Phóng to |
Thí sinh và phụ huynh xem danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng |
Phóng to |
Ông Bùi Văn Ga - Ảnh: T.Hà |
Ông Ga nói:
- Với kết quả thi của hơn 170 trường đã công bố, có thể khẳng định đề thi năm nay đáp ứng đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT, thể hiện được ý tưởng phân loại tốt trình độ thí sinh. Yêu cầu phân hóa đã được đảm bảo: không có cơn mưa điểm 10 ở một số môn thi như những năm trước, nhưng số bài ở mức điểm quá thấp cũng không quá nhiều. Mặt bằng kết quả thi có sự phân hóa rõ giữa các nhóm trường.
Tuy không có nhiều điểm tuyệt đối, nhưng điểm thi của các trường tốp đầu vẫn cao và đều hơn nên điểm chuẩn của nhiều trường dự kiến tăng so với năm 2010. Còn ở nhiều trường tốp dưới, phổ điểm không có nhiều điểm cao nhưng không có biến động lớn, mức đạt 4-6 điểm ở các môn thi tăng nên nguồn tuyển được đảm bảo.
* Như vậy theo đánh giá của thứ trưởng, điểm sàn các khối thi năm nay sẽ ở mức như thế nào, có thay đổi nhiều so với các năm trước? Có phải Bộ GD-ĐT sẽ duy trì quan điểm nếu không tăng được thì cũng sẽ cố giữ nguyên mức điểm sàn như các năm trước?
- Nhìn chung ở các khối thi, nhất là khối A, số điểm trung bình của thí sinh nhiều hơn nên dự kiến điểm sàn năm nay không dao động nhiều so với năm 2010. Mức cụ thể thì chúng tôi cần phải thống kê dữ liệu điểm thi một cách chi tiết để lên phương án điểm sàn chính xác, làm sao đảm bảo số thí sinh đạt kết quả thi từ điểm sàn trở lên phải ở một tỉ lệ thích hợp đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Nhưng nhiều khả năng điểm sàn các khối thi sẽ tương đương năm 2010.
Mục tiêu quan trọng của điểm sàn là đảm bảo mặt bằng chất lượng đầu vào chung của đào tạo ĐH hiện nay. Điểm sàn được xây dựng trên một trong những nguyên tắc giữ cho điểm chuẩn của các trường không được quá thấp. Nhưng nguyên tắc đó không cứng nhắc. Trong tình huống bất đắc dĩ, khi số lượng thí sinh ở một khối thi nào đó ít hơn mức điểm sàn của năm 2010, bộ sẽ xem xét xác định điểm sàn năm nay ở mức phù hợp, có thể thấp hơn...
* Thưa thứ trưởng, tuy mọi năm khi xác định điểm sàn đã tính toán đảm bảo tỉ lệ nguồn tuyển so với tổng chỉ tiêu tuyển mới của từng khối thi, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nguồn tuyển đó được xác định chưa sát với các điều kiện thực tế?
- Khi xem xét, cân nhắc để xác định điểm sàn, ngoài các thông tin về điểm thi, chỉ tiêu..., hội đồng điểm sàn của Bộ GD-ĐT sẽ tính toán đến cả yếu tố khách quan khác để nâng cao tính khả thi của điểm sàn. Đối với những trường ở các vùng đặc thù, các ngành nghề khó tuyển... sẽ được áp dụng các nguyên tắc khác nữa như giảm mức điểm sàn hợp lý với điều kiện thực tế.
Nhưng quan trọng nhất là năm nay, bộ đã sửa đổi quy định về nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3. Theo quy định mới, thí sinh được nộp và rút hồ sơ nhiều lần trong thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từng NV. Các trường phải công bố hằng ngày thông tin về số lượng và điểm thi của hồ sơ đã nhận được để thí sinh theo dõi và lựa chọn cơ hội xét tuyển tốt nhất.
Quy định mới này sẽ giải quyết được mâu thuẫn trường còn chỉ tiêu nhưng không tuyển được, thí sinh có điểm thi cao nhưng vẫn không trúng tuyển NV2, NV3 do thiếu thông tin và chỉ được nộp hồ sơ một lần. Ngoài ra quy định mới này sẽ góp phần cân bằng và điều chỉnh nguồn tuyển giữa các vùng miền, các trường... năm nay một cách linh hoạt và hiệu quả hơn.
Mặt khác, các trường cần phải tạo ra sức hút, uy tín đối với người học. Khi các trường còn chỉ tiêu, những người học đủ điều kiện xét tuyển vẫn không lựa chọn thì bộ cũng không thể hạ điểm sàn thấp hơn được nữa để tạo thêm nguồn tuyển...
Thí sinh coi nhẹ các môn xã hội Tôi từng tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến tình trạng kết quả thi môn lịch sử thấp. Qua tìm hiểu, tôi xác định được một nguyên nhân quan trọng là tình trạng đã khá phổ biến những năm gần đây: phần lớn thí sinh chọn thi khối C vì năng lực không thể chọn thi khối nào khác như A hoặc D. Trong đó có một bộ phận không nhỏ thi với tâm lý cầu may, may rủi, với quan niệm lịch sử là một môn học thuộc lòng, không đòi hỏi kỹ năng và khả năng vận dụng kiến thức như các môn thi khác. Phải thừa nhận một thực tế tôi đã ghi nhận khi còn trực tiếp làm việc tại ĐH Đà Nẵng là trong số thí sinh dự thi khối C, số thật sự yêu thích và đầu tư nghiêm túc cho việc tìm hiểu, ôn tập kỹ lưỡng môn lịch sử rất ít. Ngoài ra cũng có một phần nguyên nhân từ chương trình giáo dục phổ thông. Môn lịch sử, cũng như các môn xã hội, sẽ khó có thể tạo ra sự thay đổi một cách đột biến trong cách học tập và kết quả của thí sinh nếu không thay đổi cách thi cử hiện nay. Cách thi cử hiện nay khiến đa số thí sinh coi nhẹ các môn xã hội như ngữ văn, lịch sử khi chọn các khối thi khác. Ngay cả những em chọn thi khối C vì bất đắc dĩ cũng học đối phó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận