21/11/2012 03:15 GMT+7

Điều cần biết khi thay van tim cơ học

BS NGUYỄN TẤT BÌNH lược ghi
BS NGUYỄN TẤT BÌNH lược ghi

TT - Năm nay tôi 62 tuổi, tôi đã phẫu thuật thay van cơ học (hẹp hở van hai lá) ở Viện Tim năm 1995. Khoảng một năm gần đây vết sẹo lồi hay bị sưng, làm mủ. Vết thương hay tái lại sau 3-4 tháng. Có phải là một trong những biểu hiện cần thay van mới? Nếu sau 20-30 năm không thay van mới liệu có nguy hiểm? Xin hướng dẫn chế độ ăn uống hợp lý. (H.V.)

- Trả lời của ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, trưởng khoa trại ngoại Viện Tim TP.HCM:

Theo bác mô tả, tôi nghĩ nhiều đến hai khả năng: Thứ nhất là khả năng vết sẹo lồi quá lớn nên phần mô xơ ở chính giữa sẹo không được nuôi dưỡng dẫn đến thoái hóa, gây viêm nhiễm. Khả năng thứ hai là do cơ địa của bác bị dị ứng với thành phần nickel có trong chỉ thép dẫn đến phản ứng dị ứng kim loại. Trong cả hai trường hợp, bác nên tái khám tại Viện Tim TP.HCM để bác sĩ xác định lại chính xác nguyên nhân. Nếu do thoái dưỡng sẹo lồi thì có thể cắt bỏ phần sẹo này, nhưng khả năng tái phát rất cao. Nếu do nguyên nhân chỉ thép thì rút bỏ chỉ thép sẽ chấm dứt được tình trạng này.

Một ưu điểm của van cơ học bằng kim loại là tuổi thọ cao. Tuy nhiên bác cần dùng thuốc kháng đông suốt đời. Nếu tiếp tục duy trì việc chăm sóc và bảo vệ van tốt như 17 năm qua bằng cách: uống thuốc kháng đông thường xuyên và đủ liều (duy trì INR từ 2.5-3), tái khám thường xuyên và đặc biệt cơ địa không bị các phản ứng tăng sinh mô hạn chế hoạt động của van... thì sau 20-30 năm không có nguy hiểm gì.

Về chế độ ăn uống, bên cạnh việc tránh dùng những thức ăn có khả năng gây dị ứng và sẹo lồi (thịt gà, hải sản...) thì chủ yếu là tránh ảnh hưởng đến thuốc kháng đông. Một chế độ ăn uống điều độ, không uống rượu và hạn chế những thức ăn giàu vitamin K (đặc biệt là các loại rau lá xanh thẫm như cải xoăn, rau bina, mù tạc xanh, ngò tây, rau diếp...) có thể giúp thuốc kháng đông phát huy tốt tác dụng. Ngoài ra, khi cần uống thêm một loại thuốc nào khác (thuốc giảm đau, kháng viêm), bác cần có ý kiến của bác sĩ để tránh tình trạng tương tác thuốc.

BS NGUYỄN TẤT BÌNH lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: van tim cơ học van tim