03/03/2017 08:58 GMT+7

Diễn đàn văn hóa giao thông: Cực chẳng đã mới phạm luật?

LÊ VĂN TIẾN  (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
LÊ VĂN TIẾN (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

TTO - Trong các ý kiến tham gia diễn đàn “Xây dựng văn hóa giao thông” đã có sự trái chiều khi có người cho rằng hạ tầng giao thông kém khiến nhiều người đi đường buộc phải phạm luật, nhưng cũng có người cho đó là ngụy biện.

Giao thông hỗn loạn tại ngã tư đường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Giao thông hỗn loạn tại ngã tư đường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Tôi năm nay tuổi đã ngoài 60, trước đây từng công tác trong lực lượng cảnh sát giao thông, sau đó chuyển ngành và hiện giờ công việc hằng ngày vẫn gắn với chiếc xe ôtô. Tôi thấy rằng để dẫn đến tình trạng giao thông lộn xộn ở TP.HCM như hiện nay có phần lỗi của người tham gia giao thông, người quản lý giao thông và người hướng dẫn - kiểm soát giao thông.

Đầu tiên là phải nói về câu chuyện ý thức của người tham gia giao thông. Người lái xe đi không đúng làn đường, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, lái xe trong tình trạng say rượu... họ có biết như thế là vi phạm luật giao thông hay không? Chắc chắn là họ biết. Nhưng sao họ vẫn vi phạm?

Câu trả lời chính là ý thức chấp hành pháp luật, sự coi thường mạng sống của chính mình và những người xung quanh. Cũng có người sẽ phân bua rằng do cần đi gấp nên phải phóng nhanh, do đường chật nên không thể xếp hàng chờ đến lượt...

Đó là ngụy biện và thể hiện sự ích kỷ, là ra đường chỉ biết có bản thân mình mà bất chấp lợi ích, an toàn của người khác.

Đã nhắc lỗi của người dân thì không thể không trách những người thực thi công vụ ở ngành quản lý giao thông và cảnh sát giao thông. Lấy ví dụ tuyến đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gần nhà tôi là thấy rõ ngành giao thông chưa làm hết trách nhiệm của mình, góp phần làm cho tình hình giao thông thêm rối rắm.

Đường Điện Biên Phủ hướng từ cầu Sài Gòn vào đến cầu Điện Biên Phủ có nhiều làn đường dành riêng cho ôtô, bên trong dải phân cách là hai làn đường hỗn hợp cho xe máy và ôtô. Gần đây lượng xe máy quá đông nên ngành giao thông “nhín” một làn đường vốn dành cho ôtô (nằm ngoài dải phân cách cứng) để cho xe máy đi vào. Làn đường này chỉ được phân định bằng cọc tiêu cao su nên xe máy có thể chạy lấn ra làn đường ôtô bất cứ lúc nào.

Chưa kể, tại ngã tư Hàng Xanh dù đã có cầu vượt nhưng phân luồng giao thông, tín hiệu đèn không hợp lý nên các dòng xe đi thẳng và quẹo trái luôn xung đột với nhau, dẫn đến ách tắc. Mà một khi ách tắc thì mạnh ai nấy chen lấn, làm cho hình ảnh giao thông thêm xấu xí.

Riêng lực lượng cảnh sát giao thông, tôi thấy nhiều nơi thường xuyên ùn tắc, kẹt xe nhưng cảnh sát giao thông chỉ xuất hiện giải quyết hậu quả khi xe cộ đã chen chúc vào nhau. Nếu cảnh sát giao thông có mặt từ trước giờ cao điểm, người đi đường nhìn thấy sẽ không dám đi ngang về tắt, giành đường vượt ẩu mà sẽ đi có trật tự, tránh được nguy cơ kẹt xe.

Về xử phạt, với tình trạng như hiện nay, theo tôi, cảnh sát giao thông nên tập trung phạt nghiêm các lỗi đi ngược chiều, đi không đúng làn đường và vượt ẩu, vì đây là các lỗi dễ gây tai nạn, ùn tắc nhất.

Mặt khác, hai lực lượng quản lý giao thông và cảnh sát giao thông cũng cần có sự phối hợp với nhau để làm hết trách nhiệm vì sự an toàn của người dân. Trong lúc tuần tra, kiểm soát giao thông nếu phát hiện việc phân luồng, biển báo, tín hiệu đèn không phù hợp thì phải chủ động yêu cầu ngành quản lý giao thông kiểm tra, thiết lập lại.

Đã có rất nhiều trường hợp phân luồng không hợp lý dẫn đến dòng xe xung đột nhau tạo cớ cho người tham gia giao thông đi ngang về tắt.

Cực chẳng đã mới phạm luật

Một người bạn tôi là cư dân nhập cư của TP.HCM, khi nghe tôi hỏi có bao giờ vi phạm luật giao thông đã thú nhận rằng cũng có vài lần. Bạn cho biết đó là những lần có việc gấp, đến ngã tư có biển báo đèn đỏ được rẽ phải, nhưng do những người dừng chờ đèn đỏ phía trước bít hết lối không thể quẹo nên bạn đành cho xe lên vỉa hè để quẹo...

Tôi sống ở Bình Dương, một tháng cũng năm bảy bận có việc đến TP.HCM. Là một người luôn tôn trọng và chấp hành đúng luật lệ giao thông tại địa phương nhưng khi vào nội ô TP.HCM, thú thật tôi cũng phải vi phạm luật giao thông hết vài lần.

Có lần dừng đèn đỏ tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai để rẽ trái, tôi đã hoảng hồn khi đèn vừa chuyển màu xanh thì dòng xe ôtô cứ nối đuôi nhau ùn ùn đẩy tôi phải... chạy thẳng chứ không xe nào chịu nhín nhường, dù tôi vừa bật xinhan vừa đưa tay xin đường.

Tôi buộc phải chạy thẳng một nước rồi tìm đường quẹo lại. Rút kinh nghiệm những lần sau, khi cần rẽ trái ở các ngã tư, từ xa tôi buộc phải chạy lấn vào làn dành riêng cho ôtô giống như bao người khác, rồi dừng xe lẫn giữa nhiều dòng ôtô để chờ đèn tín hiệu.

Phải nhìn nhận là hạ tầng giao thông nội ô tại TP.HCM chưa được tốt lắm. Một số tuyến đường còn quá hẹp, trong khi số lượng người sử dụng xe gắn máy di chuyển lại quá nhiều, nhiều khi phải chờ đến hai, ba lượt đèn đỏ mới qua được giao lộ.

Do vậy, bên cạnh một bộ phận người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông, phải nhìn nhận thực tế rằng có những người cực chẳng đã mới phải vi phạm vì một số lý do khách quan như điều kiện công việc, hoàn cảnh.

Cho nên tôi nghĩ, bên cạnh việc áp dụng nhiều biện pháp xử phạt, nâng mức phạt thì Nhà nước cũng cần đầu tư thêm về hạ tầng giao thông như chỉnh trang đô thị, mở rộng đường sá, phát triển phương tiện công cộng để khuyến khích người dân hạn chế dùng xe cá nhân. Một khi nhu cầu đi lại của người dân được thuận lợi thì ý thức chấp hành luật của họ sẽ được tốt hơn.

Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương)

LÊ VĂN TIẾN (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên