Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐHQG Hà Nội diễn ra từ ngày 1 đến 6-8 có gần 17.000 thí sinh đăng ký dự thi, 63,9% thí sinh đã đến dự thi.
Theo ông Sơn, không có sự cố bất thường nào xảy ra trong đợt thi này, không có thí sinh và cán bộ coi thi nào bị kỷ luật. Theo thống kê sơ bộ, có hai thí sinh ở Hà Nội đạt kết quả cao nhất là 117 điểm (so với tổng điểm tuyệt đối là 140).
Thời gian để thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đợt 2 là từ ngày 10-8 đến 16g30 ngày 25-8. Hồ sơ ĐKXT gồm phiếu ĐKXT (thí sinh tải phiếu từ địa chỉ http://cet.vnu.edu.vn hoặc trên website các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQG Hà Nội), giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có), một phong bì dán sẵn tem ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh và lệ phí ĐKXT 30.000 đồng/hồ sơ.
Thí sinh có thể ĐKXT theo một trong hai hình thức sau: gửi qua đường bưu điện theo hình thức thư bảo đảm chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp cho hội đồng tuyển sinh của đơn vị đào tạo có nguyện vọng học. Mỗi thí sinh được ĐKXT tối đa ba ngành học của một đơn vị đào tạo sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Hội đồng tuyển sinh của các đơn vị thành viên thuộc ĐHQG Hà Nội sẽ công bố công khai các thông tin liên quan đến ĐKXT của thí sinh, xét tuyển của đơn vị đào tạo; cập nhật ba ngày một lần thông tin ĐKXT của thí sinh trên website của đơn vị đào tạo (danh sách thí sinh ĐKXT và điểm thi xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp).
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết điểm nhận hồ sơ ĐKXT và điểm chuẩn trúng tuyển đợt 2 của các ngành đào tạo sẽ được xác định theo nguyên tắc phải bằng hoặc cao hơn điểm xét tuyển và trúng tuyển của đợt 1. Nếu ngành nào không tuyển đủ chỉ tiêu dự kiến cũng sẽ dừng, không hạ điểm trúng tuyển.
Kết quả thi có giá trị trong 24 tháng
Đánh giá chung về kỳ thi tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ông Sơn cho rằng kỳ thi đã thành công, đạt được các mục tiêu mà ĐHQG Hà Nội đặt ra, khẳng định hướng đi mới của ĐHQG Hà Nội trong công tác tuyển sinh là phù hợp.
Kỳ thi đã thể hiện được ưu điểm như hạn chế được tiêu cực trong thi cử với số lượng vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật rất ít. Kết quả đánh giá khách quan, chính xác và tin cậy, hạn chế việc học lệch của thí sinh. Thí sinh cũng đã thích ứng tốt với công nghệ khảo thí hiện đại.
Kết quả khảo sát sơ bộ của ĐHQG Hà Nội đối với 585 thí sinh cho thấy: 91,9% thí sinh cho rằng việc đăng ký thi dễ dàng, 91,3% thí sinh cho rằng kết quả bài thi khách quan, 90,7% thí sinh cho rằng hình thức thi tiện lợi, 82,7% thí sinh cho rằng tâm lý thoải mái, 77,4% thí sinh cho rằng đánh giá chính xác năng lực, 95,5% thí sinh cho rằng hình thức hiện đại.
Ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Tổ chức một kỳ thi trên nền tảng công nghệ cao không phải một việc quá khó mà hoàn toàn có thể làm được. Năm 2016, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hơn hai đợt thi đánh giá năng lực. Ngân hàng đề thi hiện có hơn 4.000 câu hỏi sẽ tiếp tục được bổ sung thêm khoảng 1.000 câu hỏi trong năm nay. Trong đó chúng tôi sẽ tăng cường những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng kiến thức vào thực tế. Những yếu tố quan trọng của kỳ thi đánh giá năng lực như mô hình, phương thức thi sẽ được giữ ổn định, ví dụ như thời gian thi 195 phút, đề thi có 140 câu… Tuy nhiên, ĐHQG Hà Nội cũng tính đến việc xác định hệ số điểm cao hơn cho các câu hỏi khó thay vì đồng đều mỗi câu 1 điểm như hiện nay”.
Ông Sơn cũng cho biết “các trường ĐH khác có nguyện vọng muốn sử dụng chung hình thức thi, dùng chung kết quả thi thì ĐHQG Hà Nội sẵn sàng chia sẻ”.
Theo ông Sơn, kết quả thi của thí sinh trong hai đợt thi kiểm tra đánh giá năng lực của năm 2015 sẽ có giá trị trong vòng 24 tháng. Nếu chưa trúng tuyển trong năm 2015, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi này để tiếp tục ĐKXT trong vòng hai năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận