11/02/2014 03:11 GMT+7

"Đồ chơi" hàng không gầm rú ở Singapore

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Cuộc triển lãm hàng không lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương khởi động hôm nay tại Singapore và các nhà tổ chức dự đoán các thương vụ mua bán có thể lên đến hàng chục tỉ USD.

Indonesia "tẩy chay" triển lãm hàng không Singapore

lxiohyDy.jpgPhóng to
Màn biểu diễn của không lực Hàn Quốc tại triển lãm hàng không Singapore ngày 9-2 - Ảnh: Reuters

Tại Trung tâm triển lãm hàng không Changi, khách tham dự sẽ được thăm bên trong những chiếc máy bay siêu sang cho đến những chiến đấu cơ tối tân. Giám đốc Jimmy Lau thuộc ban tổ chức cho biết “toàn bộ không gian triển lãm đã có khách hàng đăng ký hết”. Theo số liệu của ban tổ chức, có khoảng 1.000 công ty từ 47 quốc gia, khu vực tham gia, tăng 10% so với lần trước, với lượng máy bay triển lãm lớn nhất so với ba lần tổ chức trước.

Tấp nập người mua kẻ bán

Theo Straits Times ngày 10-2, Singapore đã hủy lời mời các lãnh đạo quân sự Indonesia đến triển lãm do liên quan đến căng thẳng giữa hai nước vì Indonesia đặt tên cho tàu chiến mới theo tên hai lính thủy đánh bộ Indonesia từng đánh bom ở Singapore năm 1965. Nhưng điều đó chắc chắn không làm giảm đi quy mô lẫn thành công của sự kiện.

Ước tính các thỏa thuận mua bán trị giá đến 25 tỉ USD sẽ được ký kết tại Singapore. Dù vẫn khiêm tốn so với con số 150 tỉ USD ký trong ngày đầu của triển lãm ở Dubai cách đây ba tháng, màn trình diễn ở Singapore vẫn thu hút các ông lớn như Airbus lẫn đối thủ Boeing đang muốn thâm nhập thị trường châu Á đầy tiềm năng.

Theo Kyodo News, các lãnh đạo cao nhất của Hãng Airbus sẽ đích thân đem đến Singapore dòng máy bay động cơ kép A350 XWB để bay thử lần đầu tại châu Á. Đây cũng là lần trình diễn đầy đủ đầu tiên của A350. Còn Hãng hàng không Qatar Airways sẽ khoe chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner nổi tiếng, trong khi Hãng Silk Air giới thiệu chiếc 737-800 đầu tiên của Boeing. “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường phát triển mạnh nhất cho công nghiệp vận chuyển hàng không và sẽ dẫn đầu về nhu cầu máy bay thân rộng trong tương lai” - chủ tịch Hãng hàng không châu Âu Fabrice Bregier nhận định.

Các nhà thầu quốc phòng Mỹ cùng các đối thủ châu Âu không bỏ lỡ cơ hội tại thị trường quốc phòng được dự đoán sẽ trị giá 350 tỉ USD trong năm năm tới. Những chiếc máy bay quân sự có mặt tại đây bao gồm Bell Boeing V-22 Osprey, máy bay vận chuyển C-17 Globemaster, hay máy bay chiến đấu trên biển P-8A Poseidon. Theo IHS Jane’s, ngân sách quốc phòng châu Á sẽ lên đến gần 500 tỉ USD vào cuối thập kỷ này trong bối cảnh các nước trong khu vực có những căng thẳng về lãnh thổ.

Ngay cả khi không tính Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng của châu Á dự kiến sớm vượt qua châu Âu vào năm 2015 bởi nhiều nước châu Á vẫn đang mạnh tay cho việc mua sắm. Nhật Bản tháng trước công bố kế hoạch mua sắm các máy bay do thám và chiến đấu mới, trong khi Hàn Quốc vừa ký thỏa thuận mua 40 chiến đấu cơ F-35 của Hãng Lockheed Martin. Singapore, theo Reuters, không chỉ đặt ưu tiên nâng cấp đội chiến đấu cơ F-16 mà còn muốn mua thêm F-35.

Bùng nổ hàng không giá rẻ

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế dự đoán châu Á sẽ trở thành thị trường vận chuyển hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2016. Lưu lượng hàng không quốc tế tại thị trường này tăng 5,3% trong năm ngoái, vượt qua châu Âu và Nam Mỹ. Trong khi đó, Tổ chức Hàng không dân sự thế giới cho biết tốc độ lưu lượng hàng không của khu vực sẽ tăng trung bình 6,2%/năm đến năm 2030 để trở thành thị trường lớn nhất thế giới.

Báo Wall Street Journal đưa tin nhiều hãng hàng không châu Á, gồm các hãng giá rẻ SpiceJet (Ấn Độ), Nok Air (Thái Lan), Tiger Airways (Singapore) hay các hãng hàng không hoàng gia Brunei, Garuda Indonesia, Malaysia Airlines đang cân nhắc mua máy bay mới của Airbus và Boeing, chẳng hạn các dòng thân hẹp A320 hoặc B737. Tại đây, Hãng VietJetAir của Việt Nam cũng xác nhận lại thỏa thuận mua 92 chiếc Airbus để chinh phục thị trường du lịch giá rẻ. Nhưng một số nhà phân tích nhận định sẽ khó có những thỏa thuận lớn được ký bởi các ông lớn như Boeing, Airbus thường chốt các đơn hàng vào cuối năm.

Phát biểu tại cuộc gặp các lãnh đạo hàng không trong khuôn khổ triển lãm, Bộ trưởng vận tải Lui Tuck Yew của Singapore khẳng định các hãng hàng không giá rẻ và việc phát triển các trung tâm hàng không mới sẽ định hình tương lai của thị trường khu vực. Nó cũng sẽ thay đổi cách thức kinh doanh, điều hành hàng không truyền thống để xử lý một bầu trời đông đúc hơn. Đây là một thách thức không chỉ cho các nhà điều hành mà còn cho các chính phủ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên