Phóng to |
Nhà máy điện Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM đang vận hành phát điện - h: N.C.T |
Điện Hiệp Phước cho biết nếu không tăng giá điện nhiều khả năng phải ngừng hoạt động từ ngày 1-4-2011.
Nhà máy điện Hiệp Phước có công suất 375MW. Khoảng 50% lượng điện trên được bán cho EVN với giá khoảng 17 cent/kWh, lượng điện còn lại cung cấp cho Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu chế xuất Tân Thuận (khoảng 140 doanh nghiệp đang hoạt động) và khu đô thị Nam Sài Gòn với giá bình quân khoảng 5 cent/kWh. |
Trình bày tại cuộc họp, đại diện Điện Hiệp Phước cho biết thời gian qua giá dầu thế giới liên tục biến động theo chiều hướng tăng, nguồn khí gas do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cung cấp đã ngưng nhiều tháng... nên giá thành sản xuất điện tăng khoảng 15 cent/kWh.
Trong khi đó, giá thành bình quân mà Điện Hiệp Phước bán lại cho Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu chế xuất Tân Thuận và khu đô thị Nam Sài Gòn khoảng 5 cent/kWh (theo giá quy định của Chính phủ). Vì vậy, từ năm 2005-2010 Điện lực Hiệp Phước bị lỗ khoảng 120 triệu USD.
Điện Hiệp Phước cho biết đã “cầu cứu” Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để được cung cấp khí gas chạy máy phát điện, giảm bù lỗ. Tuy nhiên Tập đoàn Dầu khí VN cho biết hiện nhu cầu sử dụng khí gas trên toàn quốc khoảng 23,1 triệu m3/ngày trong khi khả năng cung ứng chỉ 20 triệu m3/ngày nên không thể cung cấp khí gas cho Điện Hiệp Phước được.
Do đó, việc cấp khí gas cho Điện Hiệp Phước chỉ còn nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên giá thành khí gas nhập khẩu cao gấp ba so với giá trong nước và nhanh nhất phải đến năm 2014 mới nhập khẩu được.
Trước tình hình trên, Điện Hiệp Phước đề xuất tăng giá điện lên 200% so với giá hiện tại. Trước đó, Điện Hiệp Phước đã có văn bản gửi các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Hiệp Phước, đồng thời gặp nhiều cơ quan chức năng đề nghị được tăng giá điện nhưng đa số doanh nhiệp phản ứng với mức giá mới này.
Theo Công ty cổ phần Phân bón miền Nam, “việc tăng giá điện như đề xuất của Điện Hiệp Phước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá thành sản xuất phân bón của công ty. Mặt khác, giá bán điện cho sản xuất phải thống nhất một giá trên toàn quốc, bất luận điện được cấp từ nguồn nào, đơn vị nào”.
Công ty TNHH giấy Xuân Mai tính toán: “Nếu áp dụng theo giá đề xuất của Công ty Điện Hiệp Phước công ty phải chi thêm trên 600 triệu đồng/tháng. Nếu vậy, công ty không thể tồn tại và phát triển được”.
Tuy nhiên đại diện Điện Hiệp Phước cho biết nếu không thu được phí phụ thu như đề nghị sẽ không còn khả năng mua dầu để phát điện và nhiều khả năng phải ngưng cung cấp điện từ ngày 1-4-2011 vì không được Nhà nước bù lỗ như các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN).
Không còn cách nào ngoài tăng giá
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Vũ Quang, phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết theo dự báo trong bốn tháng mùa khô sắp tới toàn hệ thống thiếu 1,6-1,7 tỉ kWh. Do đó nếu Điện Hiệp Phước ngưng hoạt động chẳng những EVN không có nguồn bổ sung mà còn làm tình hình thiếu điện thêm nghiêm trọng.
Cũng theo ông Quang, việc quyết định giá điện trên toàn quốc sẽ do Chính phủ quyết. Tuy nhiên trường hợp của Điện lực Hiệp Phước cung cấp điện cho khu vực trước đây Nhà nước chưa đầu tư nên sẽ có cơ chế đặc thù.
Theo cơ chế này, Điện Hiệp Phước xây dựng phương án giá bán điện năm 2011 gửi Bộ Công thương thẩm định, sau đó UBND TP sẽ phê duyệt giá.
Ông Nguyễn Trung Tín, phó chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ với những khó khăn mà Điện Hiệp Phước gặp phải, nhưng cho rằng nếu phương án giá điện tăng cao hơn mức giá quy định của Chính phủ thì rất khó để quyết.
“UBND TP sẽ sớm có văn bản kiến nghị đến các bộ và Chính phủ về vấn đề này” - ông Tín nói và đề nghị trước mắt Điện Hiệp Phước cứ đảm bảo cung cấp điện theo giá quy định, các đơn vị triển khai nghiêm túc việc tiết kiệm điện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét lại khả năng cung cấp khí gas cho Điện Hiệp Phước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận