Nên gửi đồ ăn cứu trợ gì?
Trên mạng xã hội những ngày này chia sẻ nhiều hình ảnh người dân cùng nhau gói bánh chưng, nấu cơm nắm… chuẩn bị cứu trợ cho đồng bào vùng lũ.
Thế nhưng, trong tình hình bão lũ phức tạp, việc bảo quản các thực phẩm vận chuyển đến tận tay bà con vùng bão như thế nào, làm sao để đảm bảo an toàn, thực sự giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này khiến nhiều người băn khoăn.
Đăng tải trên trang cá nhân, chị T. (trú TP Cần Thơ) chia sẻ hình ảnh cơm nắm, muối vừng và thịt kho được hút chân không chuẩn bị vận chuyển cứu trợ người dân vùng lũ cùng dòng trạng thái: "Mình không biết thức ăn như thế này được vận chuyển đến đâu, mất bao lâu và liệu tới tay người cần có ăn được hay không. Nếu nhận đồ ăn mà hư hại nếu ăn thì sẽ càng nguy hiểm".
Rất nhiều người cũng băn khoăn, không biết nên chuẩn bị đồ ăn gì và bảo quản ra sao để khi đến tay người dân vùng lũ sẽ vẫn còn sử dụng được một cách an toàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ cả nước đang hướng về người dân vùng bão lũ, đó là tinh thần "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam rất đáng trân trọng.
Nói về việc chuẩn bị đồ ăn cứu trợ cho đồng bào vùng lũ sao cho an toàn, ông Thịnh nhấn mạnh ba vấn đề cần quan tâm đó là an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến, cách bảo quản và lựa chọn loại thực phẩm cứu trợ.
Ông Thịnh cho rằng những loại đồ ăn có thể sử dụng ngay, không cần qua chế biến nên được ưu tiên trong hoàn cảnh mưa lũ hiện nay. Ví dụ như bánh chưng, cơm nắm, gạo rang, thịt kho khô, cá biển khô…
"Trong đó, bánh chưng là lựa chọn khá thích hợp để người dân vùng bão lũ, sạt lở có thể sử dụng ngay, dễ bảo quản, vận chuyển. Bánh chưng đã có đầy đủ cả đậu, thịt, tinh bột, vì vậy sẽ đảm bảo dinh dưỡng.
Tuy nhiên, để đảm bảo, ngay từ khâu chuẩn bị người dân phải lựa chọn các nguyên liệu và quá trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điểm lưu ý đặc biệt khi chế biến đồ ăn sẵn để có thể lưu trữ sử dụng được lâu là phải nấu chín thật kỹ.
Phải đảm bảo đồ ăn đã được nấu chín thật kỹ. Sau khi đã nấu chín kỹ, người dân cần để nguội bằng với nhiệt độ ngoài trời rồi mới đóng gói để vận chuyển đến các địa điểm cứu trợ", ông Thịnh hướng dẫn.
Cũng theo ông Thịnh, người dân có thể chuẩn bị đồ ăn cứu trợ như gạo rang. Trước khi rang, nên ngâm trước gạo, sau đó rang khô. Gạo rang sẽ hơi xốp (không giống như bỏng gạo - PV), đây là thực phẩm trước đây trong kháng chiến thường sử dụng.
Với thịt kho, nên sử dụng loại thịt ít mỡ, kho khô, hơi mặn một chút để có thể bảo quản được lâu hơn.
Hút chân không sẽ giúp bảo quản lâu hơn
Về việc đóng gói, ông Thịnh lưu ý người dân nên đóng gói đồ ăn vào túi mềm, sau đó hút chân không được là tốt nhất. Việc hút chân không vừa giúp bảo quản được đồ ăn lâu hơn, vừa giúp đồ ăn không bị ướt, bẩn nếu không may rơi xuống nước trong mưa lũ.
“Đối với bánh chưng, nếu trong điều kiện bảo quản bình thường có thể sử dụng khoảng 7 ngày, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết địa phương. Khi hút chân không có thể sử dụng được gần 2 tuần. Tùy vào từng địa điểm cứu trợ mà người dân nên có phương án chuẩn bị để đảm bảo đồ ăn vẫn sử dụng được. Khi nhận thấy bánh có nấm mốc, mùi lạ thì không nên sử dụng nữa”, ông Thịnh nói thêm.
Theo ông Thịnh, bánh chưng, cơm nắm chuẩn bị nên cân đối để đủ một người sử dụng cho một bữa ăn, tránh để lưu trữ sang bữa khác.
Bên cạnh đó, người dân không nên vận chuyển trứng, cá nước ngọt… bởi sẽ dễ bị hư hỏng, khó bảo quản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận