12/11/2014 14:26 GMT+7

Hiệp hội và doanh nghiệp: Dán tem bia là gây lãng phí

C.V.Kình
C.V.Kình

TTO - Ngày 12-11, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA) tiếp tục tổ chức hội thảo về dự thảo nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia của Bộ Công thương.

Tất cả thông tin liên quan đến sản phẩm bia, như thành phần nguyên liệu, nồng độ cồn, hạn sử dụng... đều được các doanh nghiệp sản xuất ghi rõ trên vỏ lon. Do đó, việc dán thêm tem bia, theo các doanh nghiệp, là hoàn toàn không cần thiết - Ảnh: T.T.D.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - chủ tịch VBA, VN hiện mỗi năm tiêu thụ 68 triệu lít rượu, nhưng có tới 50% rượu là nhập từ nước ngoài. Đây là nguy cơ làm suy sụp ngành rượu trong nước. Trong khi đó, bia vừa được Bộ Công thương đề nghị phải dán tem.

VBA vừa có văn bản gửi đến Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, trong đó đề nghị không dán tem bia.

Theo văn bản do ông Nguyễn Văn Việt ký, VBA nêu việc dán tem bia để quản lý hàng giả, hàng lậu, truy nguồn gốc và quản lý thuế là không thực tế, bởi tại VN các công ty bia lớn như SABECO, HABECO, Heineken, Carlsberg... đã chiếm 96-98% thị phần.

Các doanh nghiệp này đều đã được quản lý tốt nên việc trốn thuế cũng như làm giả gần như không có. Khâu sản xuất bia cũng mang tính công nghiệp cao, các sản phẩm đều được đánh mã, rất dễ truy nguồn gốc mà không cần dùng đến tem. Ngoài ra, tem bia rất ít quốc gia sử dụng và cũng dễ bị làm nhái...

Vì vậy, VBA khẳng định “việc dán tem bia là không hiệu quả, gây lãng phí và tạo sức ép không đáng có lên doanh nghiệp”...

Trước đó, trong cuộc hội thảo tại Bộ Công thương hồi tháng 9-2014, đại diện SABECO và HABECO từng lên tiếng không nên dán tem bia và công bố nếu dán tem sẽ khiến doanh nghiệp tăng chi phí tới 1.500-1.600 tỉ đồng/năm.

Khẳng định tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt mạnh mẽ đề nghị bỏ cả quy định dán tem và cấp phép, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang có chủ trương hạn chế cấp phép để khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Vương Nam - trưởng phòng chính sách thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính - cho rằng sau khi rà soát, nghe ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương làm rõ thêm các yếu tố kỹ thuật, chi phí của việc dán tem... 

Ông Nam cho rằng nếu dán tem khiến chi phí tăng khoảng 1.500-1.600 tỉ đồng/năm thì cần phải tính toán rất kỹ...

 

C.V.Kình
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên