Các thiết bị sản xuất của cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods) tại ấp Lồ Ồ, xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã có lúc phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng của thông tin sai lệch về sản phẩm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hơn 2 tấn hàng được trả lại thì không còn sử dụng được vì quá hạn, nhưng công ty cũng chẳng nhận được tiền bồi thường. Chúng tôi đã quá mệt mỏi gõ cửa kêu oan khắp nơi và cũng không tin mình thắng nổi cơ quan quản lý
Ông LƯU MINH SANG
Câu hỏi đặt ra: Ai có quyền công bố thông tin, và nếu đưa thông tin sai, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Doanh nghiệp có thể chết vì tin xấu
Tuổi Trẻ trở lại với câu chuyện một thời nóng bỏng: Xúc xích Vietfoods có trụ sở tại Bình Dương vào năm 2016 bị Đội QLTT số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) niêm phong và tung tin có chất sodium nitrate gây ung thư.
Hơn 2 tấn xúc xích đã bị niêm phong và tịch thu. Không lâu sau đó, các cơ quan nghiệp vụ kết luận chính thức là sodium nitrate an toàn.
Cơ sở này được minh oan sau đó nhưng theo ông Lưu Minh Sang, chủ cơ sở Vietfoods, khách hàng đã không dám đến lấy hàng nữa, dù trước đó mỗi tháng cơ sở này sản xuất và bán ra 50-60 tấn xúc xích.
Sau nhiều nỗ lực, Vietfoods khôi phục được khoảng 30% sản lượng so với thời phát triển, nhưng rồi buộc phải chuyển đổi dần sang sản xuất sản phẩm khác vì không "sống nổi" với xúc xích do bị lỡ mang tiếng không tốt.
"Tin xấu thì lan truyền nhanh hơn tin tốt nên doanh nghiệp có thể chết chỉ vì tin đồn. Vì thế, cơ quan quản lý cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định gì về việc công bố sai phạm" - ông Sang kiến nghị.
Điều đáng nói, theo ông Sang, thời điểm đó hơn 2 tấn hàng được trả lại thì không còn sử dụng được vì quá hạn, nhưng công ty cũng chẳng nhận được tiền bồi thường. Liệu Vietfoods có ý định kiện?
Ông Sang cho biết công ty đã quá mệt mỏi do trước đó gõ cửa kêu oan khắp nơi và cũng không tin mình thắng nổi cơ quan quản lý.
Con Cưng là một trong những ví dụ mới nhất khi sự rầm rộ ban đầu được các cơ quan QLTT đẩy lên, kiểm tra toàn bộ 89 cửa hàng ở TP.HCM và mở rộng đến 180 trên tổng số 350 cửa hàng tại 29 tỉnh, thành phố.
Thế nhưng, trong văn bản báo cáo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Ban chỉ đạo 389 nhận xét đó chỉ là vụ việc vi phạm hành chính, với một số vi phạm không nghiêm trọng, thể hiện qua số lượng hàng hóa vi phạm ít, trị giá hàng hóa vi phạm nhỏ và mức tiền xử phạt theo quy định thấp, trái với sự rầm rộ ban đầu.
Tuy vậy tác động đến doanh nghiệp thì không nhỏ. Đại diện hệ thống này cho biết các thông tin xấu đã khiến lượng khách đến mua hàng ít đi, doanh thu giảm rõ rệt.
Ông Lưu Anh Tiến - tổng giám đốc Con Cưng - cho biết từ khi sự vụ xảy ra, một tháng nay doanh thu của Con Cưng giảm 1-2 tỉ đồng/ngày so với trước đó, và "thực sự đau đớn" khi bị gán cho những cụm từ như "gian thương", "vô đạo" từ cộng đồng.
Các doanh nghiệp tỏ ý lo ngại về tình trạng không sòng phẳng từ các cơ quan quản lý. Chẳng hạn, vào cuối năm 2017, doanh nghiệp T.H ở TP.HCM kinh doanh ớt bột bị thanh tra cấp bộ kết luận ớt nhiễm chất aflatoxin B1 (chất nguy cơ gây ung thư).
Nhưng doanh nghiệp này lấy mẫu và truy xuất hàng của mình đi kiểm định lại khẳng định an toàn. Doanh nghiệp không thừa nhận mẫu cơ quan chức năng lấy trong siêu thị, vì không có xác nhận của đại diện tại thời điểm bán, còn thanh tra không thừa nhận mẫu do doanh nghiệp kiểm tra.
Cuối cùng, tranh qua cãi lại, cơ quan chức năng chấp nhận là chỉ gửi biên bản nhắc nhở, chỉ đạo khắc phục đối với sai phạm được cho là của T.H. Điều đáng nói là dù không đồng ý và ký vào biên bản kết quả, nhưng nhiều khách hàng của T.H đã nhận được văn bản này.
"Nhiều cửa hàng yêu cầu phải giải trình vụ việc, thậm chí rút hàng trên kệ xuống và đòi chấm dứt hợp đồng. Sản phẩm ớt bột của đơn vị xuất khẩu đi nhiều nước uy tín với chất lượng luôn cam kết an toàn nhưng nhiều công ty nhập khẩu sau đó bắt đơn vị phải giải trình, gây khó dễ vì thông tin kết luận trước đó của cơ quan chức năng", đại diện đơn vị này cho biết.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Chỉ công bố khi có kết luận chính thức
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Hùng, phó chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam, cho rằng việc kiểm tra kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh của doanh nghiệp là bình thường và cần thiết, cả việc tạm giữ hàng hóa cũng là nghiệp vụ của cơ quan QLTT, hoàn toàn đúng pháp luật.
Tuy nhiên, ông Hùng nói rằng cơ quan quản lý cần phải rất thận trọng và khi chưa có kết luận chính thức thì không được thông tin. Đặc biệt là những nhận xét mang tính mơ hồ, đang còn là nghi vấn mà chưa có kết quả giám định, kiểm định rõ ràng thì việc đưa ra thông tin sẽ ảnh hưởng lớn, khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
Theo dõi diễn biến của các vụ việc, một luật sư có nhiều kinh nghiệm về giải quyết các tranh chấp thương mại cho rằng với việc các cơ quan chức năng kiểm tra tại một doanh nghiệp mà làm ầm ĩ lên, rồi đưa ra các thông tin như các trường hợp trên là "không phù hợp".
Theo ông, trong khi cơ quan QLTT hay cơ quan chức năng khác luôn nói rằng lực lượng mỏng thì cần tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc hơn của xã hội, các điểm nóng như an toàn thực phẩm, dược phẩm, thuốc men, hàng giả, hàng nhái thực sự trong sản xuất như phân bón, cây trồng, tiêu dùng liên quan đến sức khỏe...
Vị luật sư nhận định rằng nhiều doanh nghiệp rất vất vả gầy dựng nên cơ nghiệp, nhưng chỉ với một sự cố nhỏ, xử lý không tốt cũng có thể gây tổn hại và uy tín của doanh nghiệp. Đấy là chưa nói đến trường hợp lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh, đối thủ có thể tác động để làm to chuyện, triệt tiêu doanh nghiệp.
Vì thế cơ quan chức năng cần phải rất cảnh giác, trong quá trình kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp không nên công bố thông tin khi chưa có kết quả và kết luận chính thức. Việc thông tin kết quả kiểm tra phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhưng cũng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Hồng Hảo - viện trưởng Viện An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) - cho biết đã có quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí, liên quan đến thực phẩm thì Bộ Y tế chỉ có đầu mối cung cấp thông tin là Cục An toàn thực phẩm, tuy nhiên, phải sau khi có kết luận cụ thể.
Ngoài ra, cơ quan quản lý chỉ cung cấp thông tin chuyên môn cho báo chí, còn phát ngôn liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, ảnh hưởng của an toàn thực phẩm thì luật quy định khi nào được phát ngôn và ai được phát ngôn.
Hàng của cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt phải xếp trong kho vì không bán được, do Quản lý thị trường Hà Nội thông tin sai lệch về sản phẩm xúc xích Vietfoods có chất cấm gây ung thư (ảnh chụp ngày 29-5-2016) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH (Đoàn luật sư TP.HCM):
Rất khó chứng minh thiệt hại
Về nguyên tắc, khi kiểm tra phát hiện dấu hiệu sai phạm thì cơ quan chức năng phải lập biên bản, sau đó xác minh và ra kết luận về việc kiểm tra. Thông tin trong biên bản ghi nhận không thuộc danh mục bí mật nhà nước nên việc phát ngôn hoặc cung cấp thông tin này cho các cơ quan báo chí, truyền thông là không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, đây chỉ là biên bản ghi nhận sự việc, chưa phải là kết luận chính thức. Nếu từ biên bản này mà báo chí suy diễn đó là sai phạm, sau đó cơ quan chức năng kết luận không sai phạm thì cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm về thông tin mình đăng tải. Doanh nghiệp có thể khởi kiện cơ quan báo chí yêu cầu cải chính, đòi bồi thường thiệt hại.
Còn nếu cá nhân có thẩm quyền (thực hiện chức năng phát ngôn) có những phát ngôn mang tính quy chụp doanh nghiệp sai phạm nhưng sau đó kết luận chính thức không sai thì phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình. Doanh nghiệp bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án đòi bồi thường thiệt hại do hành vi hành chính trong quá trình quản lý nhà nước theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Ngược lại, nếu cá nhân trong đoàn kiểm tra, cơ quan quản lý thị trường có những phát ngôn với tư cách cá nhân gây thiệt hại thì doanh nghiệp có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, theo tôi, rất khó chứng minh thiệt hại do thu nhập bị mất.
* Luật sư NGUYỄN THỊ BÍCH TRÂM (Đoàn luật sư TP.HCM):
Công bố sau khi đã ra quyết định xử phạt
Thời gian qua đã có một số vụ việc dư luận quan tâm về việc thông tin, hình ảnh về quá trình kiểm tra, kết quả xử lý vi phạm chưa phải là cuối cùng được các cơ quan ngôn luận đưa lên. Chính kiểu thông tin này đã gây thiệt hại vô cùng to lớn cho doanh nghiệp.
Luật xử lý vi phạm hành chính quy định rõ thời điểm "công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính" (điều 72). Theo đó, các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm... mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
Như vậy, thời điểm công bố là khi đã ra quyết định xử phạt. Nếu cơ quan có thẩm quyền chỉ mới lập biên bản vì cho rằng doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm mà đưa thông tin cho phương tiện truyền thông thì sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Đành rằng vai trò của báo chí tham gia quá trình kiểm tra, giám sát, phản ánh, đấu tranh với các vi phạm, tiêu cực... là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại việc thông tin khi kết quả chưa rõ ràng như những vụ việc vừa qua. Trong trường hợp đó, cần xem xét trách nhiệm của báo, đài và cơ quan tiến hành kiểm tra đối với thiệt hại gây ra.
* Luật gia PHAN THỊ VIỆT THU (chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM):
Không phải lúc nào tố cáo cũng đúng
Nhiều hồ sơ chúng tôi tiếp nhận cho thấy không phải người tố cáo lúc nào cũng đúng. Do đó, điều cần thiết là phải đi xác minh, điều tra từ cơ quan chức năng mới có cơ sở đánh giá vấn đề. Việc công bố thông tin chưa rõ ràng, sau đó đính chính không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà niềm tin của người tiêu dùng cũng mất.
Hiện quy định chỉ kiểm tra doanh nghiệp mỗi năm một lần, nhưng doanh nghiệp nào vi phạm có thể tái kiểm tra để xem khắc phục. Tuy nhiên, những vi phạm nhỏ thì cơ quan chức năng nên nhắc nhở và thông tin nội bộ là đủ. Một khi thông tin thiếu chính xác bị công bố gây thiệt hại thì doanh nghiệp có quyền khiếu kiện cơ quan quản lý nhà nước, người đưa thông tin.
* Luật sư ĐẶNG ĐỨC TRÍ (Đoàn luật sư TP.HCM):
Có thể kiện đòi bồi thường
Theo quy định về pháp luật hành chính nhà nước thì mỗi cơ quan công quyền đều có người có chức năng người phát ngôn trả lời chính thức thông tin cho báo đài. Kiểm tra ban đầu, sự việc đến đâu, báo chí được phép đưa thông tin trung thực khách quan ở mức độ đó.
Còn khi nào có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng thì báo chí tiếp tục thông tin, không bình luận theo chiều hướng bất lợi gây xôn xao dư luận khi chưa có kết luận cuối cùng. Trong trường hợp, doanh nghiệp nói chung, sau khi cơ quan chức năng có kết luận không sai phạm nhưng chứng minh được thời gian qua, vì những thông tin gây xôn xao dư luận mà có những thiệt hại thì có thể kiện, yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng.
Theo đại diện thanh tra Bộ NN&PTNT, trong quy định quản lý nhà nước đối với thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế.
"Chẳng hạn, hiện nay có 3 đoàn thanh tra của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương đều có thể thanh tra giám sát một sản phẩm từ giai đoạn sản xuất đến tiêu dùng gây sự chồng chéo. Trong đó, khi thanh tra bộ nếu muốn tiến hành thanh tra cơ sở siêu thị ở địa phương theo đúng luật thì phần lớn các trường hợp phải thành lập đoàn liên ngành đi cùng với cơ quan thanh tra của các địa phương. Do đó, tính bảo mật trong công tác thanh tra khó khăn hơn, hiệu quả thanh tra không cao", vị này khẳng định.
Ngoài ra, để đảm bảo độ tin cậy cho công tác lấy mẫu kiểm nghiệm phải có sự chứng kiến của đơn vị kinh doanh, vì khi mua sản phẩm đó (lấy mẫu kiểm tra) nếu không có chứng kiến xác nhận thì không đảm bảo là đúng lô hàng đó.
Ngoài ra, các cơ sở nhỏ lẻ thường không có chủ ở đó để ký xác nhận chứng kiến, trong khi nhân viên thường không chịu ký xác nhận này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận