Tổng công ty Điện lực miền Nam ký kết hợp tác với Tập đoàn FPT về chuyển đổi số
Đầu năm 2021, anh Nguyễn Văn Quyền, chủ cơ sở sản xuất bánh ngọt tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước có nhu cầu thay đổi công suất sử dụng điện, nâng cấp từ điện 1 pha lên điện 3 pha để vận hành thiết bị sản xuất. Thay vì đến Công ty điện lực, anh Quyền truy cập App chăm sóc khách hàng (CSKH) của Tổng công ty điện lực miền Nam và thực hiện thao tác trực tuyến. Chỉ trong một thời gian ngắn anh Quyền đã hoàn thành đăng ký chuyển đổi nâng điện từ 1 pha lên 3 pha.
Những tín hiệu lạc quan
"Chuyển đổi số là chương trình trọng tâm và quan trọng nhất của Điện lực miền Nam giai đoạn hiện nay, là động lực mạnh mẽ giúp EVNSPC tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tốc độ tăng trưởng và gia tăng uy tín đối với khách hàng"
Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc EVNSPC
Qua tháng đầu mùa khô năm nay, sau khi nhận hóa đơn tiền điện, chị Lưu Cẩm Phùng tại TP Cần Thơ thắc mắc chỉ số tháng này tăng đột biến hơn tháng trước, liền tải ngay App CSKH EVNSPC về điện thoại. Với hỗ trợ của App, chị Phùng dễ dàng kiểm tra chỉ số điện hàng ngày của gia đình, so với tháng liền kề và cùng kỳ năm trước, phát hiện ra "thủ phạm" là chiếc máy lạnh bị bỏ quên, chưa được vệ sinh gần 1 năm dẫn đến hậu quả tiêu hao điện năng quá nhiều.
Những tình huống xảy ra thường nhật về dịch vụ điện ngày nay đã được xử lý dễ dàng, nhanh chóng cho thấy rõ tiện ích số mang đến bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác dịch vụ khách hàng của EVN SPC. Với mục tiêu đẩy mạnh cung cấp dịch vụ điện qua kênh trực tuyến, thực hiện chuyển đổi số từ nay cho đến các năm tiếp theo, Tổng công ty đã có những bước khởi động tích cực trong hành trình số hóa công tác kinh doanh điện năng và chăm sóc khách hàng.
Trên thực tế, vài năm trở lại đây, Ngành điện miền Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp, ứng dụng công nghệ hỗ trợ thông tin cho khách hàng nhằm thực hiện nỗ lực số hóa dịch vụ điện. Sự thay đổi lớn của EVN SPC là đi từ cung cấp điện đơn thuần sang nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ điện và chăm sóc khách hàng.
Nỗ lực chuyển đổi số của EVNSPC là xu thế tất yếu trong bối cảnh hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Qua đó, công tác dịch vụ của Tổng công ty chuyển hướng chú trọng tăng tính tương tác tới khách hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp vốn là đối tượng khách hàng có sự chủ động rất cao sẽ không còn nỗi lo mất thời gian, công sức cho các yêu cầu dịch vụ điện.
Giai đoạn 2021-2022 là cột mốc xây chắc "nền móng" chuyển đổi số
Ngày 25-5-2021, Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tập đoàn FPT đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về lĩnh vực chuyển đổi số trong hệ thống Quản trị, Kinh doanh điện năng và Quản lý vận hành, hiện thực hóa mục tiêu EVNSPC sẽ trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.
Điện lực miền Nam sẽ cùng FPT tiến hành số hóa và chuyển đổi số các quy trình quản lý vận hành kinh doanh phân phối điện năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và kinh doanh phân phối điện, giảm thiểu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty.
Tập đoàn FPT đề xuất những trọng tâm chuyển đổi số có thể thực hiện ngay tại EVNSPC, bám sát vào 5 mục tiêu giai đoạn 2021-2022 hướng đến năm 2025, bao gồm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để đổi mới, cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện; Thiết kế trải nghiệm nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng tương tác trên các kênh kỹ thuật số, tăng cường phân tích để thấu hiểu khách hàng; Cải tiến quy trình, tối ưu hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp, tăng cường quản trị và ra quyết định dựa trên dữ liệu; Xây dựng một hệ sinh thái số mạnh mẽ, linh hoạt, tăng cường tối đa các dịch vụ, dữ liệu dùng chung, tăng cường an ninh bảo mật…
Hoàn thành 5 mục tiêu đề ra sẽ giúp EVNSPC xây chắc "nền móng", trở thành một đơn vị vững mạnh trong EVN về chuyển đổi số và vận hành trên nền tảng số, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực phục vụ và năng suất lao động. Riêng lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, EVN đã giao cho Điện lực miền Nam 5 nhiệm vụ về chuyển đổi số. Tổng công ty đã cụ thể hóa những nhiệm vụ này thành 14 đầu việc đã và đang triển khai thực hiện, tỷ lệ hoàn thành đến tháng 8-2021 đạt trên 60% hạng mục được giao.
Ông Nguyễn Phước Đức – Tổng giám đốc EVNSPC – xác định: chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức. Điện lực miền Nam xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo Tổng công ty, cán bộ, công nhân viên và người lao động trong EVN SPC. Nội dung bao gồm: Xác định rõ tầm nhìn và giá trị mang lại từ quá trình chuyển đổi số; Nắm bắt và củng cố các yếu tố bên trong cần thiết cho việc chuyển đổi số; Xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số từ bộ phận đến toàn diện; Đánh giá lợi ích và duy trì trạng thái chuyển đổi số dài hạn.
Tổng số khóa đào tạo trong năm 2021 dự kiến: 14 khóa; tổng số lãnh đạo và cán bộ, nhân viên tham dự: trên 600 cán bộ nhân viên.
Khách hàng thuận lợi thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi
Trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận đến Cà Mau (ngoại trừ TP.HCM), EVNSPC đã cung cấp 100% dịch vụ điện bằng phương thức điện tử - trực tuyến thông qua các kênh:
- Tổng đài chăm sóc khách hàng (CSKH): 19001006 - 19009000;
- Website CSKH: http://cskh.evnspc.vn; Email CSKH: cskh@evnspc.vn;
- Ứng dụng CSKH trên thiết bị di động qua App Store (EVNSPC CSKH);
- Ứng dụng Zalo Official CSKH: TCT Điện lực miền Nam EVNSPC; Cổng dịch vụ công Quốc gia: https://dichvucong.gov.vn.
EVNSPC và các đơn vị điện lực phía Nam hợp tác với 26 ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán trong công tác thu tiền điện, giúp khách hàng thuận lợi thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến trụ sở giao dịch tại các điện lực.
Khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại nhà chỉ với một chiếc smartphone hay một thiết bị di động thông minh khác qua:
- App CSKH EVNSPC; các App thanh toán điện tử (Momo, Zalopay, Payoo, AirPay, ViettelPay, VNPay…);
- Web CSKH: http://cskh.evnspc.vn;
- Trang web của các ngân hàng;
- Hoặc đăng ký dịch vụ thanh toán tiền điện tự động tại các ngân hàng liên kết với các Công ty Điện lực thuộc EVNSPC.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận