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm thời chưa tham mưu giải quyết hồ sơ của các doanh nghiệp cảng, có cảng khi họ làm thủ tục đăng ký thu hồi khoáng sản như đã nói ở trên.

Chiều 10-8, ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sở và tỉnh cũng rất muốn sớm tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Đầu tháng 8-2022 đơn vị đã gửi công văn cho Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đăng ký làm việc để cùng tìm hướng giải quyết cho doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp có cảng. Dự kiến sang tuần sở sẽ có buổi làm việc với tổng cục này.

Doanh nghiệp rối việc xử lý bùn nạo vét cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 5.

Cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu có nhu cầu nạo vét lớn để đón những con tàu lớn an toàn - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, với 48 cảng biển đang hoạt động và 3 cảng đang xây dựng thì nhu cầu nạo vét là rất lớn. Việc nạo vét không kịp thời có thể dẫn đến các sự cố về mắc cạn, không đón được các tàu lớn làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương. Bình quân hằng năm, số lượng bùn phát sinh trong quá trình nạo vét các cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 4,4 triệu m3.

Bùn nạo vét luồng lạch đổ đi đâu? Bùn nạo vét luồng lạch đổ đi đâu?

TTO - Luồng lạch, cảng biển tại TP.HCM bị bồi lắng nhưng thủ tục xin phép nạo vét phức tạp, kéo dài, đặc biệt việc không tìm ra bãi đổ bùn nạo vét khiến nhiều đơn vị lâm cảnh... mắc cạn.


ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên