30/08/2016 09:14 GMT+7

Doanh nghiệp kêu trời nghị định 19

NGỌC AN - ANH ĐỨC
NGỌC AN - ANH ĐỨC

TTO - Có mục đích hạn chế tình trạng manh mún, sang chiết gas trái phép nhưng Bộ Công thương cần tăng điều kiện để đảm bảo an toàn cho người dùng gas, chứ không phải siết doanh nghiệp nhỏ…

Nhân viên một cửa hàng gas trên đường Nguyên Hồng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM vận chuyển gas để giao hàng cho khách - Ảnh: HỮU THUẬN
Nhân viên một cửa hàng gas trên đường Nguyên Hồng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM vận chuyển gas để giao hàng cho khách - Ảnh: HỮU THUẬN

Đó là ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp phân tích thêm những vấn đề trong nghị định 19/2016.

* Ông Trương Thanh Đức (chủ tịch Công ty luật Basico):

Trái tinh thần Hiến pháp

Nghị định về gas, theo tôi, không cần quy định bất cứ điều kiện nào về quy mô mà phải siết chặt điều kiện đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy, chất lượng hàng hóa.

Nghị định 19/2016 thậm chí trái với tinh thần Hiến pháp. Bởi điều kiện kinh doanh phải vì an ninh, sức khỏe cộng đồng... nhưng nghị định 19/2016 lại không vậy. Nếu nói chống cháy nổ thì điều kiện 100.000 vỏ bình không thể hiện được vấn đề đó.

Quản lý cần theo tinh thần Hiến pháp. Không chỉ gas mà nhiều quy định của Bộ Công thương trong lĩnh vực xăng dầu, gạo, ôtô, rượu... đều phải xem lại.

Ông Đàm Vũ Hải (giám đốc Công ty TNHH DHV, Lai Châu):

Chi phí quá lớn để đáp ứng điều kiện

Các điều kiện kinh doanh mà Bộ Công thương đưa ra sẽ dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tham gia thị trường.

Để đầu tư hệ thống bồn chứa, bình gas chỉ với mục đích được cấp lại giấy phép kinh doanh, tổng số tiền mà các doanh nghiệp phải đáp ứng và duy trì giấy phép phân phối gas có thể lên tới 35 triệu USD.

Doanh nghiệp ở vùng núi rất khó đáp ứng các điều kiện trên. Nếu họ gặp khó khăn có thể sẽ hạn chế việc sử dụng khí gas, từ đó ảnh hưởng đến việc tăng đun củi, phá rừng.

* Ông Lê Văn Bình (giám đốc Công ty TNHH Minh Chánh, Bình Định):

Cần sửa theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp

Việc đặt ra những yêu cầu như nghị định 19/2016 là trái với quy định tại Luật đầu tư năm 2014 về “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.

Đồng thời, nó cũng trái với quy định tại điều 7 Luật doanh nghiệp năm 2014 về quyền của doanh nghiệp được “tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh...”.

Nghị định 19/2016 đã được ban hành trước nghị quyết số 35 của Chính phủ về “hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”.

Cần sớm sửa nghị định theo hướng bỏ hoặc giảm tối đa các điều kiện về diện tích, số lượng bình...

Việc này cần để doanh nghiệp tự quyết trong khuôn khổ không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng.

Nguyên lãnh đạo quản lý lĩnh vực kinh doanh gas của Bộ Công thương:

Doanh nghiệp cũng phải nỗ lực

Việc một số doanh nghiệp bức xúc với quy định của nghị định 19/2016 cũng dễ hiểu. Trước đây đã có nghị định 107/2009 quy định về kinh doanh gas, chỉ cấp phép cho một số đối tượng, còn lại theo hướng mở.

Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra hiện tượng mài bình, kinh doanh gas rất bát nháo.

Nghị định 19/2016 muốn chấn chỉnh, đưa ra điều kiện nghiêm ngặt với thương nhân phân phối hoặc nhập khẩu, sản xuất gas.

Doanh nghiệp nào không đạt vẫn có thể làm tổng đại lý và đại lý với các điều kiện dễ hơn.

Tất nhiên doanh nghiệp có quyền chọn quy mô kinh doanh và Bộ Công thương đã định hướng sẽ sửa nghị định 19/2016 vì một số điều kiện được đánh giá là khắc nghiệt.

Nhưng khi sửa nên tham khảo ý kiến rộng rãi. Thị trường hiện đang có khoảng 5.000 doanh nghiệp phân phối, là tổng đại lý gas.

Phải lấy được ý kiến và trí tuệ của đa số. Nếu không chú trọng các điều kiện về quy mô, các điều kiện khác vẫn cần đủ chặt chẽ để hạn chế tình trạng doanh nghiệp nhỏ chụp giật, sang chiết trái phép...

NGỌC AN - ANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên