Tỉ giá chợ đen biến động rất mạnh, trong khi tỉ giá chính thức và đồng USD trên thị trường quốc tế bình ổn hơn. Điều này có thể phản ánh về lực cầu ngoại tệ lớn ở thị trường tự do, kèm lo ngại về găm giữ USD.
Chật vật ứng phó biến động tỉ giá
Tỉ giá ngân hàng giai đoạn vừa qua dù có "nhấp nhổm", nhưng giá USD ngoài thị trường tự do đã vượt 25.000 đồng từ giữa tháng 2 và hiện ở mức 25.600 - 25.700 đồng/1 USD.
Ông Nguyễn Đức Cường, chủ tịch một doanh nghiệp (DN) sản xuất linh kiện ở Bắc Giang, cho biết lo ngại tỉ giá biến động, ông phải có phương án tích trữ USD để giảm rủi ro.
"Doanh nghiệp xuất khẩu thu về USD, đổi USD ra tiền VND, khi cần thanh toán phải mua lại ngoại tệ giá cao hơn. Chênh lệch mua - bán cũng đã mất một khoản. Chưa kể từ năm 2022 đến nay, tỉ giá biến động nhiều nên các doanh nghiệp phải tính tích trữ lại để thanh toán đơn hàng", ông Cường nói.
Tuy nhiên, về việc giữ lại USD, theo ông Cường, doanh nghiệp nào thiếu tiền VND để thanh toán trong nước vẫn phải chấp nhận "bán USD rồi tính sau".
Với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ, điều này có thể khiến họ làm hòa vốn hay thua lỗ.
Ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, cho biết tỉ giá là bài toán đau đầu với doanh nghiệp năm nay.
Trước lo ngại việc giá USD tự do chênh lệch quá cao sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc mua USD tại ngân hàng, ông Hải cho biết có thể xảy ra với những công ty nhỏ, thanh toán không đều.
"Luôn được ngân hàng đáp ứng nhưng để hạn chế rủi ro tỉ giá, chúng tôi áp dụng linh hoạt cơ chế mua USD kỳ hạn cho các hợp đồng nhập khẩu".
Ông Hải chỉ ra mặt tích cực: khi tỉ giá tăng (đồng nội tệ mất giá) là lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang có lợi vì khi thu được 1 triệu USD, thay vì đổi được 23,5 tỉ đồng như trước đây, nay nhận 25,6 tỉ đồng nếu bán ra thị trường chợ đen.
Tuy vậy, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty TNHH liên kết thương mại Toàn Cầu, than dù ông có xuất khẩu nhưng cũng phải nhập khẩu. "Tính đi tính lại, doanh nghiệpN vẫn thiệt khi tỉ giá tăng. Bởi toàn bộ nguyên liệu đầu vào tăng theo, trong khi giá bán lại khó tăng", ông Luận nói.
Ông Luận cũng cho rằng với từng doanh nghiệp, tùy giá trị xuất khẩu và nhập khẩu, sẽ hưởng lợi hoặc chịu thiệt khác nhau. Nhưng nhìn chung, đa số doanh nghiệp xuất khẩu lớn cũng nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều nên khó hưởng lợi.T
Ngăn ngừa những hệ quả xấu
Ông Trần Ngọc Báu, tổng giám đốc Công ty cổ phần dữ liệu và công nghệ tài chính WiGroup, cho rằng chênh lệch cung - cầu USD phục vụ nền kinh tế thực không biến động quá lớn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn xuất siêu 4,72 tỉ USD, dồi dào hơn cùng kỳ năm trước. Nhìn ra quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY - đo lường giá USD với sáu đồng tiền chủ chốt) còn có xu hướng giảm.
"Tỉ giá chính thức chỉ biến động hơn 1,4%, cách xa tỉ giá trần theo quy định. Nhưng tỉ giá chợ đen biến động mạnh, có thời điểm tăng 3,93% tính từ đầu năm", ông Báu nói.
Về diễn biến USD chợ đen, nhiều quan điểm cho rằng cần nhìn chéo sang thị trường vàng.
Lâu nay vẫn có lo ngại mức chênh lệch lớn với giá thế giới thúc đẩy nhập vàng tiểu ngạch. Sự tăng vọt giá USD tự do gần đây đồng điệu với leo thang của giá vàng.
Ngoài những lắt léo giữa mối liên hệ giá vàng và tỉ giá tự do, ông Báu cho rằng cũng cần chú ý tâm lý găm giữ USD sẽ tác động đến cung - cầu USD trên thị trường.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng nếu không kiểm soát tốt thì việc "lách luật" tuồn USD ngân hàng ra chợ đen giống giai đoạn giữa năm 2022 sẽ để lại những hệ lụy không nhỏ.
Nhóm phân tích Công ty chứng khoán Phú Hưng cũng vừa đề cập có tình trạng găm giữ ngoại tệ khi đồng USD liên tục tăng.
Chuyên gia PHS còn chỉ ra bất thường: tỉ giá thường khá ổn định trong giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối về nhiều, nhưng năm nay lại biến động mạnh.
Nhiều ngành hàng tiêu dùng gặp khó
Ông Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh, cho biết ngành sản xuất đồ uống nói chung đang đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có việc tỉ giá tăng.
Theo ông, hiện doanh nghiệp phải nhập một số các loại nước cốt cam, một số hương liệu và hạt nhựa từ các nước, và hầu hết phải thanh toán bằng USD, kéo theo chi phí sản xuất lên khoảng 3-4%.
Tuy nhiên sức mua đang yếu nên giá bán sản phẩm từ nhiều tháng qua không tăng, nhiều hợp đồng đã ký trước đó với người mua hàng giá bán cũng thấp.
Điều này khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. "Để hạn chế thiệt hại từ vụ tỉ giá, chúng tôi đang cố gắng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ nội địa để thay thế nhập khẩu, tăng xuất khẩu đi các thị trường thanh toán bằng USD", ông Hiến nói.
Trong khi đó, ông Bạch Khánh Nhựt, phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết trong 2,8 triệu tấn điều thô nhập khẩu mỗi năm (chủ yếu từ châu Phi), gần như doanh nghiệp trong nước phải thanh toán tất cả bằng USD.
Với tỉ giá đang tăng, giá thành sản xuất đã và sẽ còn tăng mạnh. Với giá xuất khẩu đang ở mức khá thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, ông Nhựt cho biết việc xuất khẩu điều nhân và thu về bằng USD cũng phần nào giúp doanh nghiệp gỡ gạc.
Khối phân tích Chứng khoán Rồng Việt:
Quản lý thị trường vàng để hạn chế đà mất giá của VND
Thông thường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn thì áp lực lên tỉ giá USD - VND càng mạnh, đặc biệt ở thị trường tự do.
Tính chung Việt Nam xuất siêu nhưng hai tháng đầu năm 2024, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 19,6 tỉ USD, thâm hụt thương mại 3,9 tỉ USD (tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm ngoái).
Việc lãi suất huy động tiền đồng đang giảm về mức thấp cũng là yếu tố làm tăng tính hấp dẫn ở các kênh tài sản khác gồm ngoại tệ và vàng.
Tuy vậy, vẫn không quá quan ngại về áp lực mất giá tiền đồng do tỉ giá USD - VND vẫn biến động trong biên độ cho phép. Nhưng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần tận dụng các công cụ như dự trữ ngoại hối hay đưa ra giải pháp mới quản lý thị trường vàng để hạn chế bớt đà mất giá của tiền đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận