25/06/2009 10:00 GMT+7

DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa - Kỳ 7: Có những niềm riêng

MAI THẮNG
MAI THẮNG

TT - Khi loạt bài này đăng kỳ đầu tiên cũng là lúc đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo lữ đoàn 171 đến thăm gia đình những người lính DK1 có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi gia đình là một hoàn cảnh, một câu chuyện, những người vợ lính chúng tôi đã gặp đều xứng đáng được kể ra đây như một phần không thể thiếu khi nói đến 20 năm của DK1.

QcitieQH.jpgPhóng to
Chị Đặng Thị Huấn, vợ thiếu tá Phan Thế Hưng, “mẹ” của tám cháu nhỏ là con đồng đội của chồng - Ảnh: Mai Thắng

Những mùa “tuyển quân”

Về với lính DK1 sẽ biết thêm một khái niệm mới của từ “tuyển quân”. Đó là chuyện những người vợ “lên kế hoạch” để được gần chồng, được mang thai em bé. Có thai là coi như “tuyển quân” thành công. Chồng là bộ đội DK1, một năm gần chồng vẻn vẹn chưa đầy 30 ngày phép. Với thời gian ngắn ngủi ấy muốn sinh con thật không dễ, nên khi chồng hết thời gian nghỉ phép ở quê nhà mà vẫn chưa “kết quả”, các chị xin đi theo chồng vào đơn vị tiếp tục “tuyển quân”.

Chuyện “tuyển quân” của thiếu tá Trần Văn Lợi - chính trị viên nhà giàn Tư Chính IV - được nhiều cán bộ chiến sĩ nhà giàn kể với nhau như một “thành công mang tính thuyết phục”.

Vợ chồng anh cưới nhau năm 1999, chưa xong tuần trăng mật anh Lợi phải vào lại đơn vị để ra nhà giàn thay trực cho đồng đội về bờ, để lại quê nhà người vợ trẻ cùng mẹ già 85 tuổi. Trong căn nhà nhỏ ở Lưu Sơn (Đô Lương, Nghệ An), chị Hà Thúy Vân (vợ anh Lợi) và mẹ già luôn ước ao có một đứa cháu để vui cửa vui nhà. Vậy là tháng 10-2000, chị Vân xin chồng vào đơn vị “tuyển quân” đúng lúc anh Lợi từ biển trở về nhưng “trận ấy thất bại”. Tháng 8-2005, anh Lợi nghỉ phép, 30 ngày ngắn ngủi gần vợ cũng chẳng kết quả gì.

Chị Vân bàn với chồng: “Thua keo này ta bày keo khác. Lần này anh cho em theo, nhất định mình sẽ thắng lợi”. Rồi chị khăn gói theo chồng vào Vũng Tàu. “Tổ ấm dã chiến” của họ là một phòng tại nhà khách của lữ đoàn 171. Sau hơn hai tuần chị Vân có thai, anh Lợi tiếp tục ra nhà giàn. Chị Vân phấn khởi về quê khoe mẹ chồng. Kết quả lần “tuyển quân” ấy của vợ chồng Lợi - Vân bây giờ đã là một cháu bé đang học mẫu giáo và sau đó thêm một chú nhóc nữa nay gần 2 tuổi.

Tuy nhiên, không phải vợ lính nào đi “tuyển quân” cũng thành công. Chúng tôi ghé thăm chị Nguyễn Thị Chiến - vợ của thiếu tá y sĩ Bùi Văn Dong ở nhà giàn DK1/17. Có với nhau một cháu gái, cháu đã lớn mà vẫn chưa có đứa thứ hai, chị Chiến từ quê vào Vũng Tàu thuê căn nhà nhỏ để được gần chồng khi anh trở về từ biển cả. Căn nhà thuê của vợ chồng chị ở 41/7 Đô Lương chưa đầy 15m2, chỉ đủ kê chiếc giường và bàn bếp, vậy mà cứ rộng thênh vì luôn vắng bóng chồng. Ngày đêm chị lủi thủi một mình, đêm về làm bạn với chiếc giường cũ kỹ.

Hôm chúng tôi đến tặng quà, chị Chiến bần thần: “Tôi vào đây đã chín năm, chỉ mong có thêm đứa con nữa. Anh Dong đã sáu lần về mà mãi chưa được”.

Và những mùa chia xa

Chuyện chị Đặng Thị Huấn - vợ thiếu tá Phan Thế Hưng, chính trị viên nhà giàn Quế Đường - như một “điển hình vợ lính” DK1 mà chị em ở đây vẫn hay kể. “Năm 1984 vợ chồng tôi cưới nhau và đến nay đã 25 năm - nhưng thời gian gần chồng chỉ tính trên đầu ngón tay thôi. Với chưa đầy 24 tháng gần chồng chia đều cho 25 năm” - chị Huấn nói. Ngày mới cưới anh Hưng đóng quân ở biên giới Lạng Sơn. Năm 1994 anh chuyển về DK1 công tác. Đã xa chồng biền biệt nay lại xa hơn. Nhiều đêm giữa núi rừng Vĩnh Phúc, chị ôm con thao thức không sao ngủ được.

Năm 1999 chị Huấn bồng hai con vào Vũng Tàu tìm chồng đúng lúc anh Hưng đang ngoài nhà giàn. Căn phòng trọ mấy mẹ con thuê chỉ hơn chục mét vuông vừa đủ kê chiếc giường đơn. Để có tiền nuôi con, chị Huấn phải dậy từ 4 giờ sáng đi lột da cá bò mỗi ngày chỉ kiếm được vài ngàn đồng. Những ngày chị đi xẻ cá bò phải để hai con ở nhà, đứa lớn trông đứa nhỏ. Có hôm chị “nhốt” hai con tự chơi với nhau. Khi em khóc, đứa anh hỏi: “Em có ăn mì tôm không?”, em lắc đầu, vậy là hai anh em ôm nhau ngủ thiếp đi. Khuya chị đi làm về, nhìn con mà rơi nước mắt.

Bây giờ con trai đầu của chị là Phan Thế Hiện đã 21 tuổi, đang là sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM. Con trai thứ hai là Phan Thế Lương đang học lớp 11 Trường Nguyễn Huệ (Vũng Tàu). Chị Huấn đang chăm nuôi tám cháu nhỏ là con đồng đội của chồng ở nhà mình. “Tôi yêu các cháu như con tôi. Các cháu đều gọi tôi là mẹ. Nhiều bữa bố mẹ các cháu đến đón về nhưng các cháu cứ nằng nặc đòi ở lại với mẹ Huấn” - chị Huấn bộc bạch.

Lá thư của chị Cao Thị Hồng ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) - vợ của thiếu tá Trương Văn Thủy, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/8 - viết cho chồng thật nhiều nỗi niềm: “... Nếu nói về vợ lính thời bình không thiệt thòi là không đúng, nhưng đã là vợ lính thì phải biết chấp nhận hi sinh vì nghĩa lớn đúng không anh. Hôm con ốm, em cõng con vượt rừng đến bệnh xá và ba đêm không ngủ vì phải giành giật sự sống cho con từ tay tử thần. Hằng ngày phải đối mặt với bao khó khăn cơm áo gạo tiền, rồi tâm lý xa chồng, em cắn răng chịu đựng nỗi cô đơn vì vắng anh. Rồi khó khăn tất cả cũng vượt qua. Nhiều khi em nghĩ vợ lính thời bình mà phải chịu cách xa, nhưng em thấy tự hào có chồng là bộ đội DK, những lúc nhớ anh chỉ biết gửi tình yêu vào trang thư này”.

Anh Thủy kể lần ấy con ốm, vợ anh một mình cõng con vượt 5 cây số đường rừng đến bệnh xá xã. Con sốt quá cao, chị Hồng chỉ biết ôm con đi quanh hành lang chờ bác sĩ. Giữa đêm tối lạnh căm căm, cả hai mẹ con đều khóc. Những lúc ấy chỉ mong có một bờ vai tin cậy của người chồng, người bố để vợ con tựa vào, nhưng ước mơ rất bình thường với mỗi người ấy thì với vợ của những người lính DK1 thật quá xa vời.

Chúng tôi đến thăm gia đình thiếu úy Trần Văn Tiên chỉ vài giờ trước khi anh theo tàu đi công tác. Hai vợ chồng dành dụm làm được căn nhà chừng 30m2, ẩm thấp, lọt thỏm giữa các khối nhà cao tầng. Trong nhà tuềnh toàng, không có tủ bàn hay vật dụng gì ngoài chiếc giường đơn sơ. Từ bốn năm nay tất cả tiền lương của hai vợ chồng (vốn chẳng nhiều nhặn gì) đều dồn vào chạy chữa cho đứa con sinh thiếu tháng, khi sinh ra cháu nặng 1,2kg, bị tim bẩm sinh, ảnh hưởng phổi, mắt... Chồng đi theo nhà giàn, vợ ôm con đi hết viện nhi này đến bệnh viện khác, bé gái 4 tuổi rồi vẫn thường trú ở viện nhiều hơn ở nhà...

Có rất nhiều câu chuyện như thế khi gặp những người vợ của lính nhà giàn và nhờ có sự hi sinh lớn lao của họ, những người chồng chiến sĩ đã vững tâm vững lòng giữ thềm lục địa Tổ quốc.

* Ông Nguyễn Văn Phương, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh & xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

c5RgkJzu.jpgPhóng to

Sở Lao động - thương binh & xã hội Bà Rịa - Vũng Tàu trao quà cho vợ chồng anh Văn Đình Sơn - Ảnh: Mai Thắng

Hằng năm Sở Lao động - thương binh & xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều tặng quà các gia đình quân nhân DK1 có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán. Tết Kỷ Sửu vừa qua chúng tôi tặng 19 đầu thu vệ tinh TDH trị giá 38 triệu đồng và 15 bộ thể thao đa năng. Đến từng gia đình mới thấy những khó khăn vất vả, thiếu thốn của họ.

Họ chịu đựng gian khổ, nuôi con gánh vác gia đình. Năm nay, căn cứ vào nhu cầu của bộ đội, sở sẽ tham mưu đề nghị tỉnh tặng quà các nhà giàn cụ thể, thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ trong phạm vi kinh phí cho phép. Chúng tôi sẽ quan tâm hơn nữa đến đời sống gia đình cán bộ chiến sĩ DK1.

------------------------------------

Mấy hôm nay trái tim tôi thắt lại theo từng con chữ, sự cảm phục, xúc động dâng trào... rồi không thể ngăn nổi những giọt nước mắt, bởi những hình ảnh hi sinh anh dũng của các anh chiến sĩ hải quân suốt 20 năm qua được tái hiện khi đọc loạt bài “DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa” trên báo Tuổi Trẻ.

Ai có thể kìm nén được cảm xúc của lòng mình khi biết được sự hi sinh cao đẹp của trung úy Trần Hữu Quảng: lúc nhà giàn bị đổ, anh đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển, khi sóng to gió lớn, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất và đã hi sinh; hình ảnh đại úy Vũ Quang Chương nghiêm trang ôm lá cờ đỏ sao vàng vào ngực mình, gấp lại, mang theo khi nhà giàn đổ, anh cùng thiếu úy Hoàng Xuân Thủy lao xuống biển và không hề biết đó là giây phút cuối cùng của đời mình... Sự hi sinh của các anh chính là tấm gương sáng, là biểu tượng cao đẹp về lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ chúng ta noi theo.

Tôi xin gửi đến bài thơ Không đề của chị Tô Hà - phó giám đốc Trung tâm Truyền hình VN tại Phú Yên (là thành viên trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa vào đầu tháng 5-2008 do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức) khi đoàn công tác của chúng tôi không thể lên nhà giàn thăm các chiến sĩ được vì sóng quá lớn, và đặc biệt đây là xúc cảm của một người phụ nữ, chỉ trong 20 phút chị đã cho chúng tôi những vần thơ thấm đậm nghĩa tình:

Sừng sững giữa trùng khơi sóng gió/ Quế Đường vươn mình trong bão táp mưa sa/ Mang vóc dáng Tổ quốc mình nơi đó/ Chí kiên trung vượt mọi phong ba/ Chúng tôi biết ngày lại ngày trên biển/ Anh không nguôi nỗi nhớ quê nhà/ Khát một câu dân ca, một dáng hình con gái/ Một lá thư nhà ấm mong ước đoàn viên/ Không đến được với anh dù đã kề giàn nổi/ Chúng tôi lại đi như những cánh chim trời/ Xin gửi lại tình đất liền sâu nặng/ Qua những ngọn sóng bạc đầu/ Ơi Quế Đường ơi!.

Từ những sự hi sinh thầm lặng đó, thiết nghĩ mỗi chúng ta - những ai đang được tận hưởng sự thanh bình nơi đất liền - hãy cất lên tiếng nói từ trái tim mình bằng những hành động cụ thể để thực hiện lời di huấn của Bác Hồ kính yêu: “Khi đã xác định biên giới rồi thì núi vàng, núi bạc của người, ta cũng không ham. Nhưng bãi cát, bãi đá của ta, ta cũng phải ra sức mà giữ gìn, vì nó là xương máu của cha ông”.

Khóc với sự hi sinh thầm lặng

Đọc những bài phóng sự viết về các chiến sĩ ở nhà giàn DK1, tôi rất xúc động và không thể hình dung hết những khó khăn, gian khổ các anh đã hi sinh ở thềm lục địa. Chỉ một cơn sấm sét cũng khiến tôi giật mình, thế mà ở ngoài kia giữa sóng nước mênh mông, biển cả gào thét, các anh - những con người nhỏ bé giữa biển cả bao la - như những tượng đài bất diệt vẫn đứng đó, ngày đêm canh giữ đất trời... Tôi đã khóc khi đọc về sự hi sinh thầm lặng của các anh. Cảm ơn các anh đã vì mọi người, vì quê hương, đất nước, cảm ơn tác giả bài viết đã cho chúng tôi biết nhiều hơn về cuộc sống và sự quả cảm của các anh.

----------------------------------

Ngày mai (26-6), chúng tôi cùng nhiều đại biểu khác sẽ lên tàu hải quân ra khơi, thăm lại những người anh em lính biển nhân kỷ niệm 20 năm DK1. Tại sao chúng ta không cùng góp tay để làm những nhà giàn DK1 rực sáng về đêm?

Kỳ tới: Hãy làm DK1 rực sáng biển đêm!

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Họ ở đó, 20 mùa dông bão Kỳ 2: Những người đầu tiên Kỳ 3: Đương đầu cùng bão biển Kỳ 4: Đêm xé lòng: 2A đâu? 2A... Kỳ 5: Khúc bi tráng trên biển Kỳ 6: Nhành san hô trên bàn thờ liệt sĩ

MAI THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên