Theo Bộ NN&PTNT, quyết liệt phòng chống dịch tả heo châu Phi nhằm hai mục tiêu: bảo vệ đàn heo của người chăn nuôi và ổn định giá cả cho người tiêu dùng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp cấp bách chống dịch do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống ASF tổ chức ngày 13-5, đồng thời khẳng định phòng chống ASF là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là cấp địa phương.
Dịch tả heo châu Phi không chỉ gây thiệt hại về kinh tế nhiều mặt, mà còn đe dọa cả một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Cường (bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)
"Hàng rào" chống dịch nhiều lớp
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết kể từ khi ASF xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc, địa phương đã xây dựng các phương án phòng chống ASF.
Theo đó, từ ngày 25-2 đến nay, các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.HCM không tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc, nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh.
Sau khi dịch này xuất hiện tại Đồng Nai, Sở NN&PTNT TP.HCM đã làm việc với Long An và Đồng Nai để thống nhất chỉ nhập heo vùng không có dịch, có giấy chứng nhận kiểm dịch ghi rõ tên chủ hộ nuôi, nguồn gốc (3 cấp: xã, huyện, tỉnh).
Ngoài ra, TP.HCM lập thêm chốt giám sát ven đô, kiểm soát chặt nguồn thịt heo vào TP, tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành, lập thêm 3 chốt ở vùng giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai và một số đầu mối giao thông, đồng thời tuyên truyền cho người dân thực hiện an toàn sinh học chuồng trại.
Trong khi đó, theo ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ASF đang lây lan như hiện nay do một số địa phương chưa chủ động giám sát, các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là dẫn đến trường hợp người dân bán chạy heo bệnh.
Việc tổ chức tiêu hủy heo bệnh, heo chết chưa kịp thời, vẫn còn địa phương để người dân vứt heo ra môi trường như Thái Nguyên, Thái Bình...
Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát vận chuyển và xử lý tiêu hủy heo có dịch còn nhiều bất cập. Thậm chí, heo bệnh đưa đi tiêu hủy vẫn được vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ, dễ lây lan ra môi trường.
"Công tác hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có heo buộc tiêu hủy còn chậm nên người dân vẫn chưa yên tâm khai báo dịch bệnh, bán chạy heo khi có biểu hiện mắc bệnh" - ông Tiến cho biết.
Tiêu độc khử trùng ở chốt kiểm dịch tại ấp Tân Đạt, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) - Ảnh: A LỘC
Huy động công an, quân đội tiêu hủy heo bệnh
Cũng theo ông Tiến, ASF là dịch bệnh có độc lực cao, có thể gây chết 100% đàn heo nhiễm bệnh, đến nay vẫn chưa có thuốc chữa. Do đó, công tác vệ sinh phòng bệnh, kiểm soát vận chuyển và xử lý đúng khi tiêu hủy là yếu tố cốt lõi trong kiểm soát dịch bệnh.
"Không có văcxin phòng bệnh, chỉ có biện pháp là an toàn sinh học để phòng chống, nếu thực hiện không tốt thì không thể kiểm soát ASF hiệu quả được" - ông Tiến nói. Đồng thời nhận định ASF sẽ diễn biến rất phức tạp, có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch vì tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh vẫn tái phát.
Trong thực tế, ASF đã xuất hiện trở lại tại nhiều địa phương có dịch bệnh đã qua 30 ngày. Đến hết ngày 12-5, ASF đã xuất hiện tại 29 tỉnh thành, trong đó có 19 xã thuộc 12 tỉnh thành có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng tái dịch ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.
Ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cũng cho rằng dịch bệnh xảy ra ở Đồng Nai là cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường vì đây là địa phương có đàn heo lớn nhất toàn quốc.
Do đó, ông Cường đề nghị Đồng Nai khoanh vùng dịch bệnh và đẩy mạnh các nhóm giải pháp an toàn sinh học trong phòng chống.
Ngoài ra, các địa phương phải rà soát các phương án ứng phó, đặc biệt là xử lý heo bệnh, không thể để tái diễn tình trạng vứt heo ra kênh, sông một cách bừa bãi như đã xảy ra ở một số địa phương.
"Để công tác tiêu hủy đảm bảo đúng kỹ thuật, đã đến lúc lực lượng quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt, vì tính kỷ luật rất cao" - ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, nếu không làm tốt công tác phòng chống, ASF sẽ tiếp tục lây lan, phát triển rất nhanh theo chiều hướng tái dịch, lan rộng sang các vùng chưa bị và nghiêm trọng hơn là lây lan vào các hộ và trang trại chăn nuôi lớn.
"ASF không chỉ gây thiệt hại về kinh tế nhiều mặt, mà còn đe dọa cả một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số CPI" - ông Cường khuyến cáo.
Người dân mua thịt heo tại siêu thị ở quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Xử lý cán bộ lơ là chống dịch
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng diễn biến thực tế cho thấy ASF đang rất nghiêm trọng và khó kiểm soát, các biện pháp phòng chống chưa hiệu quả. Bên cạnh những địa phương tích cực phòng chống vẫn còn nhiều địa phương chưa chủ động, thậm chí còn coi nhẹ, giao phó cho cơ quan chuyên môn.
"Việc hỗ trợ người dân chưa đáp ứng nhu cầu, nên chưa khuyến khích được người dân tích cực phòng chống dịch. Đây là những mặt hạn chế khiến chúng ta chưa hoàn toàn khống chế được dịch" - ông Dũng nói, đồng thời yêu cầu các địa phương cần khắc phục ngay tình trạng vẫn còn coi nhẹ, chưa chú trọng công tác phòng chống dịch, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y.
Dẫn trường hợp dư luận phản ảnh xác heo chết do ASF được thả trôi sông, chỉ vài tiếng đã vớt được hàng tấn, ông Dũng yêu cầu kiểm tra, xử lý vụ việc này.
Các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia thành lập ngay các đoàn công tác liên ngành đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng chống dịch bệnh; các địa phương phải có phương án cụ thể trong việc huy động các lực lượng như công an, quân đội... để giám sát và tiêu hủy triệt để heo bị bệnh, tránh tình trạng vứt xác heo ra ao, sông làm ô nhiễm môi trường...
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phải có hướng dẫn giết mổ và tiêu thụ thịt trong vùng dịch bệnh, quy định về xuất bán sau khi giết mổ dưới sự giám sát của cơ quan thú y. Nguyên tắc là vừa chống dịch vừa phát triển, đảm bảo nguyên liệu đầu vào sạch, công nghệ chế biến sạch, hệ thống phân phối đảm bảo. Xây dựng các trạm kiểm dịch quốc gia bảo đảm kiểm soát vận chuyển trên quốc lộ cho mục tiêu lâu dài.
Ông Trịnh Đình Dũng cũng cho biết Chính phủ sẽ xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, tổ chức, cá nhân để tình trạng chậm trễ, tiêu hủy heo bệnh không đúng quy định. "Phòng chống ASF là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất chính sách hỗ trợ mới phù hợp với điều kiện, phòng chống dịch bệnh hiệu quả và đảm bảo phát triển" - ông Dũng nói.
Đề nghị tăng kinh phí phòng chống dịch
Ông Nguyễn Văn Sửu, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng cần tăng mức hỗ trợ cán bộ tham gia chống dịch vì theo quy định hiện nay chỉ được 100.000 đồng mỗi ngày, trong khi lao động tự do thu nhập 250.000 - 300.000 đồng/ngày, để khuyến khích cán bộ tích cực tham gia công tác phòng chống dịch.
Trong khi đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị trung ương sớm cân đối ngân sách hỗ trợ, do địa phương này đã tiêu hủy lên tới 300.000 con heo với số tiền dự kiến hỗ trợ người chăn nuôi là 470 tỉ đồng nhưng ngân sách dự phòng chỉ trên 100 tỉ đồng.
Có kế hoạch dự trữ thịt heo sạch
Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn heo trong những tháng cuối năm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Công thương phải tính phương án dự trữ thịt heo, tìm kiếm nguồn thay thế thịt heo trong thời gian tới. Trong đó, giao Bộ Công thương làm việc với các đơn vị kinh doanh lớn tổ chức việc thu mua, giết mổ, cấp đông, dự trữ thịt heo để giảm tải việc gây bệnh, tiêu hủy và đảm bảo nguồn thịt dự trữ cho những tháng cuối năm.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với Bộ Công thương triển khai ngay chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có kế hoạch dự trữ thịt sạch đề phòng bất ổn thị trường. "Các bộ sẽ làm việc với các đầu mối lớn mua heo để dự trữ, đảm bảo nguồn gốc sạch, an toàn. Đây là một giải pháp rất phù hợp với tình hình hiện nay để giảm thiểu thiệt hại, giảm thiểu lây lan và tránh nguy cơ tăng giá thời gian tới" - ông Cường cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận