26/05/2018 16:29 GMT+7

'Đồ sứ ký kiểu đang quay lại Việt Nam với giá gấp trăm lần'

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Tác giả Trần Đức Anh Sơn có cuộc giao lưu với bạn đọc, những người mê cổ ngoạn tại TPHCM hôm 26-5, nhân dịp ra mắt cuốn "Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn'.

Đồ sứ ký kiểu đang quay lại Việt Nam với giá gấp trăm lần - Ảnh 1.

TS Trần Đức Anh Sơn: Đồ sứ ký kiểu đang quay về Việt Nam với giá đắt hơn rất nhiều so với lúc bán ra trước đây - Ảnh: L.Điền

Đây là lần thứ hai quyển sách phát triển từ luận án tiến sĩ của Trần Đức Anh Sơn được ấn hành. Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn trình bày song ngữ Việt - Anh do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản lần đầu năm 2003, với bản in đen trắng.

Sau 10 năm, bản in lần này được hiệu chỉnh phần tiếng Anh, in màu các hình minh họa và bổ sung một số phần nội dung.

Tại buổi giao lưu, tác giả Trần Đức Anh Sơn thuật lại nhân duyên gắn bó với bộ môn gốm sứ thời Nguyễn từ khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lịch sử của đại học Tổng hợp Huế và vào làm tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Chính nhờ được tiếp cận kho đồ gốm sứ cổ của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế và gợi ý của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, Trần Đức Anh Sơn bước vào lĩnh vực nghiên cứu đồ gốm sứ và gắn bó với đồ sứ ký kiểu từ nhiều năm nay.

Để chuẩn bị cho lần tái bản quyển sách Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn từng được giới chuyên môn trong Nam ngoài Bắc đánh giá cao suốt nhiều năm qua, tác giả Trần Đức Anh Sơn cho biết ông đã huy động các mối quan hệ với nhiều nhà sưu tập để nghiên cứu, chụp ảnh, và hiệu chỉnh, bổ khuyết nhiều nhận định mà lúc sơ khởi làm luận án có nhiều chỗ chưa thật am tường.

Cùng với những chuyến đi ra nước ngoài do hoạt động học thuật, Trần Đức Anh Sơn cho biết ông đều tranh thủ tiếp cận các sưu tập đồ sứ ký kiểu Việt Nam để nghiên cứu mở rộng. Chính quá trình này đã giúp ông có được một hình dung phổ quát về những dòng sứ ký kiểu Việt Nam "lưu lạc" ở nước ngoài.

"Có bộ sưu tập được mang đi từ hồi 1975, có bộ sưu tập do các nhà nghiên cứu nước ngoài đến Việt Nam sưu tập, có trường hợp mua từ Việt Nam trong nhiều giai đoạn khác nhau... Đến nay, ở Đức, Pháp, Mỹ đều có những bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu rất giá trị", ông Trần Đức Anh Sơn cho biết.

Tại buổi giao lưu, có ý kiến đặt vấn đề lâu nay trên thị trường vẫn lưu hành các món đồ sứ ký kiểu giả. Liệu với kinh nghiệm của một chuyên gia lâu năm trong nghề, ông Sơn có thể phân biệt đố sứ ký kiểu thật và giả không?

Ông Sơn cho biết bản thân ông nhiều năm gắn bó giới giới buôn bán cổ vật trong nước. "Tôi thân với các cửa hàng ở Lê Công Kiều khi còn làm tại bảo tàng. Có người bảo tôi làm cán bộ nhà nước sao lại chơi thân với giới buôn bán cổ vật. Nhưng tôi quan niệm rằng chính những người trong giới tư nhân có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và đáng để mình học hỏi", ông Sơn trình bày.

Ông cũng kể lại một lần tại Đức, một nhà nghiên cứu gốm sứ mời ông Sơn đến xem bộ đồ sứ ký kiểu Việt Nam. Ông Sơn xem xong nói ngay rằng trong đó có 3 món là giả. Lời nhận xét thẳng thắn đó khiến cho chủ nhà bị sốc. 

Nhưng 5 năm sau, khi ông này quyết định bán lại toàn bộ bộ sưu tập sứ ký kiểu ấy cho một nhà sưu tập Việt Nam, người mua sau khi xem xét đã loại ra đúng 3 món đồ cổ mà trước đó ông Sơn nhận định là giả. "Mãi đến lúc đó, ông này mới email cho tôi và nói rằng tin tôi nói đúng và không giận tôi nữa", ông Sơn kể lại.

Ông Sơn thuật lại câu chuyện trên trong một lưu ý rằng, thời gian gần đây đồ sứ ký kiểu Việt Nam đang quay trở lại quê hương với giá gấp trăm lần. Duyên do bởi thời xưa khi cổ vật chảy máu ra đi, người ta chưa ý thức được giá trị của nó nên bán đi với giá rẻ. Giờ những ai muốn mua lại mang về thì phải chấp nhận giá cao từ những nhà sưu tập am hiểu ở nước ngoài.

Ông Sơn cũng cho biết thực ra việc cổ vật Việt Nam được đưa ra nước ngoài nhìn theo góc độ nào đó sẽ thấy nó chính là con đường để cổ vật Việt Nam được bảo quản và trưng bày tốt hơn ở các nước phát triển.

"Tôi thật hãnh diện khi bắt gặp tại những bảo tàng hiện đại, sang trọng ở nước ngoài có trưng bày đổ sứ ký kiểu Việt Nam, cụ thể là ở Boston (Mỹ) và Berlin (Đức) đều có trưng bày cổ vật Việt Nam một cách rất trang trọng".

Đồ sứ ký kiểu đang quay lại Việt Nam với giá gấp trăm lần - Ảnh 2.

Thuật ngữ "đồ sứ ký kiểu" được tác giả Trần Đức Anh Sơn dùng để chỉ cho nhóm đồ sứ trước kia có người gọi là "bleus de Huế" hay "đồ sứ men lam Huế".

Đồ sứ ký kiểu ở đây là những đồ sứ do người Việt Nam gồm cả vua quan và thường dân đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa trong khoảng thời gian từ nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề.

Sách Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn có nội dung đề cập cả phần đồ sứ ký kiểu Lê Trịnh ở Đàng Ngoài, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn ở Đàng Trong và đồ sứ ký kiểu thời Tây Sơn.

Tác giả đi sâu phân tích và giới thiệu đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn trải qua các triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định... với các điểm mỹ thuật và văn tự trên các hiện vật... Sách dày 336 trang, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Cổ vật hồi hương: Gian nan hành trình hút cổ vật về nước Cổ vật hồi hương: Gian nan hành trình hút cổ vật về nước

TTO - Cơ quan nhà nước phụ thuộc vào quy trình có tính nguyên tắc từ kế hoạch, đánh giá, lựa chọn, báo cáo, tham khảo khung pháp lý đầy đủ và dự toán đến phê duyệt kinh phí.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên