Đường ống ngầm của Công ty TNHH Tân Thái Thanh dùng để xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Mã, vừa bị cơ quan chức năng huyện Bá Thước (Thanh Hóa) phát hiện - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty TNHH Tân Thái Thanh khắc phục triệt để tồn tại, vi phạm, xây dựng hoàn chỉnh công trình xử lý nước thải; chỉ được phép hoạt động trở lại sau khi có ý kiến chấp thuận của chủ tịch UBND tỉnh.
UBND tỉnh giao UBND huyện Bá Thước phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, đơn vị có liên quan củng cố hồ sơ, kết luận kiểm tra, kiến nghị biện pháp xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH Tân Thái Thanh; giám sát chặt chẽ việc thực hiện đình chỉ hoạt động sản xuất giấy vàng mã và bột giấy của doanh nghiệp này.
Sở Tài nguyên và môi trường Thanh Hóa được UBND tỉnh giao phối hợp với UBND huyện Bá Thước đôn đốc, giám sát Công ty TNHH Tân Thái Thanh xây dựng đầy đủ các công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 19-4, ông Võ Minh Khoa - chủ tịch UBND huyện Bá Thước - khẳng định: "Quan điểm của cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Bá Thước là đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xử lý nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Mã, gây ra tình trạng cá chết hàng loạt những ngày qua, gây thiệt hại cho người dân nuôi cá lồng.
Ngoài Công ty TNHH Tân Thái Thanh, đề nghị UBND tỉnh cho dừng hoạt động sản xuất giấy vàng mã, bột giấy của các doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường; yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng, lắp đặt đủ hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vận hành mới được hoạt động trở lại. Đồng thời, doanh nghiệp vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người nuôi cá lồng trên sông Mã".
Cá nuôi lồng trên sông Mã của người dân xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị chết hàng loạt những ngày qua do nước sông ô nhiễm nặng - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, những ngày qua cơ quan chức năng hai huyện Quan Hóa, Bá Thước phát hiện 5 doanh nghiệp chôn ống ngầm xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Mã, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm Công ty TNHH thương mại vận tải Hoàng Vân, Hợp tác xã chế biến lâm sản Hà Long ở huyện Quan Hóa; Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phú Thành, Công ty cổ phần sản xuất thương mại Đồng Tâm TH ở huyện Bá Thước.
Đến nay, tại hai huyện nêu trên có hơn 51 tấn cá nuôi lồng trên sông Mã của người dân bị chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho người nuôi cá.
Chính quyền địa phương và gần 500 hộ nuôi cá lồng trên sông Mã đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc điều tra nguyên nhân, tìm ra thủ phạm gây ra cá chết hàng loạt để có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người dân nuôi cá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận