Tàu sân bay lớp Nimitz, USS Abraham Lincoln đang di chuyển qua Ấn Độ Dương trên đường tới vịnh Ba Tư, áp sát Iran - Ảnh: US Navy
Hôm 8-5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo Iran sẽ ngưng thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ thỏa ước hạt nhân JCPOA ký năm 2015, để đáp lại việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định này cách đây một năm.
"Di sản" ngoài ý muốn
Quyết định của Iran mới chỉ khu trú trong nội dung "thực thi thỏa thuận". Đó là lý do mà, sau thông báo của Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói rằng nước Pháp cam kết duy trì thỏa thuận này nhưng cảnh báo sẽ không ngần ngại trừng phạt Iran nếu Tehran không tôn trọng các cam kết của mình. Jeremy Hunt, bộ trưởng ngoại giao Anh, cảnh báo Iran rằng họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Ngay từ khi mới chỉ là ứng cử viên tổng thống, ông Trump đã "xổ toẹt" thỏa thuận JCPOA. Nếu như thỏa thuận này đã được tính như là thành tích cuối trào của tổng thống Barack Obama, thì đây lại là điều mà ông Trump tối kỵ.
Tại hội nghị hằng năm của Ủy ban quan hệ công chúng Mỹ - Israel, hôm 21-3-2016, ông Trump đã loan báo ưu tiên số 1 của ông sẽ là giải tán thỏa thuận tồi tệ với Iran.
Trong thực tế, thỏa thuận hạt nhân với Iran của ông Obama là một di sản ngoài ý muốn mà Tổng thống tân cử Donald Trump phải tiếp tục thực thi cùng với nhóm P5+1 bằng cách cứ 6 tháng lại phải miễn cưỡng xác thực Iran "đã thực thi thỏa thuận", để các bên tiếp tục gia hạn lệnh tháo gỡ trừng phạt Iran.
Sau hơn một năm "chịu trận", đến ngày 5-8 năm ngoái, ông Trump dứt khoát không gia hạn nữa, loan báo Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận này, đồng thời ký một sắc lệnh ấn định các trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất đối với Iran, ân hạn 6 tháng cho 8 nước nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran có thời gian tìm nguồn dầu khác để thay thế.
Và đến ngày 2-5 vừa qua, chấm dứt ân hạn 6 tháng đó: cấm mua dầu của Iran. Thế là đôi bên Mỹ - Iran cứ thế mà "lớn tiếng" với nhau, thậm chí huy động binh mã "đối đáp" nhau.
Vì sao ông Trump "hầm hè" Iran?
Vụ xung đột hiện nay giữa Mỹ và Iran đã ra khỏi câu chuyện ban đầu là: (1) thỏa thuận hạt nhân (của Obama) là thua thiệt quá, phải hủy bỏ, lý do như đã nêu ở trên; (2) hoặc giả Iran đã không tuân thủ nghiêm chỉnh.
Trong thực tế, từ khi thỏa ước hạt nhân được ký kết, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vẫn đều đặn mỗi quý sang tận nơi kiểm tra và sau đó chứng thực rằng Iran đã tuân thủ hiệp định.
Phúc trình mới nhất của IAEA công bố hôm 6-3-2019 cho biết lượng nước nặng mà Iran tồn trữ mới chỉ là 124,8m3, tức dưới mức 130m3 tối đa được phép, còn lượng uranium làm giàu ở mức 3,67% cũng chỉ tồn trữ có 163,8kg, dưới xa ngưỡng tối đa 300kg cho phép, tức Iran đã tuân thủ hiệp định.
Tuy nhiên, ông Trump có những lý do khác để "hầm hè" Iran từ lâu. Tại Hội nghị Riyadh ngày 21-5-2017, ông Trump đã vạch rõ "tội trạng" của Iran: "Từ Libăng cho tới Yemen, Iran tài trợ, vũ trang, huấn luyện các phần tử khủng bố, các dân quân và các nhóm cực đoan khác nhằm lan truyền sự tàn phá và hỗn loạn trong khắp khu vực. Trong nhiều thập kỷ qua, Iran đã châm dầu vào bao cuộc hỏa hoạn mang tính xung đột tông phái và bạo lực".
Ngày 25-9 năm ngoái, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Trump tiếp tục tấn công: "Kể từ sau thỏa thuận, ngân sách quân sự của Iran đã tăng gần 40%. Chế độ độc tài này tạo ra và sử dụng những quỹ (đen) để sản xuất tên lửa có khả năng hạt nhân, tăng cường đàn áp nội bộ, tài trợ khủng bố và nạn thảm sát ở Syria và Yemen.
Hoa Kỳ đã đưa ra một chiến dịch gây sức ép kinh tế để xóa bỏ việc gây quỹ cần thiết cho việc thúc đẩy lịch trình đẫm máu của Iran. Chúng tôi không thể cho phép một chế độ cứ ra rả 'Nước Mỹ chết đi!' và đe dọa 'hủy diệt Israel!' được tồn tại".
Rõ ràng vấn đề Iran của ông Trump không chỉ là câu chuyện hạt nhân mà trước khi mãn nhiệm kỳ, ông Obama ngỡ là đã giải quyết xong.
Có vẻ như nay Iran đang "tiếp bước" Triều Tiên cho dù hoàn cảnh hai bên có khác. Trong câu chuyện Triều Tiên, nội dung vấn đề là mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Sau hai thượng đỉnh Trump - Kim ở Singapore và Hà Nội, vẫn không thấy có một mảy may hứa hẹn thỏa thuận nào về những việc cụ thể cần làm về vấn đề này, tỉ như thanh tra, kiểm tra như đã thấy vận hành "êm ru" ở Iran.
Lạ là một bên đang có vẻ như vận hành tốt trên cơ sở một thỏa thuận quốc tế được Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn thì nay đang bên bờ vực chiến tranh, và một bên thì mịt mù chẳng thấy gì... Có lẽ người đang vò đầu bứt tai chẳng ai khác hơn ông Obama.
Căng thẳng Tehran - Washington
Đài CNBC dẫn thông cáo của Lầu Năm Góc ngày 10-5 (giờ địa phương) cho biết chiến hạm USS Arlington và một hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo tầm thấp Patriot sẽ được điều động tới vịnh Ba Tư, tham gia tác chiến cùng nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln và nhóm máy bay ném bom của không lực Mỹ đã được triển khai tới khu vực này hồi đầu tuần. Động thái này châm ngòi thêm căng thẳng trong quan hệ Washington - Tehran.
Trong khi đó, chuẩn tướng Yadollah Javani - phó tư lệnh phụ trách các vấn đề chính trị của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran - tuyên bố ngày 10-5 rằng Iran sẽ không đàm phán với Mỹ và bác bỏ khả năng Mỹ tấn công quân sự sau khi ông Trump kêu gọi đối thoại và nói rằng Washington không loại trừ viễn cảnh đối đầu quân sự. (D.AN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận