Ngoài những giải thưởng nhiếp ảnh, Đỗ Anh Tuấn có lẽ là nghệ sĩ nhiếp ảnh duy nhất ở Hà Nội từng mở một gallery bán ảnh giữa phố Tràng Tiền cả chục năm.
Những "cực phẩm" đen trắng của ông một thời rất được du khách yêu thích, bỏ tiền mua với giá không rẻ. Ông cũng là nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hiếm hoi, được kênh truyền hình Discovery mời làm khách trong một chương trình năm 2010.
Người chụp ảnh bằng đầu
Triển lãm ảnh Hơi thở của Đỗ Anh Tuấn (mà bạn bè vẫn gọi bằng cái tên thân mật Tuấn "Cận") gồm những bức ảnh đen trắng (chỉ duy nhất một bức ảnh màu) vừa diễn ra ở Hà Nội thu hút rất đông người.
Không ngạc nhiên bởi từ lâu ông đã xác lập được một vị thế quan trọng trong giới, được anh em trong nghề rất yêu quý vì nể bởi tài năng và tinh thần hiến dâng cho nghệ thuật nhiếp ảnh.
So với triển lãm đầu tiên 27 năm trước còn khá dung dị, mộc mạc, những bức ảnh Đỗ Anh Tuấn vừa giới thiệu mang nhiều thử nghiệm hơn, nhiều sắp đặt giàu tư tưởng.
Khán giả bắt gặp chùm tác phẩm chụp một phụ nữ trung niên khỏa thân rất lạ, có khi chỉ chụp cái lưng, có bức còn trùm mặt mà không phải những đường cong mỹ miều, ánh sáng thật mượt mà thường thấy.
Đỗ Anh Tuấn bảo với ông, nghệ thuật phải đánh thức thị giác và làm con tim rung động chứ không phải những thứ hoàn hảo nịnh mắt. Cho nên những người mẫu của ông đều là những người phụ nữ bình thường giữa đời thường.
Bộ ảnh này đã khiến đạo diễn của kênh truyền hình Discovery khi làm phim về ông Tuấn rất ấn tượng phải thốt lên: "Người Mỹ chúng tôi rất tự hào làm gì cũng rất cực đoan, mạnh mẽ nhưng khi xem những bức ảnh của ông có lẽ chúng tôi phải thay đổi suy nghĩ này".
Kinh ngạc hơn là trong đó còn có ba bức ảnh chụp bằng kỹ thuật chồng phim rất phức tạp mà Đỗ Anh Tuấn đã "đạo diễn" thật chi tiết cho người học trò thay đôi mắt của mình sắp xếp để ông bấm máy. Từ lâu ông đã dạy học trò rằng nhiếp ảnh là lao động trí óc nhiều hơn cú bấm máy.
Danh hiệu "người chụp ảnh bằng đầu" mà đồng nghiệp ngưỡng mộ đặt cho ông từ nhiều năm trước là chỉ sự dụng công tính toán khi chụp ảnh cũng như những suy nghiệm bên trong những bức ảnh của ông. Nhưng không ngờ lại ứng với ông theo cả nghĩa đen.
Bị cận thị nặng và bệnh tăng nhãn áp, gần đây đôi mắt của Đỗ Anh Tuấn đã mù hẳn. Những tưởng điều đó có thể kéo ông xuống vực tuyệt vọng, chán chường.
Một người coi nhiếp ảnh không chỉ là nghề nghiệp mà còn là sự nghiệp cả đời của mình, người say mê thu cả thế giới mà ông sung sướng ngắm nhìn vào trong ống kính lại phải chịu một thử thách là không còn đôi mắt nữa. Hóa ra ông lại đón nhận số phận nghiệt ngã một cách rất bình thản, dần học cách sống vui với nó.
Đôi mắt khiến ông Tuấn không thể tiếp tục vận hành tiệm ảnh trên phố Tràng Tiền. Ông thuê một không gian nhỏ trên phố Ngô Văn Sở để bày ảnh đón bạn bè tới chơi, dạy chụp ảnh cho các lứa học trò và tiếp tục sáng tác cùng họ.
Trong căn gác ấy, những câu chuyện nhiếp ảnh miên man không dứt. Người nghệ sĩ già ấy không chỉ giỏi chụp ảnh, ông còn rất giỏi chuyện trò. Bởi ông đã có cả một đời đi và quan sát, một đời đọc sách, nghe nhạc của một gã trai Hà Nội được học hành bài bản đủ các món nghệ thuật từ âm nhạc tới hội họa.
Chính cái phông văn hóa sâu dày ấy đã làm nên một Đỗ Anh Tuấn thật sự khác biệt trong nhiếp ảnh ở Việt Nam.
Những bức ảnh khai phá
Sinh ra ở Hà Nội năm 1952, một "giai phố" thực thụ nhưng Đỗ Anh Tuấn bảo ông không biết những chốn ăn chơi của Hà thành, bởi mấy chục năm cuộc đời ông ném mình cho nhiếp ảnh, trong những chuyến đi xuyên Việt, đặc biệt là những cung đường lên Tây Bắc.
13 chuyến xuyên Việt bằng xe máy của ông chỉ có một chuyến đi với ba người bạn, còn lại "một mình một ngựa" với chiếc Minks chở ba lô đồ nghề, bao gồm cả đồ sửa xe máy và can xăng treo lủng lẳng phía sau bởi thời ấy đến cây xăng cũng hiếm hoi.
Còn cung đường Tây Bắc thì ông Tuấn phải đi 300-400 lần, mỗi lần quãng 1.500km. Những năm 1990, đường sá còn khó khăn vô cùng, làng mạc hoang sơ.
Ông Tuấn không nhớ nổi bao phen phải ngủ rừng, phải bỏ xe ở bản vì xe hỏng, đi bộ xuyên rừng trong đêm 10 giờ vì lời hẹn với bạn tối sẽ về. Bạn bè nhiếp ảnh đi cùng ông những chuyến lên vùng cao đều tròn mắt kinh ngạc về khả năng giao tiếp của gã đồng nghiệp.
Đấy là một phẩm chất rất quan trọng để có thể có được những chân dung cuộc sống hấp dẫn chân thực, chạm tới những số phận, chạm tới cuộc đời.
Nhiều người còn nhắc Đỗ Anh Tuấn về những bức ảnh ấn tượng của ông về miền núi cùng những bài viết duyên dáng đăng trên các tạp chí khiến chợ tình Khau Vai, bản làng Hà Giang, những tập tục văn hóa của đồng bào thiểu số trở nên thật hấp dẫn với công chúng cả nước, khiến những địa danh văn hóa miền Tây Bắc nổi tiếng từ ấy.
Đỗ Anh Tuấn có một con đường đi riêng, ông đặc biệt rất tinh thông kỹ thuật nhiếp ảnh đen trắng, từ khâu chụp ảnh ở hiện trường đến những kỹ thuật trong buồng tối đều đạt mức độ hoàn hảo.
Ngôn ngữ hình ảnh của Đỗ Anh Tuấn rất khác lạ, ông không chụp một cách đèm đẹp những cảnh sắc, những mô típ quen thuộc mà ông chụp con người, rất cận cảnh, với một góc nhìn riêng mà người nghệ sĩ phải có biệt tài tiếp cận nhân vật mới chụp được.
Là nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hiếm hoi bán được ảnh và sống khỏe nhờ nó nhưng Đỗ Anh Tuấn bảo đó cũng là nỗi buồn. Bởi lẽ khách hàng của ông 99,7% là người nước ngoài. 0,3% người Việt mua nhưng để tặng một ông bà Tây nào đó. Ông buồn vì những bức ảnh của mình chẳng thể được chia sẻ với những người Việt.
Một số tác phẩm của Đỗ Anh Tuấn:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận