Du khách tham quan phố cổ Hội An - Ảnh: B.D.
Đó là ý kiến của các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư tại hội thảo góp ý đồ án quy hoạch chung TP Hội An tới năm 2034, hướng tới thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch tầm nhìn đến năm 2050. Sự kiện do UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An tổ chức vào ngày 10-12 tại TP Hội An.
Giới chuyên gia đề xuất cần mở rộng địa giới hành chính Hội An qua hướng Duy Xuyên, Thăng Bình để tạo động lực phát triển, hỗ trợ giảm tải cho phố cổ và cũng là để bảo tồn tốt hơn.
Di sản là lõi
Trình bày bản tóm tắt đồ án quy hoạch, kiến trúc sư Melanie Doremus - đại diện đơn vị tư vấn đến từ Pháp - cho biết Hội An là một đô thị cổ gắn với sông nước. Cấu trúc đô thị Hội An mang đặc trưng "vườn trong phố, phố trong vườn".
Theo dõi quãng thời gian 30 năm trở lại đây, các đơn vị nhận định rằng phố cổ đang được bảo tồn tốt. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, các khoảng không vốn ít ỏi và các đảo nổi nằm xen kẽ giữa sông nước có xu hướng bị xâm lấn để xây dựng công trình. Trong khi đó, khu vực biển cũng đang chứng kiến sự xâm thực và sạt lở nghiêm trọng.
Nằm trong vùng lõi, khu vực tập trung quần thể nhà cổ đang chứng kiến tình trạng ngập lụt ngày càng tồi tệ. Với tốc độ phát triển hiện nay, đơn vị tư vấn dự báo năm 2035 dân số Hội An sẽ cán mốc 120.000 dân và năm 2050 con số này sẽ chạm mốc 130.000. Sức ép theo đó mà ngày càng lớn hơn trong một đô thị chỉ vẻn vẹn 60.000 km2.
Từ các đánh giá này, đơn vị tư vấn cho rằng quy hoạch dài hạn của Hội An hướng tới thành phố sinh thái - du lịch, lấy yếu tố bảo tồn nguyên trạng để bám vào là hướng đi hợp lý giúp cân bằng các mục tiêu.
"Hội An cần chuyển qua hình thái du lịch thông minh, tiếp cận tính bền vững trên nền tảng văn hóa, sáng tạo. Cần đặc biệt chú ý việc bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái ven trung tâm phố cổ, đặc biệt là hệ thống sông nước, rừng ven bờ. Khi quy hoạch cần giải quyết mạng lưới giao thông "mềm" có thể tiếp cận toàn bộ Hội An một cách thuận lợi..." - kiến trúc sư Melanie Doremus nói.
Theo bà Melanie Doremus, cần chia Hội An làm bốn vùng với trung tâm là lõi di sản, vùng tiếp giáp sẽ là khu vực đệm xen kẽ dân cư để bảo vệ trung tâm hạt nhân. Kế đó là vùng sông nước, và cuối cùng là khu vực biển. Trên bộ khung này sẽ có cách điều chỉnh phù hợp.
Hội An cũng cần tính toán mở rộng không gian ra bên ngoài, tận dụng các trục đường gắn nối với Đà Nẵng, Điện Bàn, Tam Kỳ... để xây dựng các trung tâm dịch vụ, đầu tư hạ tầng đón khách, làm các công viên chủ đề. Ngoài ra, cần tận dụng cụm công nghiệp Thanh Hà ở ngoại thành để đầu tư cho không gian phát triển các sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, du lịch làng nghề, thủ công mỹ nghệ...
Hội An là sự khác biệt. Bất cứ quy hoạch nào ở đây cũng cần đặt vấn đề bảo tồn lên trên hết, nếu không thì mọi quy hoạch sẽ không còn có ý nghĩa.
Ông Trần Ngọc Chính (chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam)
Không thể tách rời Hội An với các đô thị tiệm cận
Góp ý cho đồ án quy hoạch của Hội An, các chuyên gia cho rằng đồ án chưa tính tới hai vấn đề quan trọng nhất của Hội An đó là việc phố cổ đang đối diện với hậu quả của biến đổi khí hậu và tính "không tách rời".
Ông Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng 10 năm qua Đà Nẵng và các đô thị lân cận phát triển nhanh, có xu hướng dịch sát phố cổ. Do đó, khi quy hoạch, cần đặt Hội An đi liền với Đà Nẵng, Tam Kỳ, Duy Xuyên. Sự phát triển Hội An cũng không thể tách rời quần thể Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Ngoài ra, ông Chính cũng cho rằng Hội An là thành phố của những dòng sông, để khai thác điều kiện tuyệt vời này cần có quy hoạch sông một cách chi tiết, cặn kẽ. Hệ thống di sản Hội An nằm ở nhiều con sông nên tình trạng ngập lụt mỗi năm thêm trầm trọng, do đó quy hoạch dài hạn cần gợi mở việc giúp cộng đồng và di sản ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho rằng tiêu chí kiến trúc tôn vinh "hồn cốt" Hội An phải được đặt lên hàng chiến lược. Hội An cần theo đuổi mục tiêu đô thị "rừng trong phố, phố trong rừng"; quản lý chặt hoạt động xây dựng, hạn chế tối đa việc xâm lấn mảng xanh. Khi quy hoạch cần tránh "tư duy lấp đầy", "lấy hết phần của thế hệ con cháu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận