![]() |
Một trạm nén khí ở Anh- Ảnh: Business Insider |
“Vụ bê bối này xuất phát từ cáo buộc của một người tên Seth Freedman, làm việc cho Công ty định giá ICIS Heren, khi anh cho biết thị trường khí đốt Anh thường xuyên bị các “ông lớn” trong ngành năng lượng điều khiển. Giá chuẩn rất quan trọng bởi là cột mốc cho các hợp đồng mua bán khí đốt quy mô lớn và một sự chênh lệch nhỏ có thể khiến các công ty lời hoặc lỗ hàng triệu USD.
Phá bĩnh trước ngày chốt giá
“Các nhà giao dịch nói rõ với tôi rằng giá khí đốt thường xuyên bị thao túng. Họ kể tên những công ty lớn mà họ cáo buộc làm giá để hưởng lợi. Việc dàn xếp giá là một bí mật mà ai cũng biết” - Seth Freedman nói với FSA.
Cụ thể, Freedman khẳng định ít nhất sáu công ty lớn đang tham gia nâng hoặc hạ giá bán sỉ khí đốt. Các chỉ số giá chuẩn đang trở nên phổ biến của ít nhất một tổ chức báo cáo giá là không đáng tin cậy do được đẻ ra từ mối quan hệ trên mức thân thiết giữa các nhân viên báo cáo giá và nhà giao dịch, trong đó các nhân viên báo cáo thường xuyên bị gây sức ép. Tuy nhiên, các nhân viên báo cáo giá không có khả năng đưa ra giá chuẩn chính xác do thiếu thông tin trên thị trường giao dịch tự do và phụ thuộc vào các nhà giao dịch để biết hoạt động của thị trường.
Vào đầu tháng 11-2012, Ngân hàng Anh Barclays đã phải đối mặt với mức phạt kỷ lục gần 300 triệu bảng tại Mỹ do bị buộc tội thao túng thị trường điện năng tại nước này. Ủy ban Điều tiết năng lượng liên bang Mỹ cho biết Barclays cùng bốn nhà giao dịch đã can thiệp vào thị trường điện ở California từ 2006-2008. Barclays cũng là ngân hàng có liên quan đến vụ làm giá lãi suất Libor và đã chịu mức phạt gần 280 triệu bảng Anh. |
Freedman đã phát hiện giao dịch thấp đáng ngờ ngày 28-9, ngày cuối cùng của năm tài khóa, nhằm kéo giá xuống. Freedman đã nộp cho FSA băng ghi âm các cuộc đối thoại về dàn xếp giá trong ngày này, trong đó một nhà giao dịch nói rõ “nhiều người có cảm giác như ai đó đang phá bĩnh”. ICIS Heren cũng đã cảnh báo Cơ quan quản lý điện và khí đốt Anh Ofgem nhưng cơ quan này khi đó tuyên bố họ không có quyền can thiệp. Các nhân viên báo cáo giá như Freedman không được biết người thực hiện những giao dịch trên do chúng được thực hiện thông qua bên thứ ba.
“Văn hóa băng đảng”
Các quan chức Anh đã lên tiếng ủng hộ cuộc điều tra của FSA trước lo ngại nạn làm giá năng lượng có thể dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng và hủy hoại sự hồi phục kinh tế. Ông Arlene McCarthy, thành viên nghị viện châu Âu, nhận xét: “Tôi có cảm giác như văn hóa băng đảng trong việc thao túng thị trường và dàn xếp giá đang bành trướng trên các thị trường hàng hóa”. Ông khẳng định FSA cần có hành động mạnh mẽ bởi giá khí đốt của Anh cũng được coi như giá chuẩn cho châu Âu. Trong khi đó, Bộ Năng lượng và biến đổi khí hậu Anh tuyên bố: “Chính phủ sẽ xử lý hành vi lũng đoạn thị trường một cách nghiêm khắc”.
Nhóm sáu công ty bị cáo buộc gồm EDF, SSE, British Gas, Scottish Power, E.ON và RWE đều phủ nhận việc làm giá. “Sự phân chia giao dịch của chúng tôi luôn diễn ra một cách chính trực và tuân thủ mọi luật lệ” - người phát ngôn Scottish Power khẳng định.
Vụ bê bối thao túng giá khí đốt xảy ra trong bối cảnh người dân đang hết sức bất mãn trước cáo buộc các tập đoàn năng lượng lớn đang cố nâng giá để kiếm lợi trong mùa đông năm nay. Một thống kê cho thấy hóa đơn của các hộ khách hàng của British Gas có thể tăng lên từ 1.260-1.336 bảng một năm. Các chuyên gia ước tính con số này còn có thể vượt 1.428 bảng vào năm tới, gần gấp ba lần mức trung bình 522 bảng năm 2004. Trong khi đó, châu Âu đang nỗ lực nhằm siết chặt quy định đối với thị trường khí đốt để tránh lặp lại trường hợp Libor, mức lãi suất vay liên ngân hàng từng bị các ngân hàng thao túng. Tuy nhiên, các tập đoàn đang ra sức chống lại nỗ lực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận