Công chúng xem tác phẩm Lợn bao tải của tác giả Kù Kao Khải - Ảnh: M.TRANG
Đây là một trong những triển lãm điêu khắc hiếm hoi giữ được chất lượng nghệ thuật chọn lọc thuộc hàng “top” của điêu khắc đương đại, phần nào bao quát được toàn cảnh và giới thiệu được cả những cái mới
Họa sĩ, nhà phê bình NGUYỄN QUÂN
So với các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, nhiếp ảnh…, điêu khắc ít có cơ hội đến với công chúng hơn bởi một lý do: tại Việt Nam chưa có một không gian trưng bày nào thực sự là "ngôi nhà" của điêu khắc.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trong buổi khai mạc triển lãm lần này nhớ lại: "Năm đầu tiên chúng tôi bày tác phẩm ở ĐH Mỹ thuật TP.HCM, rồi ĐH Văn hóa Hà Nội, rồi Hội Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Kiến trúc, năm nay là Bảo tàng Mỹ thuật.
Những không gian này không phải là những không gian chuyên biệt để trưng bày tác phẩm điêu khắc, do vậy cách bố trí, bố cục về ánh sáng, tương tác với người xem không thực sự trọn vẹn".
Ứng dụng công nghệ
Tại triển lãm đang diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đến hết ngày 1-1-2019 này, có thể thấy nghệ thuật điêu khắc giờ đây tương đối tự nhiên, chất liệu đa dạng, hình thức thể hiện sinh động, sáng tạo, thậm chí rất thời thượng khi áp dụng những công nghệ mới về kỹ thuật…
Tham gia triển lãm lần này, tác giả Phạm Thái Bình mang đến ba tác phẩm: Heo thưởng thiện, Heo phạt ác và Lợn con cắp nách. Tác phẩm của anh gây chú ý khi những chú heo có thể di chuyển tự do trong môi trường chân không.
Phạm Thái Bình cho biết anh bắt đầu mày mò ứng dụng kỹ thuật này gần đây và bị thu hút mạnh, bởi khi có sự tham gia của công nghệ thì những tác phẩm điêu khắc không còn mang tính "tĩnh" nữa, mà phần nào đó tương tác trực tiếp với người xem.
Cái mới ở triển lãm còn là "con mắt xanh" của những tác giả trong việc tìm kiếm đề tài, mới ở nhân tố tham gia ngày càng được trẻ hóa. Năm nay, trong đội ngũ tác giả có cả những bạn trẻ 9X như Đỗ Hà Hoài. Hoài mang đến những ưu tư của một người trẻ trong xã hội công nghiệp bằng chùm tác phẩm Dị ứng vừa rợn người vừa khắc khoải…
Dần sống được với nghề
Trong buổi tọa đàm được tổ chức ngày 26-12, các tác giả tham gia có một buổi trò chuyện về quá trình thực hiện tác phẩm với đồng nghiệp và với công chúng quan tâm. Qua đây, đời sống của các tác giả, đời sống của các tác phẩm lần đầu được hé lộ!
Theo chia sẻ bên lề của một số tác giả điêu khắc, phần lớn mỗi người đều có nghề tay trái. Tuy nhiên, những năm gần đây họ dần sống được với nghề qua những đơn hàng có giá trị từ các khách sạn hay khu resort sang trọng…
"Ngành điêu khắc Việt Nam gọi là phát triển cũng đúng, mà gọi là không phát triển cũng đúng. Vì trong mấy chục năm vừa qua chỉ có hội họa là có thị trường, còn điêu khắc gần như không có. Các nhà điêu khắc đi làm những công trình ngoài trời, tượng đài của Nhà nước hay các công trình tư nhân.
Do đó, nếu không có những sáng tác khác đi thì ngành điêu khắc của chúng ta sẽ tụt hậu rất nhanh so với khu vực, chứ chưa nói gì đến thế giới.
Việc anh em nghệ sĩ ở hai đầu đất nước cùng nhau làm việc, đưa ra một tiêu chí mới hơn, tạo ra một môi trường điêu khắc đương đại hơn, thoát ly khỏi những ngôn ngữ truyền thống, chủ nghĩa đề tài trong điêu khắc là điều rất cần thiết" - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định.
Triển lãm năm nay thu hút đến 26 tác giả với hơn 50 tác phẩm - con số này so với năm tổ chức đầu tiên 2010 chỉ có 5 tác giả mang tác phẩm đến trưng bày tất nhiên là một sự phát triển lớn về số lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận