26/12/2015 16:13 GMT+7

Điều tra phôi thép và thép dài toàn cầu nhập khẩu vào VN

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Bộ Công thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngày 26-12, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA-Bộ Công thương) cho biết  Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (một trong những biện pháp được áp dụng trong lĩnh vực phòng vệ thương mại) đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Đây là sản phẩm thứ tư, sau kính nổi, dầu thực vật, bột ngọt  được Bộ Công thương tiến hành điều tra kể từ năm 2009 đến nay.

Quyết định điều tra được thực hiện trên cơ sở hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào VN  của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý.

Các doanh nghiệp này đại diện cho ngành sản xuất thép Việt Nam đứng đơn và đã được Bộ Công Thương xác nhận trong đơn yêu cầu là “đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật”.

Theo VCA, các sản phẩm bị điều tra có mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.

Giai đoạn điều tra xác định thiệt hại được tính từ 1-1-2012 đến 30-9-2015.

Trong hồ sơ gởi đến VCA, các doanh nghiệp cáo buộc nếu năm 2012 chỉ có khoảng 468.000 tấn phôi thép được nhập khẩu vào Việt Nam thì dự kiến hết năm 2015, con số này khoảng 1,5 triệu tấn.

Tương tự, sản phẩm thép dài được nhập khẩu xấp xỉ 389.000 tấn vào năm 2012, nhưng năm 2015, lượng thép nhập khẩu ước tính lên tới 1,21 triệu tấn.

Nguyên đơn cũng yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ tương đương với mức thuế suất 45% đối với phôi thép nhập khẩu, và 33% đối với thép dài được sản xuất từ phôi thép nhập khẩu. 

Và trong khi chờ bộ Công thương có kết luận chính thức về việc điều tra, nguyên đơn đề nghị bộ Công thương áp các mức thuế nói trên trong thời gian 200 ngày để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Được biết, thời hạn điều tra không quá 6 tháng kể từ ngày bộ Công Thương ra quyết định điều tra. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn điều tra có thể được gia hạn một lần không quá hai tháng tiếp theo.

Trong diễn biến khác, Bộ Công Thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra, nếu xét thấy việc chậm thi hành các biện pháp tự vệ sẽ gây ra, hoặc đe doạ gây ra các thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên