21/03/2008 14:19 GMT+7

Điện ảnh của ta ơi, hãy xem phim Iran!

Theo HỒ ANH THÁI  - Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo
Theo HỒ ANH THÁI  - Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo

Trong Tuần Văn hóa Phật giáo tại Huế, bộ phim được Ban Tổ chức chọn chiếu và thảo luận là Hương vị anh đào (Taste of cherry), một bộ phim của Iran làm thế giới điện ảnh Tây phương khâm phục. Điều gì làm nên sự thành công đó trong một đất nước mà sự kiểm duyệt có thể nói là hà khắc và kinh phí đầu tư không phải là lớn?

h21eIbZJ.jpgPhóng to
Nữ đạo diễn trẻ của điện ảnh Iran Samira Makhmalbaf

VHPG xin giới thiệu bài viết của Nhà văn Hồ Anh Thái, để từ đó có những liên tưởng với nền điện ảnh ở nước ta.

Một lớp tu nghiệp gồm toàn bộ các nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh Việt Nam. Thuyết giảng là một đạo diễn bậc thầy người nước ngoài. Vừa bước vào lớp, ông bậc thầy đặt câu hỏi đột ngột: Ai trong số các bạn đã xem phim Iran? Có chục cánh tay giơ lên: Tôi, tôi, tôi... Hầu hết trong số đó là đạo diễn tồn kho, chưa có cơ hội được giao cho kịch bản mà làm phim. Người có phim để làm thì bận làm phim, thời giờ đâu mà xem.

Ông bậc thầy lại hỏi mươi người đã xem ấy thì phần lớn đều bảo đã xem Hương vị anh đào của Kiarostami, chẳng qua do Hội Điện ảnh tổ chức thì mới tiện mà đi xem. Bảy người trong số đó bỏ về (thật thà nhận) trước khi phim kết thúc. Phim gì mà không giống với mẫu mực thầy bà giáo trình điện ảnh chúng tôi đã dạy: phim là ngôn ngữ của hình ảnh, sao cho chỉ hình ảnh đã đủ sức diễn đạt tất cả, sao cho người nước ngoài không biết ngoại ngữ, chỉ cần xem hình mà tiếp thụ hết được. Đằng này Hương vị anh đào chỉ có một hình ảnh: một chiếc ô tô hết vòng vèo lên đèo lại ngoằn ngoèo xuống dốc. Lặp đi lặp lại. Đấy là một cái lỗi tối kỵ của điện ảnh. Mỗi lần lại chỉ có hai nhân vật ngồi trên xe, chỉ có đối thoại. Một điều tối kỵ nữa. Chỉ có nhân vật nói mà thiếu ngôn ngữ hình ảnh. Mỗi cảnh lại kéo dài quá hai phút (khoảng thời gian được tính là khán giả bắt đầu sốt ruột, bắt đầu đứng lên mua nước mua bim bim...).

Ông bậc thầy lại hỏi bạn có băn khoăn vì sao phim này đoạt giải cao nhất ở liên hoan phim số một - Cành Cọ Vàng ở Cannes? Chắc có chuyện mua phiếu hoặc mafia lũng đoạn gì đó, hoặc là Cannes lập dị muốn phá bỏ mọi quy tắc cổ điển, hoặc là... Mà việc gì chúng tôi phải băn khoăn, chúng tôi làm phim chứ không cần biết gu của Cannes để mà chiều nó, lấy lòng nó. (Khẩu khí).

Chỉ có ba người còn lại nói rằng đã xem một số phim Iran khác như Bảng đen, Quả táo, Sự yên lặng.

**************

Thử điểm qua những phim ít ỏi họ đã xem ấy.

Đạo diễn Samira Makhmalbaf có cha là Mohsen Makhmalbaf, cũng là một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng thế giới. Mẹ cô và người em trai cũng là những đạo diễn được các liên hoan phim quốc tế chú ý. Mohsen có một bộ phim như bài thơ, phim Sự yên lặng, thực sự là một kiệt tác điện ảnh: một chú bé mù nhà nghèo không có đồng hồ báo thức, sáng sáng phải thức dậy nhờ tiếng vù vù của con ong nhốt trong cái lọ thủy tinh.

Trên đường mò mẫm ra bến xe buýt đi làm, chú chỉ mua bánh, mua anh đào của người nào có giọng nói hay. Lên xe buýt chú hay mê mẩn vì người có giọng đẹp, người đó xuống bến nào thì chú xuống bến ấy. Nhiều lần đi lạc nên chú phải dùng bông bịt tai lại. Chủ nhà dọa đuổi vì chậm tiền nhà. Xưởng nhạc cụ nơi chú làm việc cũng dọa đuổi việc vì hàng ế. Nhưng chú bé vẫn mơ mộng đi lạc giữa thế giới âm thanh trong trẻo với cuộc sống đời thường nghiệt ngã.

Xin lưu ý: tên phim là Sự yên lặng. Đạo diễn, đồng thời là tác giả kịch bản, đã đi đến tận cùng của sự yên lặng là... âm thanh. Mà ai có thể định giá âm thanh hơn là một chú bé mù? Tư duy độc đáo đã dẫn đến cách thể hiện bằng hình cũng rất độc đáo và sâu sắc. Muốn thực sự thưởng thức sự độc đáo này? Bạn chỉ có mỗi một cách là xem bằng chính mắt mình.

Quả táo là phim đầu tiên của Samira Makhmalbaf, làm năm cô 18 tuổi và đoạt ngay giải Camera Vàng ở Cannes năm 1998. Hai năm sau, cô đoạt Giải thưởng Ban Giám khảo (tính theo thứ tự thì đây là giải ba, sau Cành Cọ Vàng và Giải thưởng Lớn của BGK), cũng ở Cannes, với phim Bảng đen. Sau đó, ở Cannes 2003, cô gái 23 tuổi một lần nữa lại bước lên thảm đỏ nhận giải ba nhờ phim Lúc năm giờ chiều. Tên cô đã in nét đậm trong từ điển điện ảnh thế giới.

Quả táo là chuyện hai cô bé sinh đôi 12 tuổi bị cha nhốt trong nhà từ bé, vì ông bố phải đi kiếm sống mà mẹ các cô lại bị mù, không trông con được. Hàng xóm viết thư kiến nghị và tổ chức từ thiện đến kiểm tra, đòi bắt hai cô bé đưa vào trường nội trú. Bà từ thiện này thật sắt đá. Bà thả cho hai cô bé gần như ngớ ngẩn vì bị nhốt quá lâu ra ngoài đường, tha hồ mà đi chơi. Bà lừa nhốt ông bố và bà mẹ sau tấm cửa sắt, rồi sang hàng xóm mượn cho một cái cưa: Đây, cưa đây, ông đã nhốt người thì bây giờ ông bị nhốt, ông tự cưa lấy song sắt mà giải phóng cho mình.

Hai cô bé kia ra đường thì chẳng biết chơi gì, chẳng biết đi đâu, xử sự không ra người của xã hội văn minh có luật: bốc kem của thằng bé bán rong mà không có tiền trả, lang thang như trẻ vô gia cư... Phim thực hiện theo kiểu docu-fiction, loại phim truyện nửa tài liệu. Lại là một câu chuyện thật, các nhân vật có thật đóng chính vai của mình, từ hai cô bé cho đến ông bố, bà mẹ, bà từ thiện.

Điện ảnh của ta ơi, hãy xem đi rồi phân tích bằng cặp mắt chuyên môn xem cô gái 18 tuổi chỉ đạo diễn viên không chuyên sao giỏi thế. Dám chắc nhiều đạo diễn ta sẽ xì một tiếng mà bảo không giỏi đâu, ai mà chả làm được như vậy. Thế mới biết những kiệt tác thường gây ra hai cảm tưởng trái ngược: hoặc là tuyệt vọng vì mình không bao giờ làm được như thế, hoặc tưởng bở rằng ai cũng có thể làm được, dễ như ăn bánh.

Cái đáng nói ở phim Quả táo là ngôn ngữ hình và những trò vè tưởng như "trẻ con" mà đạo diễn đã nghĩ ra. Không giống ai, độc đáo và đúng là chỉ có thể tồn tại bằng hình, không thể chuyển thể sang tiểu thuyết, sang hội họa hay âm nhạc. Bạn cũng phải xem bằng mắt mình, chứ không phải đọc qua mắt người đang viết những dòng này được.

Bảng đen là chuyện của mấy giáo viên một vùng biên giới. Mỗi thầy giáo đeo một tấm bảng đen trên lưng, sục sạo vào làng bản để mời mọc người ta học. Họ gặp một toán trẻ con làm cửu vạn đang cõng hàng lậu qua biên giới, gạ chúng học. Gặp một đoàn người già ở bên kia biên giới sang lánh nạn, nay đang trên đường hồi hương, lại gạ học. Họ khát dạy như ở đâu đó có người khát học. Tiếc là họ không gặp được.

rsXBjmlM.jpgPhóng to
Một cảnh trong phim Bảng đen

Lũ trẻ bảo chúng cháu là thân lừa, lừa phải di chuyển, không có ai vừa di chuyển lại vừa học bài được đâu. Chi tiết như thế này đầy ăm ắp trong phim: trên đường biên giới, lũ trẻ nhìn thấy có cảnh sát đứng chặn đường. Vừa lúc có một đàn cừu bị lùa qua. Thế là chúng cõng hàng trên lưng, bò bằng bốn chân, tự hạ mình xuống như một bầy súc vật, lẫn lộn giữa đàn cừu để qua mắt cảnh sát.

Các ông già thì bảo chúng tôi già rồi, học làm gì nữa, bây giờ chỉ còn hồi hương về chết nơi quê cha đất tổ. Cái bảng đeo trên lưng người giáo viên không biết dùng vào việc gì. Một ông già bị bí tiểu, không đi được, bảng đen được đưa ra làm cáng cho ông già, cho đến khi tiếng pháo ở vùng biên giới làm ông giật mình, vãi cả ra. Anh giáo khát dạy quá, chấp nhận lấy cô con gái góa chồng của ông để được đi theo đoàn người mà dạy học. Cái bảng thành của hồi môn khi thề trước Đức Allah. Chưa kịp dạy được gì thì đoàn người đã đến biên giới. Người đàn bà phải theo cha và con nhỏ về bên kia. Anh giáo phải ở lại bên này. Họ phải ly dị trước Đức Allah. Rồi người đàn bà đeo trên lưng tấm bảng làm hồi môn đi về bên kia biên giới. Trên bảng có dòng chữ "Anh yêu em" anh đã viết lên mà cô chưa kịp học.

Lẽ ra còn có thể nói về nhiều phim Iran khác như Ngày tôi thành thiếu nữ, Con của trời, Người cha, Mưa, Vòng đời oan nghiệt, Gió cuốn ta đi, Bỏ phiếu kín, Cái chum, Một nửa ẩn giấu... Cả một đội ngũ hùng mạnh đã làm cho Iran trở thành cường quốc của điện ảnh thế giới, cùng lúc nổi lên bên một cường quốc điện ảnh khác là Trung Quốc.

Ta hiểu tại sao ông bậc thầy kia lại giơ phim Iran ra mà hỏi các đạo diễn Việt Nam. Nhìn vào đề tài thì thấy: cũng chỉ là vấn đề quyền trẻ em, quyền phụ nữ, quyền sống tự do của con người, đề tài nghèo đói thất nghiệp, đề tài giáo viên đi phát triển giáo dục miền núi... Toàn đề tài thiết thực, bình thường, na ná như kiểu Thung lũng hoang vắng, Đời cát, Vua bãi rác, Bến không chồng, Của rơi... Nhưng tại sao người ta lại biết xử lý ở những góc độ độc đáo lạ lùng như thế? Sao người ta lại biết trình bày nội dung một cách xinê như thế? Chứ không phải trần trần "diễn nôm" một câu chuyện có đầu có cuối, cái đích cao nhất phải kiễng chân rướn chưa tới là làm sao cho phim không giả, sao cho thật. Cao hơn cả sự thật thì chưa dám nghĩ đến. Chưa dám nghĩ đến một bộ phim chỉ còn hình mà không có truyện, chưa dám cả phim chỉ có truyện gom bằng các chi tiết cảm xúc, chưa dám nghĩ tới cả phim siêu không gian, siêu thời gian... Làm như thật mà còn chưa thật kia kìa.

*****************

Trở lại với lớp tu nghiệp ở trên. Ông bậc thầy hỏi mười người đã xem đôi ba phim Iran: Nếu được làm một phim như phim Iran ấy, anh chị thấy mình thiếu gì? Trả lời: Thiếu tiền.Hỏi: Ấy chết, nghĩ lại đi. Đó đều là phim ngân sách thấp, hầu như không có đại cảnh, rất ít nhân vật?Trả lời: Thế thì thiếu máy móc phương tiện hiện đại.Hỏi: Thật thế sao? Nhiều phim Iran chỉ dùng máy móc không hiện đại, thao tác đơn giản, nhiều khi để máy quay trên vai, không chân, không cần trục... Thao tác cũng giản dị luôn. Còn hậu kỳ thì Việt Nam cũng có phim được mang ra làm ở nước ngoài rồi đấy thôi?Trả lời: Thế thì tôi thiếu một hội đồng duyệt kịch bản mang tính chuyên nghiệp và cởi mở.Hỏi: Anh chị hãy nhớ: Iran là nước đạo Hồi, rắt khắt khe với đề tài xã hội, tình yêu, tôn giáo?

Thôi, đến đây chẳng cần nghe thêm cuộc đối thoại bất tận, đổ vấy lung tung. Nghe đến thế cũng đã ngầm thấy rằng lẽ ra phải thành khẩn trả lời ngay: chúng tôi thiếu tài. Cái tài ấy sẽ tạo ra mê đắm, ra lửa, ra sự tử vì đạo (ví dụ hy sinh tiền thù lao, chứ không phải đạo diễn và chủ nhiệm phim càng hạ thấp yêu cầu, càng cấu véo nhiều cho túi riêng càng tốt. Ví dụ phải rưng rưng xúc cảm trên từng khuôn hình mà người đời ai cũng đã thấy, nhưng ai cũng coi thường lướt qua, chỉ người có tài là biết dừng lại, biết ngạc nhiên...)

*****************

Để kết thúc, xin nói rằng cái lớp tu nghiệp nói đến ở trên là do người viết bài này bịa ra. Làm gì có lớp học nào tập hợp được "toàn bộ" đạo diễn điện ảnh của ta, vốn không hề nổi danh là hiếu học (học cho lắm vào, rồi chỉ ngồi nói phét, không làm được phim Việt Nam đâu!). Không hiếu học thì làm gì có ai là "bậc thầy" trong mắt họ. Cũng làm gì có bảy đạo diễn thật thà khác thường khi nhận là đã bỏ về, không xem hết phim Cành Cọ Vàng...

Nhưng rất thật là ở chỗ hầu như "toàn bộ" không thèm xem phim Iran. Cũng là cường quốc điện ảnh, nhưng đã tham khảo thì tham khảo hẳn phim Mỹ, phim Anh, phim Pháp cơ. Để có lý mà giơ ra rằng không làm phim hay được vì không có ngân sách không lồ như thế.

Cũng rất thật là ở cái khẩu khí của đạo diễn ta: việc gì tôi phải hướng ra ngoài, vọng ngoại. Việc gì phải tìm hiểu gu của Cannes, của Venice, của Berlin để mà ve vãn họ, chiều lòng họ.

Đến thế mà còn xui chúng tôi xem phim Iran!

Điện ảnh Iran, mặc dầu bị kiểm duyệt ngặt nghèo của Hồi giáo, mặc dầu phương tiện tài chính không dồi dào, vẫn sản xuất nhiều phim làm thế giới khâm phục, nhờ những nhà đạo diễn đầy óc sáng tạo.

Đạo diễn Abbas Kiarostami, tác giả bộ phim Hương vị anh đào (Taste of Cherry) được thế giới điện ảnh quốc tế xem như bậc thầy. Những phim của ông đều chiếm giải cao trong các liên hoan phim quốc tế. Riêng bộ phim Hương vị anh đào đã đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes năm 1997.

kIbP7MOA.jpgPhóng to
Hương vị anh đào đã đoạt Cành cọ vàng LHP Cannes 1997

Khán giả Tây phương đã thưởng thức một tác phẩm điện ảnh khác hẳn điện ảnh Âu Mỹ, không đồ sộ, hoành tráng, nhưng giàu tính nghệ thuật, với một cốt truyện đơn giản, vài nhân vật tiêu biểu, cảnh dàn dựng không tốn kém nhiều, kỹ thuật tuyệt kỹ, phong cảnh rất đẹp, diễn xuất tinh tế, đối thoại sâu sắc. Một bầy quạ bay, một hòn đá lăn xuống dốc, một tiếng chó sủa, từng chi tiết nhỏ trong phim đều làm tăng giá trị nghệ thuật của một cuốn phim dùng nghệ thuật để kể một chuyện triết lý.

“Hương vị anh đào” là một câu chuyện triết lý mà khán giả cần chăm chú theo dõi, không để mất một chi tiết mới thấm cái hay của phim. Đây không phải là phim hấp dẫn theo thị hiếu thông thường, không có tài tử đẹp, ca nhạc rộn ràng, tình cảm tươi mát. Ngược lại, động tác trong phim chậm, chủ ý dành cho suy tư về những vấn đề liên quan đến sống, chết, niềm lạc quan, hạnh phúc, ý nghĩa cuộc đời.

Theo HỒ ANH THÁI  - Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên