28/05/2011 07:33 GMT+7

Đình chỉ trục vớt hiện vật trên tàu cổ

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Ngày 27-5, ông Trần Văn Đê - chủ tịch UBND xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) - cho biết vừa đình chỉ hoạt động trục vớt tàu cổ tại bờ biển làng Xuân Thiên Hạ thuộc xã này.

6QxK6dk3.jpgPhóng to

Nhân công thu dọn dụng cụ khai thác con tàu cổ tại bãi biển Vinh Xuân - Ảnh: THÁI LỘC

Một cán bộ ngành văn hóa của tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay đây là chiếc tàu cổ chạy bằng hơi nước (đốt bằng than đá), có kích thước khá lớn, chiều dài chừng 60m, rộng gần 10m, được đóng bằng gỗ bọc đồng. Phần lớn tàu đang chìm dưới cát, vài bộ phận nhô lên trong lòng nước biển ở độ sâu chừng 2m, cách bờ biển chừng 100m.

Theo một nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ trong ngày làm việc với đoàn thanh tra của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế, nhóm trục vớt đã bàn giao các hiện vật thu được tại chiếc tàu này, gồm: một bộ xương chân voi, một hũ gốm, một số mảnh sành sứ và hai đồng tiền cổ “Minh Mạng thông bảo”...

Ông Trần Văn Đê xác nhận đã biết sự tồn tại của chiếc tàu cổ nói trên từ rất nhiều năm trước do những người dân đánh cá gần bờ phát hiện và báo cho chính quyền. Chiếc tàu cũng từng bị nhiều nhóm thợ tổ chức trục vớt hiện vật trái phép và chính quyền xã từng truy đuổi nhiều lần.

Cũng theo ông Đê, khi kiểm tra hoạt động khai thác phế liệu tàu cổ vừa qua, ông Nguyễn Công Tình (chủ một cơ sở khai thác phế liệu trú tại phường Phú Thuận, TP Huế) đã trình “Giấy xin khai thác phế liệu vỏ tàu”, trong đó có bút phê: “Đồng ý cho khai thác” cùng dấu mộc của Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Vang. “Dù được ban chỉ quy quân sự huyện cho phép, nhưng đối chiếu với quy định hiện hành tôi thấy chưa đủ cơ sở pháp luật nên đã đình chỉ!”, ông Đê nói.

Cùng ngày, ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế, cho biết đã báo cáo toàn bộ sự việc lên UBND tỉnh và đề xuất hướng giải quyết, trong đó tổ chức trục vớt sớm và thành lập hội đồng để nghiên cứu con tàu.

Thông qua một số thông tin bước đầu, nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan cho rằng nhiều khả năng tàu nằm trong khoảng nửa đầu thế kỷ 19, vào loại tương đối lớn và tiến bộ ở thời điểm đương thời... “Nếu là tàu của triều đình nhà Nguyễn thì đây là một trong những chiếc tàu hiếm hoi đương thời, vì trình độ VN chưa sản xuất được tàu chạy bằng hơi nước đốt nhiên liệu than đá. Rất có thể chiếc tàu này do phía Pháp cung cấp cho triều Nguyễn vào cuối thời Tự Đức như trong lịch sử từng ghi chép”...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên