08/05/2013 09:45 GMT+7

Đổ hàng ngàn tỉ mua thiết bị chống dịch rồi bỏ "đắp chiếu"

QUỲNH LIÊN - LÊ DÂN
QUỲNH LIÊN - LÊ DÂN

TT - Dịch đi qua, máy móc thiết bị mới về; máy thở hiện đại, đắt tiền nhưng phải “đắp chiếu” vì... thiếu người dùng; hàng trăm tỉ đồng đổ vào mua thuốc chống dịch nhưng cuối cùng dịch... không xuất hiện.

Bộ Y tế: chống cúm H7N9 cần 115 triệu USD

7bCi7K3f.jpgPhóng to
Tại các cửa khẩu quốc tế của VN hầu như đều có máy đo thân nhiệt từ xa. Trong ảnh: kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chuyện dở khóc dở cười trên đây được gợi lại như là bài học nhãn tiền trước đề xuất gây sốc mới đây của Bộ Y tế: chống cúm H7N9 cần 115 triệu USD!

Tạm đủ thiết bị

Không bố trí thêm nguồn

Bộ Tài chính cho biết chưa nhận được đề xuất của Bộ Y tế về số kinh phí 115 triệu USD chống cúm, khi nào nhận được sẽ có ý kiến chính thức. Thông thường không phải Bộ Y tế đề xuất như vậy là Bộ Tài chính đồng ý ngay. Tinh thần là việc gì xử lý trước thì ngân sách chi trước, còn không thì lấy dự toán đã bố trí đầu năm để chi, miễn là đảm bảo phòng chống dịch. Còn khi dịch bùng phát thì sẽ theo Luật phòng chống dịch. Nghĩa là dù ngân sách khó khăn nhưng Chính phủ sẽ phải huy động mọi nguồn lực từ dự toán, chi thường xuyên, vốn vay... để xử lý.

Vậy trong bối cảnh dịch cúm H7N9 đang kiểm soát tốt, chưa có trường hợp người lây sang người nên việc đề xuất 115 triệu USD có phù hợp hay không? Đại diện Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng chắc chắn sẽ phải rà soát các dự án để lồng ghép chứ không thể bổ sung nguồn mới. Trong cuộc họp mới đây về dịch cúm do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đợt này không có yêu cầu gì về ngân sách.

L.THANH

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư là bệnh viện tuyến đầu điều trị bệnh nhân cúm và các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Theo ông Nguyễn Văn Kính - giám đốc bệnh viện, sau mỗi vụ dịch (kể từ dịch SARS năm 2003), bệnh viện đều được trang bị thêm máy móc và các trang thiết bị tương đối đầy đủ.

Đến nay, bệnh viện đã có 26 máy thở, ba máy lọc máu có thể đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Tuy nhiên, để ứng phó với dịch H7N9 (nếu có), bệnh viện này dự kiến cần thêm 10 tỉ đồng đầu tư trang thiết bị.

Không chỉ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã tạm đủ các thiết bị y tế phục vụ chống dịch như máy thở, máy lọc máu. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-5, một quan chức nhiều năm phụ trách công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế cho biết sau đại dịch cúm H1N1 năm 2009, từ kinh phí của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, đã có thêm 15 máy đo thân nhiệt hồng ngoại loại tốt, thuận tiện để sử dụng được lắp ráp tại các cửa khẩu.

Đến nay, hầu hết cửa khẩu quốc tế của VN đều được trang bị máy đo thân nhiệt từ xa với số lượng ít nhất một máy/cửa khẩu.

Về số lượng máy thở (cần thiết cho chống dịch cúm vì bệnh nhân nặng đều bị suy hô hấp), các tỉnh thành trọng điểm đều đã có đủ. “Chúng tôi khảo sát thấy mỗi bệnh viện tỉnh thành trọng điểm đã có 10-15 máy thở, như thế là tạm đủ vì có phải bệnh nhân nào cũng cần phải thở máy đâu” - quan chức này phân tích.

Dịch qua máy mới về

Có thể do tài chính eo hẹp nên việc mua sắm thiết bị y tế chống dịch ở VN thường gặp cảnh “nước đến chân mới nhảy”. Hai vụ dịch H5N1 năm 2005 và H1N1 năm 2009, thường thì dịch qua thiết bị y tế chống dịch mới về!

Tháng 12-2009, khi tỉ lệ bệnh nhân cúm H1N1 chỉ còn 4%/tổng số bệnh nhân cúm thì nhiều ôtô, máy đo thân nhiệt mua phục vụ chống dịch phải sau tết 2010 mới lắp đặt xong.

Trước đó, tháng 6-2009, Bộ Y tế khảo sát thiết bị y tế chống dịch thì 14 máy đo thân nhiệt từ xa mua hoặc được tặng sau dịch SARS 2003 hầu hết đều bị hỏng. Một phần đáng kể trong số 1.000 máy thở mua chống dịch H5N1 năm 2005 gặp phải tình trạng “đắp chiếu” do máy cấp cho bệnh viện huyện nhưng cán bộ... không biết dùng.

Sau này, khi đầu tư máy thở chống dịch H1N1 năm 2009, đã có ý kiến đề xuất chỉ nên cấp cho bệnh viện tuyến T.Ư, nơi thành thạo cách dùng và đang thiếu loại thiết bị này.

Tại hội nghị huy động nguồn lực cho phòng chống cúm H7N9 vừa được tổ chức ở Hà Nội, nhiều ý kiến lo ngại tính nguy hiểm của dịch bởi đây là lần đầu tiên virút này xuất hiện và gây bệnh cảnh nặng trên người, với tỉ lệ tử vong trên 20% - gấp đôi so với căn bệnh cũng rất nguy hiểm khác là SARS.

Tuy nhiên, tính chính xác của dự báo dịch cũng rất cần phải bàn. Năm 2005, VN đã chi khoảng 540 tỉ đồng mua thuốc Tamiflu dự trữ chống dịch H5N1 nhưng cuối cùng dịch không xuất hiện.

Năm 2009, ngoài gần 1.000 tỉ đồng mua sắm đủ thứ thì suýt nữa VN quyết định sử dụng văcxin ngừa cúm H1N1 cho nhóm nguy cơ cao, nhưng dịch cũng không xảy ra.

Và năm nay là dịch H7N9, hơn một tháng nay nhiều lần cụm từ “nguy cơ đại dịch” xuất hiện, nhưng khảo sát trên gia cầm cho thấy cúm H7N9 chưa lưu hành tại VN.

Không sử dụng hết kinh phí chống dịch

Tại TP.HCM, sau các đợt dịch cúm H5N1, H1N1 (năm 2005 và 2009), nhiều bệnh viện đã được trang cấp các loại thiết bị y tế phòng chống cúm. Kinh phí rót mua sắm từ nguồn ngân sách của UBND TP.HCM hoặc Bộ Y tế, tuy nhiên có nơi sử dụng không hết.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là nơi “đứng mũi chịu sào” khi có dịch cúm H5N1, H1N1 xuất hiện. Qua hai đợt dịch, bệnh viện được trang cấp hơn 10 máy giúp thở, máy lọc máu, hóa chất, thuốc đặc trị Tamiflu, xe cấp cứu... Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, tất cả thiết bị này vẫn đang được sử dụng hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân bị các bệnh nặng như tay chân miệng độ 4, viêm phổi, nhiễm trùng máu...

Năm 2009, Sở Y tế TP giao bổ sung dự toán ngân sách nhà nước cho bệnh viện 16 tỉ đồng để mua tám xe cấp cứu chuyên dụng phục vụ công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1. Tuy nhiên số tiền này không sử dụng đến nên tháng 5-2011 Sở Y tế TP xin UBND TP cho sử dụng số tiền này vào việc mua 30 máy giúp thở để chống dịch tay chân miệng và được UBND TP chấp thuận.

Nguy cơ dịch vẫn rất phức tạp

* Có ổ dịch cúm H5N1 vẫn bán tràn lan gia cầm sống

Tại cuộc họp thường kỳ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm, heo tai xanh và lở mồm long móng chiều 7-5, Bộ NN&PTNT cho biết thời điểm này đã khống chế được dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và heo tai xanh, nhưng bộ vẫn lo sợ nguy cơ cao phát sinh dịch trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện chỉ Hà Tĩnh có dịch lở mồm long móng nhưng qua 18 ngày. Về dịch tai xanh, năm tỉnh có ổ dịch chưa qua 21 ngày là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định và Bắc Ninh, tuy nhiên không phát hiện dịch ở tỉnh mới. Riêng dịch cúm H5N1 đã được khống chế thành công, không phát hiện thêm chim yến dương tính với H5N1. Vị đại diện này cho biết tuy đến nay các dịch đã được khống chế nhưng thời gian tới nguy cơ dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là nguy cơ về dịch cúm H7N9 đã xảy ra ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sát với VN.

* Ngày 7-5, Trung tâm Y tế dự phòng quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cho biết đã khống chế và tiêu hủy kịp thời đàn gà gần 869 con dương tính với cúm H5N1 của một hộ nuôi ở khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm, không để gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ vận chuyển vào tiêu thụ trên địa bàn, nghiêm cấm buôn bán gia cầm sống... Tuy nhiên sáng cùng ngày, tại khu vực cầu Bà Bộ thuộc địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy có gần 20 điểm bày bán gia cầm sống công khai, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

QUỲNH LIÊN - LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên