Sau gần một năm mua lại Uber ở thị trường Đông Nam Á, Grab vẫn đang vướng khúc mắc về pháp lý - Ảnh: T.T
Việc trả hồ sơ là để Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) điều tra bổ sung và làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trong vụ việc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Grab VN cho biết đã nhận được công văn trên và khẳng định từ trước đến nay Grab VN vẫn luôn hợp tác đầy đủ với các cơ quan quản lý cạnh tranh trong quá trình điều tra.
"Trong các buổi làm việc, chúng tôi luôn mong muốn các cơ quan chức năng sẽ xem xét đến sự hấp dẫn và năng động không ngừng của thị trường Việt Nam, nơi sự lựa chọn về phương thức di chuyển luôn nằm trong tay người tiêu dùng. Những sự lựa chọn đó có thể là giao thông công cộng, vẫy taxi trên đường, đặt xe các dịch vụ kết nối hoặc các ứng dụng gọi xe khác", đại diện Grab VN nói.
Grab VN cũng cho biết đã tham vấn một cách cẩn trọng với các chuyên gia pháp lý trước khi tiến hành giao dịch với Uber với sự tin tưởng rằng việc thực hiện giao dịch này là không vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Tuy nhiên đã có "sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và Grab về thị trường liên quan cũng như những đặc điểm cấu thành một thị trường cạnh tranh".
Đại diện VN cũng nói thêm từ sau khi thương vụ Grab mua lại Uber ở thị trường các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đã năng động và sức cạnh tranh tăng lên đáng kể. Rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhảy vào tham gia, nhiều ứng dụng khác nhau được ra mắt khai thác tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Với sự phát triển của thị trường như vậy, các đối tác tài xế tiếp tục có thêm lựa chọn tham gia các công ty khác nếu họ cảm thấy có cơ hội gia tăng thu nhập.
Vào tháng 3-2018, Grab bất ngờ công bố công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, và Uber có 27,5% cổ phần trong công ty sau mua bán và sáp nhập.
Sau thương vụ này, Grab tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và tích hợp các dịch vụ này vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức của Grab.
Tuy nhiên, thương vụ nhanh chóng gặp phản ứng từ chính phủ nhiều quốc gia vì lo ngại Grab độc quyền, ảnh hưởng sự cạnh tranh của thị trường gọi xe công nghệ.
Đến tháng 5-2018, việc điều tra vụ Grab mua lại Uber được cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam tiến hành. Kết luận điều tra của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng sau đó vài tháng đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm gồm: Hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật cạnh tranh và hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật cạnh tranh.
Kết luận cũng xác định Grab đã chiếm hơn 50% thị phần trên thị trường sau khi mua lại Uber.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận