14/11/2017 16:24 GMT+7

Dinh dưỡng hợp lý để phòng bệnh hô hấp mùa đông

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Ăn uống là điều không thể thiếu được trong đời sống thường ngày, đó cũng là cách tốt nhất để phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe.

Dinh dưỡng hợp lý để phòng bệnh hô hấp mùa đông - Ảnh 1.

Sự thay đổi của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm (thay đổi về khí hậu) kéo theo mùa đông giá rét, mưa phùn gió bấc đã tác động rất nhiều đến sức khỏe của con người, làm suy giảm sức chống đỡ và từ đó tạo cơ hội cho các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là các bệnh đường hô hấp bùng phát.

Người già và trẻ em là những đối tượng dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp trong mùa đông. Bên cạnh đó, những người có các bệnh lý hô hấp mạn tính như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… là những đối tượng hay bị tái phát dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, suy hô hấp đe dọa đến tính mạng.

Để chủ động phòng tránh các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp trong mùa đông thì mỗi người cần phải nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Để làm được điều này thì chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Phải đảm bảo chất lượng và số lượng của mỗi bữa ăn. Thực hiện ăn đa dạng thực phẩm với đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Các thức ăn phải luôn tươi sạch.

Bên cạnh đó, chúng ta phải ăn đủ bữa với số lượng vừa đủ, đặc biệt không nên ăn nhiều một loại thức ăn nào. Đối với người già và trẻ nhỏ, cần chia ra các bữa nhỏ hoặc tăng bữa theo nhu cầu. Thức ăn phải bảo quản và chế biến hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên ăn các thức ăn lạnh hoặc để trong tủ lạnh mà nên hâm nóng trước khi ăn.

Một số loại thực phẩm tốt theo mùa để phòng bệnh mùa đông đó là: thịt lợn nạc, các loại cá béo có chứa omega 3 như cá hồi, cá ba sa; trứng, sữa, đậu nành… Các loại rau quả tươi như su hào, súp lơ, cải bắp, các loại đậu đỗ, cam, xoài, đu đủ, chuối... cung cấp cho cơ thể các loại vitamin và chất khoáng dồi dào.

Một số loại gia vị tự nhiên như tỏi, gừng và một số loại rau thơm (rau mùi, húng..) nên được đưa thường xuyên vào bữa ăn vừa giúp tăng cảm giác ngon miệng và giữ ấm cho cơ thể, vừa giúp phòng chống các bệnh liên quan đến đường hô hấp do có kháng sinh thực vật.

Người ăn cần chú ý đến việc bổ sung nước đầy đủ để giúp cho các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể diễn ra bình thường. Có thể uống nước máy đã đun sôi để nguội, nước canh hoặc nước hoa quả, đảm bảo 1,5- 2 lít nước một ngày.

Một số các thực phẩm nên tránh trong mùa đông, đặc biệt đối với người cao tuổi đó là các loại thức ăn chế biến sẵn như chả giò, lạp sườn, xúc xích, thịt nguội, bánh kẹo và rượu bia vì có chứa nhiều muối và các chất bảo quản thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, có thể dẫn đến gánh nặng cho tim, thận, gan.

Ngoài dinh dưỡng hợp lý, mọi người cũng cần chăm lo đầy đủ đến chế độ sinh hoạt và các hoạt động thể chất. Nên mặc quần áo đủ ấm, chú ý giữ ấm vùng đầu cổ, không ở lâu ngoài trời lạnh, ngủ đủ giấc đề phòng cảm lạnh, suy giảm miễn dịch. Đồng thời, vẫn nên duy trì các hoạt động thể lực thường xuyên như đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga một cách hợp lý… Nếu không đi ra ngoài được lúc trời giá rét cũng có thể tập luyện trong nhà.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên