Người tiêu dùng mua sắm tại Co.opmart Chu Văn An - Ảnh: TTXVN
Theo ông Vũ Vinh Phú, căn cứ vào lượng hàng hóa và năng lực của hệ thống phân phối của Việt Nam và sức mua của thị trường sẽ khó xảy ra đột biến giá cả. Tuy nhiên, trước và sau Tết Nguyên đán, một số thực phẩm như gà ta, thủy hải sản tươi sống, rau củ cao cấp, giò nóng các loại, thịt bò loại ngon sẽ tăng giá từ 10 - 20%.
Báo cáo của ngành Công thương cho hay lượng hàng hóa để cung ứng ra thị trường dịp Tết đã sẵn sàng. Tổng lượng hàng hóa của TP.HCM và Hà Nội phục vụ hàng Tết là hơn 43.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thương mại cũng băn khoăn: quỹ hàng hóa được các địa phương chuẩn bị cho dịp Tết cần phải được làm rõ, trong đó hệ thống thương mại Nhà nước, các siêu thị mà địa phương điều hành nắm giữ được bao nhiêu phần trăm? Có áp đảo được thị trường tự do hay không? Ai quyết định giá bán của quỹ hàng hóa đó? Mạng lưới phân phối có phủ khắp các thị trường trong địa phương hay không? Đó mới là điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất trong dịp Tết.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết tổng giá trị hàng hóa cho 2 tháng trước và sau Tết Mậu Tuất 2018 của các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng gần 18.000 tỉ đồng, tăng hơn 743 tỉ đồng so với dịp Tết năm ngoái.
Để tránh tình trạng sốt giá những ngày cận Tết, Sở Công Thương thành phố đã chuẩn bị hàng bình ổn tăng từ 15 - 20%, với tổng số tiền trên 7.000 tỷ đồng, tăng 20 - 30% so với năm ngoái. Căn cứ vào kết quả thực hiện Tết năm 2017 và dự báo mức tiêu dùng của người dân dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 10 -15%.
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho hay: Sở sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trong đó chú trọng nhóm hàng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết; đồng thời đề nghị các quận, huyện tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tổ chức tốt công tác dự trữ hàng hóa.
Để bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn đã chỉ đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phải chủ động triển khai các biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho UBND các tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.
Đặc biệt, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc tăng giá điện, giá xăng dầu để tăng giá dây chuyền, không phù hợp với tỷ lệ tác động của giá điện, xăng dầu vào giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ khác. "Giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với mặt hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá, hàng thuộc danh mục kê khai giá. Có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm nhất là trong dịp trước và sau Tết", lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận