10/05/2019 18:25 GMT+7

Doanh nghiệp da giày muốn đột phá xuất khẩu ở Đông Âu

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Với dân số gần 300 triệu người, có thu nhập ở mức 10.000 - 20.000 USD/người/năm, khu vực Đông Âu và thị trường Liên bang Nga mở ra nhiều tiềm năng đối với xuất khẩu trực tiếp sản phẩm da giày của doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp da giày muốn đột phá xuất khẩu ở Đông Âu - Ảnh 1.

Hiện vẫn chưa có nhiều giải pháp để tăng xuất khẩu da giày sang thị trường Đông Âu và Liên bang Nga - Ảnh: T.V.N

Bà Phan Thị Thanh Xuân - tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso) - cho biết thị trường Nga và Đông Âu có nhu cầu nhập khẩu cao đối với giày vải, giày thể thao và các loại túi xách thời trang.

Đây cũng là các mặt hàng Việt Nam có tiềm lực xuất khẩu cao và có mức thuế nhập khẩu thấp, thể hiện trong biểu thuế nhập khẩu trong các Hiệp định thương mại (FTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu và Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU.

Trong đó, các sản phẩm giày vải, giày thể thao có lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh hơn so với các sản phẩm giày da và đồ da.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân xuất khẩu da giày của Việt Nam sang khu vực các nước Đông Âu hiện vẫn còn rất khiêm tốn.

Bảo hộ cao đối với giày da và sản phẩm làm từ da, do Nga và nhiều nước Đông Âu (Ukraina, Rumani, Czeck, Slovakia, Slovennia, Bungary… ) có ngành công nghiệp sản xuất giày da và đồ da phát triển là một trong những nguyên nhân chính.

"Dù thị trường Nga và Đông Âu có nhu cầu cao đối với giày vải, giày thể thao, vali, túi, cặp các loại của Việt Nam, nhưng dung lượng thị trường của khu vực này nói chung thấp. Ví dụ lớn nhất là Liên bang Nga.

Năm 2018, tổng nhập khẩu giày dép từ các nước vào Nga đạt 3,43 tỉ USD, chỉ bằng tổng nhập khẩu giày dép của Hồng Kông và bằng 9% tổng nhập khẩu giày dép của Mỹ", bà Xuân thông tin.

Để việc xuất khẩu da giày của các doanh nghiệp Việt nam sang Nga và các nước Đông Âu được cải thiện hơn, bà Xuân cho rằng các doanh nghiệp ngành da giày rất cần sự hỗ trợ của Bộ Công thương và Nhà nước trong việc cung cấp các thông tin thị trường.

Đồng thời, việc xây dựng các chính sách và chương trình xúc tiến thương mại phát triển thị trường với kinh phí hỗ trợ của nhà nước phù hợp thực tế thị trường, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống các đại lý phân phối trong cộng đồng người Việt và người bản địa tại nước sở tại là một trong những giải pháp cần thiết nhất hiện nay.

Theo Lefaso, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam sang khu vực Đông Âu chỉ đạt 361 triệu USD, chiếm 1,8% tổng xuất khẩu da giày của Việt Nam.

Cụ thể, xuất khẩu giày dép đạt 341 triệu USD chiếm 2,2% và túi xách các loại đạt 20 triệu USD chiếm 0,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách của Việt Nam.

Riêng Liên bang Nga nhập khẩu giày dép từ Việt Nam đạt 123 triệu USD, chiếm 0,8% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.

Tiếp đó là Slovakia, nhập khẩu giày dép từ Việt Nam đạt 105 triệu USD chiếm 0,65%, Czech (56 triệu USD), Ba Lan (40 triệu USD), các nước Hungary, Rumani, Bungary… lượng nhập khẩu từ Việt Nam không đáng kể.

Hiện Việt Nam đã có FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm Liên bang Nga, Belarus, Armelia, Kazakhstan và Kyrgyzstan).

Nhiều nước Đông Âu khác cũng là thành viên của khối Liên minh châu Âu. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn rà soát để ký hiệp định FTA với khối này, dự kiến trong năm 2019 hoặc 2020, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu của Việt Nam theo lộ trình cắt giảm thuế quan.



TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên