23/09/2017 10:15 GMT+7

Đìu hiu cụm dân cư vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long

VÂN TRƯỜNG - LÂM HOÀI
VÂN TRƯỜNG - LÂM HOÀI

TTO - Chương trình xây dựng cụm - tuyến dân cư vượt lũ từ năm 2001 đến nay đã giúp hàng trăm ngàn người dân ĐBSCL an toàn hơn mỗi khi lũ về. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều người phải sống trong cảnh túng thiếu, thất nghiệp, nợ nần.

Đìu hiu cụm dân cư vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Trần Văn Phước ở cụm dân cư trung tâm xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chống dột cho ngôi nhà mục nát của mình - Ảnh: Vân Trường

Tình trạng người dân bỏ nhà đi làm ăn xa và xin trả lại nền nhà để trở về chốn cũ ngày càng tăng. 

Tháng 5-2017, Ban Dân nguyện của Quốc hội có báo cáo về tình trạng này và cả chuyện hoang phí trong đầu tư xây dựng cụm - tuyến dân cư vượt lũ. 

Ban này đã yêu cầu các bộ ngành tiến hành rà soát và đưa ra lộ trình giải quyết dứt điểm trong tháng 9-2017.

Đìu hiu

Giữa tháng 9-2017, chúng tôi ngược về phía biên giới thuộc tỉnh Long An và Đồng Tháp. Nước lũ đã ngập trắng đồng. 

Tuyến dân cư vượt lũ ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) chỉ lác đác vài người già và trẻ em giữ nhà. Ở đây có khá nhiều căn nhà chưa xây dựng hoàn chỉnh và không có người ở.

Ông Lương Thanh Hải - phó trưởng ấp - cho biết tuyến dân cư này được xây từ năm 2002, dự kiến bố trí cho 153 hộ nghèo, cận nghèo và hộ chính sách ở các vùng ngập lũ. Tuy nhiên đến nay mới có hơn 70 hộ cất nhà, nhưng chỉ khoảng 50 hộ có người ở; còn lại bỏ hoang đi làm công nhân xa, cả chục năm nay không có hộ nào cất nhà.

Tuyến dân cư vượt lũ ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi cách đó không xa có chiều dài tới 4,7km. Thế nhưng phần lớn nhà ở đây đều khóa cửa, rất nhiều căn xuống cấp, sập cả bốn bức tường, chỉ còn trơ cột. Người dân ở đây ví tuyến dân cư này như "ốc đảo" vì cách UBND, trạm y tế và chợ xã tới 6km.

Ông Nguyễn Văn Tâm - chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi - cho biết tuyến dân cư này dự kiến bố trí cho 530 hộ dân. 

Tuy nhiên số hộ cất nhà ở thật sự chỉ hơn 200. Gần 100 căn nhà bỏ hoang vì người dân đi làm ăn xa hoặc trở về nơi họ sinh sống trước kia. Vẫn còn hàng chục lô nền đã giao nhưng người dân không cất nhà.

Ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An - thừa nhận thực trạng người dân muốn trả lại nhà là có thật. 

Tỉnh Long An có 165 cụm - tuyến dân cư vượt lũ, thế nhưng đến nay chỉ có 50% hộ dân vào ở, tức khoảng 17.000 hộ. 

Huyện Tân Hưng có số hộ vào nhiều nhất cũng chỉ đạt 72%. Riêng huyện Đức Huệ chỉ mới 8%. Hiện còn hơn 10.600 hộ nhận nền nhà nhưng chưa xây dựng nhà ở, hơn 300 hộ xây nhà rồi bỏ hoang.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này hiện còn hơn 6.300 hộ chưa vào các cụm - tuyến dân cư vượt lũ để xây dựng nhà ở.

Chuyển nhượng, xin trả lại nhà

Hôm chúng tôi đến tuyến dân cư Cà Dăm (Long An) thì gặp bà Trần Thị Bốn đang bơi xuồng giăng lưới trên đồng. 

Món nợ 19 triệu đồng vay mua nền, cất nhà quá hạn mấy năm rồi nhưng bà chưa trả nổi một đồng. Nhắc chuyện nợ, bà thở dài: "Nhà nước lấy lại nhà thì tui giao liền chứ tiền đâu mà trả nợ".

Mấy hôm nay mưa dầm, căn nhà của vợ chồng ông Trần Văn Phước ở cụm dân cư trung tâm xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) dột từ trước ra sau, mái nhà thủng lỗ chỗ. Ông nói: "Tiền đâu mà sửa nhà. Nợ vay quá hạn mấy năm nhưng chưa trả được đồng nào".

Ông Nguyễn Văn Hùng cho hay sở đã ghi nhận 340 hộ chuyển nhượng cho người khác vì không có nhu cầu ở và 156 hộ khác chính thức xin trả lại nhà. Hiện các tỉnh khác đang rà soát, thống kê những hộ không có khả năng trả nợ và muốn trả lại nhà.

Đại đa số người dân được bố trí vào cụm - tuyến dân cư vượt lũ là hộ nghèo, cận nghèo không có đất sản xuất và gia đình chính sách. 

Tại Long An, các hộ này vay hơn 118 tỉ đồng, nhưng đến nay chỉ mới trả được gần 50 tỉ đồng. Nhiều người bỏ nhà đi làm ăn xa, mất liên lạc hoàn toàn với địa phương.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2002 đến nay có gần 23.000 hộ vay gần 180 tỉ đồng để mua nền, cất nhà. Hiện chỉ mới có hơn 4.000 hộ trả nợ gần 39 tỉ đồng. Còn tới 18.566 hộ ôm nợ với số tiền lên đến hơn 140 tỉ đồng.

Đìu hiu cụm dân cư vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Khu dân cư Đông Trà Sư, xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên, An Giang hoang vắng nhiều năm nay vì đầu tư chưa đồng bộ và bất hợp lý nên dân không vào ở, nhiều người đã cải tạo thành khu vực nuôi trâu - Ảnh: B.Đấu

Đề nghị khoanh nợ, xóa nợ

Sở Xây dựng Long An cho biết tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét khoanh nợ vay chương trình cụm - tuyến dân cư vượt lũ, vì bây giờ có buộctrả nợ thì họ cũng không có tiền. UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian trả nợ, không tính lãi phạt đối với khoản nợ quá hạn.

Ngày 17-8 vừa qua, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị xóa nợ cho các hộ gia đình thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo chỉ có hai vợ chồng (hoặc đơn thân) từ 60 tuổi trở lên không nơi nương tựa.

Theo yêu cầu của Ban Dân nguyện của Quốc hội, tháng 8-2017 Bộ Xây dựng có văn bản gửi 8 tỉnh, thành ĐBSCL yêu cầu rà soát, báo cáo những trường hợp chưa xây dựng nhà ở; hộ đã xây dựng nhà trong các cụm - tuyến dân cư vượt lũ nhưng bỏ hoang. 

Đồng thời phải có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng hoang phí, hạ tầng kỹ thuật thiếu thốn để người dân an tâm sinh sống.

Đìu hiu cụm dân cư vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Chương trình xây dựng cụm - tuyến dân cư vượt lũ - Đồ họa: VIỆT THÁI

VÂN TRƯỜNG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên