Hai môn trọng điểm của SEA Games 31, điền kinh và bơi lội, sẽ bắt đầu thi đấu vào hôm nay (14-5) tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Niềm hy vọng vàng Nguyễn Thị Oanh
Nguyễn Thị Oanh - niềm "hy vọng vàng" của điền kinh VN - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Tại SEA Games 30, điền kinh VN đã đứng đầu Đông Nam Á với 16 HCV. Tại SEA Games 31, mục tiêu của điền kinh VN là giành 15 - 17 HCV và đứng vững vị trí số 1.
Trong các nội dung thi đấu đầu tiên của điền kinh, lúc 10h05 VĐV Nguyễn Thị Oanh sẽ tranh tài ở nội dung chạy 1.500m nữ. Tại SEA Games 30, Oanh đoạt 3 HCV cá nhân ở các nội dung khó là 1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật.
17h40 chiều, Nguyễn Thị Oanh tiếp tục bước vào tranh tài ở cự ly 5.000m. Cùng thi đấu với Oanh ở cự ly này còn có VĐV Phạm Thị Hồng Lệ. Với phong độ rất tốt, Nguyễn Thị Oanh hy vọng sẽ lập cú đúp HCV cá nhân trong ngày đầu tiên của môn điền kinh.
Cũng trong chiều 14-5, một nội dung hấp dẫn khác sẽ diễn ra là chung kết 4x400m hỗn hợp nam nữ. Tại SEA Games 30, điền kinh VN đã giành HCV nội dung này với màn bứt tốc cực kỳ ấn tượng của các VĐV. Theo danh sách đăng ký, có 3 quốc gia tham dự nội dung này là VN, Thái Lan, Philippines. Đội tuyển 4x400m tiếp sức hỗn hợp VN hiện đăng ký sơ bộ 6 thành viên (2 dự bị) là: Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Quách Thị Lan (nữ), Lê Ngọc Phúc, Trần Đình Sơn, Trần Nhật Hoàng (nam). Sân Mỹ Đình hứa hẹn sẽ bùng nổ trong màn chạy nước rút của cự ly tiếp sức.
Hai VĐV Trần Văn Đảng, Lương Đức Phước sẽ tham dự chung kết nội dung 1.500m nam vào lúc 17h20. Được kỳ vọng có thể thế chỗ các đàn anh Dương Văn Thái và Nguyễn Đình Cương, tại SEA Games 31, Trần Văn Đảng có thể giành 1 HCV trong hai cự ly 1.500m, 800m mà anh đăng ký.
Chờ Huy Hoàng chứng tỏ đẳng cấp
Huy Hoàng - niềm "hy vọng vàng" của bơi lội VN - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Theo lịch dự kiến, Huy Hoàng sẽ thi đấu nội dung đầu tiên của đại hội là 1.500m nam vào lúc 18h. Theo thống kê của Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA), tính từ năm 2019 đến nay, thành tích phá kỷ lục SEA Games 30 của Hoàng (14 phút 58,14 giây) vẫn đang xếp thứ 2 ở châu Á và chỉ sau huyền thoại từng giữ kỷ lục thế giới người Trung Quốc - Sun Yang.
Còn nếu tính thành tích thi đấu từ 2021 đến nay, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, thành tích 15 phút 0,24 giây của Hoàng tại Olympic Tokyo cũng xếp thứ 2 ở châu Á, sau VĐV người Nhật Shogo Takeda. Người xếp sau Hoàng ở Đông Nam Á chính là HCB SEA Games 30 Aflah Fadlan Prawira. Tuy nhiên, thành tích của tay bơi Indonesia tại Olympic Tokyo kém Hoàng đến gần 30 giây.
Ngoài Huy Hoàng, hôm nay người hâm mộ Việt Nam còn đặt kỳ vọng ở kình ngư Lê Nguyễn Paul ở nội dung 100m ngửa nam. Paul là đương kim á quân nội dung này và đang có phong độ rất tốt khi vừa phá 5 kỷ lục quốc gia (hồ 25m) hồi tháng 3-2022. Với tinh thần thoải mái, tay bơi Việt kiều Mỹ tự tin hướng đến chiếc HCV đầu tiên ở đấu trường SEA Games.
Thi đấu nội dung 100m ếch, Phạm Thanh Bảo cũng là niềm hy vọng huy chương.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của "tiểu tiên cá" Nguyễn Thị Ánh Viên khiến VN thất thế trong cuộc cạnh tranh huy chương ở các nội dung của nữ như 200m hỗn hợp cá nhân, 100m tự do...
Truyền thông nước ngoài đánh giá cao Việt Nam
Trước ngày ra quân của điền kinh và bơi lội, truyền thông nước ngoài đánh giá chủ nhà VN là ứng viên hàng đầu ở hai môn thể thao chủ lực này.
Ông Lim Tuek Huan - phóng viên báo The Star của Malaysia - nói: "Việt Nam rất mạnh ở hai môn này với một đội ngũ đồng đều, có thể giành HCV ở nhiều nội dung. Một số VĐV của VN còn đạt đến trình độ châu lục".
Hermansyah - một phóng viên người Indonesia - cho biết anh rất ngạc nhiên khi Ánh Viên không còn thi đấu. "Dù vậy, tôi nghĩ Việt Nam vẫn có thể giành nhiều HCV ở môn bơi lội. Riêng môn điền kinh sẽ rất hấp dẫn khi nhiều quốc gia có VĐV mạnh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận