30/11/2015 09:07 GMT+7

Thép Việt bị thép Trung Quốc giá rẻ tấn công

T.V.NGHI - C.V.KÌNH - L.THANH (tranvunghi@tuoitre.com.vn)
T.V.NGHI - C.V.KÌNH - L.THANH (tranvunghi@tuoitre.com.vn)

TT - Hàng triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc với giá rẻ nhập ồ ạt vào VN thời gian qua đã khiến ngành công nghiệp thép trong nước điêu đứng.

Giá thép tấm, thép cuộn đen nhập từ Trung Quốc hiện còn 7.300 đồng/kg, bằng 40% so với cùng kỳ năm ngoái (ảnh chụp tại một doanh nghiệp nhập khẩu thép ở Hà Nội) - Ảnh: Thành Nam

Hàng rào kỹ thuật lỏng lẻo, chưa có quy chuẩn chất lượng... là những nguyên nhân khiến thép VN bị “tấn công” ngay trên sân nhà.

Hậu quả của tình trạng này không chỉ đẩy các doanh nghiệp thép trong nước đứng trước nguy cơ đình đốn sản xuất, mà còn là hồi chuông báo động cho các công trình xây dựng do sử dụng các sản phẩm thép nhập khẩu chất lượng thấp.

Nhập nhiều do giá rẻ

Giám đốc một doanh nghiệp kết cấu thép có trụ sở ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) kể giá thép tấm đen nhập từ Trung Quốc chỉ trong vài tháng qua đã giảm mạnh 40%, hiện còn khoảng 7,3 triệu đồng/tấn. Mặt hàng này được sử dụng chủ yếu trong các công trình xây dựng, nhà xưởng... Giá rẻ nên lượng hàng nhập về tăng chóng mặt.

Ngoài thép tấm đen, doanh nghiệp này còn nhập thép cuộn mạ kẽm từ Trung Quốc. Giá mặt hàng này cũng giảm mạnh, từ 12,5 triệu đồng/tấn hồi đầu năm hiện chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/tấn, lượng nhập về cũng tăng 50% so với cùng kỳ 2014.

Đặc biệt mặt hàng tôn, sản phẩm mà doanh nghiệp VN có ưu thế, cũng đang bị tôn từ Trung Quốc nhập về chiếm lĩnh thị trường. Theo Hiệp hội Thép VN (VSA), lượng tôn nhập khẩu cả năm 2014 là 750.000 tấn thì chỉ trong tháng 9-2015, mặt hàng này nhập khẩu đã tăng vọt lên 1 triệu tấn.

Thép Trung Quốc đổ bộ khắp nơi

Theo Hiệp hội Thép thế giới, một trong những nguyên nhân khiến thép Trung Quốc đổ bộ khắp nơi trên thế giới là do nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa giảm mạnh, khiến lượng thép dư thừa tại quốc gia này ước có thể đạt trên... 300 triệu tấn so với tổng lượng sản xuất 814 triệu tấn trong năm 2015. 

Để giảm thiểu tình trạng khó khăn nói trên, Trung Quốc đã áp dụng một số giải pháp để tiêu thụ được thép nhiều hơn.

Chẳng hạn Trung Quốc đang áp dụng chính sách miễn giảm thuế, hoàn thuế đối với thép hợp kim, thép cây, thép cuộn, thép tấm cuộn cán nóng... để đẩy mạnh xuất khẩu; chấp nhận bán dưới giá thành với mức giá thấp hơn 20-40% so với giá thị trường thế giới, nhưng lại áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép từ những nước muốn xuất khẩu vào Trung Quốc.

Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, đến cuối tháng 10-2015 tổng lượng sắt thép các loại nhập khẩu vào VN từ Trung Quốc đã lên đến 7,71 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 61,1% tổng lượng nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Điều khiến nhiều người giật mình là các sản phẩm thép có yếu tố “hợp kim” như thép cuộn, thép cây cho đến cả phôi thép... sản lượng nhập khẩu tăng gấp hàng chục lần, nhưng đơn giá bình quân nhập khẩu lại giảm khá mạnh từ 1 - 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, mức giảm giá sâu nhất tới 4,5 lần là phôi thép hợp kim, từ trên 1.800 USD/tấn hiện chỉ còn khoảng 413 USD/tấn.

Đội lốt “hợp kim”

Giải thích với PV Tuổi Trẻ về yếu tố “hợp kim” trong các sản phẩm thép, ông P. - tổng giám đốc một công ty thép ở phía Nam - nói: “Ngay trong quá trình sản xuất tại Trung Quốc, nhà sản xuất đã tính toán bỏ nguyên tố boron hoặc crom để có tên là “thép hợp kim” nhằm hưởng thuế suất nhập khẩu 0% (thay vì phải nộp thuế 5 - 10% tùy loại), nhưng thực tế toàn bộ loại thép này khi nhập khẩu về VN đều dùng để xây dựng”.

Vẫn theo vị tổng giám đốc này, hầu hết thép cuộn hoặc thép cây hợp kim khi nhập về VN đều đưa đi các tỉnh tiêu thụ dưới nhiều hình thức khác nhau, giá bán chỉ 10 triệu đồng/tấn, rẻ hơn thép xây dựng sản xuất trong nước cả triệu đồng/tấn.

“Thay vì công ty chúng tôi trúng thầu cung cấp thép xây dựng cho tỉnh A, bây giờ sẽ có công ty thương mại cung ứng loại thép này để kèm với thép xây dựng truyền thống” - vị này giải thích.

Còn đối với sản phẩm tôn mạ kẽm và phủ màu nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Vũ Văn Thanh, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho biết tình trạng “đôn dem”, tức gian lận độ dày của tôn, đã “lây lan mạnh mẽ trên diện rộng”.

“Thứ nhất là tôn ghi độ dày một đằng, nhưng do khó đo nên họ bớt xén độ dày, có trường hợp trên 25%. Thứ hai là độ dày của lớp mạ. Công bố có thể là AZ70, nghĩa là sẽ mạ 70g hợp kim nhôm kẽm/m2, nhưng tôn kém chất lượng chỉ mạ 30g hoặc 40g, chưa kể chất lượng sơn không đảm bảo” - ông Thanh phân tích. Do đó, nếu tôn chất lượng bảo hành 10 năm thì tôn gian, kém chất lượng chỉ dùng được 5 - 7 năm là hết mức.

Theo tiết lộ của một phó giám đốc doanh nghiệp sản xuất tôn lớn khác ở phía Nam, hiện có tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất tôn có quy mô nhỏ, chưa có thương hiệu trên thị trường đã đặt hàng tận bên Trung Quốc dập sẵn code mã hàng, ký hiệu sản phẩm, logo thương hiệu của các doanh nghiệp đã có uy tín trên thị trường rồi nhập về VN, bán cùng với sản phẩm có thương hiệu.

Tình trạng này đang rất phổ biến ở khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên. “Khi họ đặt làm, độ dày, độ mạ và độ phủ sơn của sản phẩm giả hiệu đương nhiên sẽ thấp hơn tiêu chuẩn của các doanh nghiệp có uy tín nên giá sẽ rẻ hơn” - vị này thông tin.

Lỏng lẻo khâu kiểm soát

Các chuyên gia trong ngành thép cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào VN là do quy định và hàng rào kỹ thuật ở VN còn lỏng lẻo cùng khâu kiểm soát, thực thi quy định chưa chặt.

“Mã HS của phôi vuông (phôi thép thông thường) là 7207, thuế suất 9%. Nhưng nếu doanh nghiệp nhập khẩu cố tình khai thành mã HS 7224 là phôi thép hợp kim thì thuế suất là 0%. Vấn đề ở đây là hải quan làm sao biết được phôi thép nào là hợp kim, cái nào không nếu nhìn bằng mắt thường khi cả hai sản phẩm này đều có hình dáng bên ngoài như nhau? Đây chính là một trong các kẽ hở” - tổng giám đốc công ty thép P phân tích.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Sưa - phó chủ tịch VSA, để được nhập khẩu thép hợp kim, quy định hiện hành buộc các doanh nghiệp nhập khẩu phải bị kiểm tra năng lực sản xuất hoặc phải có hợp đồng ủy thác đối với các doanh nghiệp là công ty thương mại.

Đồng thời phải tiến hành đăng ký hợp chuẩn mác thép nhập khẩu để Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đánh giá việc khai báo này có đúng như quy chuẩn đã đăng ký hay không. “Tôi cho rằng khâu kiểm tra đăng ký hợp chuẩn làm chưa tốt vì số mác thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay chỉ có khoảng 25 mác. Nếu muốn kiểm soát cũng không phải là quá khó vì số doanh nghiệp nhập khẩu loại này cũng không phải quá nhiều” - ông Sưa thẳng thắn.

Mặt khác, theo các chuyên gia, hiện VN chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng thép. “Chúng ta còn chấp nhận tiêu chuẩn cơ sở, tức tiêu chuẩn doanh nghiệp tự soạn và công bố. Vì vậy rất khó ngăn chặn thép, tôn kém chất lượng từ các nước tràn vào. Để hạn chế tình trạng này, cần sớm ban hành một bộ tiêu chuẩn quốc gia VN về chất lượng thép, tôn thép” - một chuyên gia lâu năm trong ngành thép đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Thanh cũng cho rằng hiện doanh nghiệp VN xuất khẩu sản phẩm sắt thép sang các nước thì gặp hàng rào thương mại, hàng rào kỹ thuật vô cùng khắt khe của nước bạn. Trong khi đó, tại thị trường nội địa lại để hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn vào với số lượng lớn dễ dàng, thoải mái. 

“Cần sửa thông tư liên tịch 44/2013 của Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ. Đồng thời VN cần áp một tiêu chuẩn quốc gia, buộc các sản phẩm thép muốn được bán tại VN phải tuân thủ, hoặc trong trường hợp VN chưa ban hành ngay được tiêu chuẩn quốc gia thì có thể áp dụng tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực để kiểm soát hàng nhập khẩu” - ông Thanh đề xuất.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN):

Chất lượng công trình ra sao?

Điều gì sẽ xảy ra cho tuổi thọ và sự an toàn của công trình xây dựng khi các dầm, cột bêtông chịu lực được làm từ các loại thép kém chất lượng? Ngay thị trường tôn, dù báo chí đã vào cuộc, công khai danh tính các doanh nghiệp kinh doanh tôn, thép giả, kém chất lượng cũng đã một năm kể từ khi các cơ quan vào cuộc nhưng kết quả cụ thể, tình trạng tôn giả, tôn kém chất lượng vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Điều đáng lo ngại là chất lượng công trình được làm từ thép giả, kém chất lượng đồng nghĩa với quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng đang bị thách thức. Chúng tôi đề nghị với các mặt hàng thép, nhất là thép xây dựng, tôn... cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm tra trên diện rộng để phát hiện, xử lý nghiêm.

 

T.V.NGHI - C.V.KÌNH - L.THANH (tranvunghi@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên