![]() |
Hai con ốc ma đang tấn công những bông thanh long |
Ốc... ma
Chúng tôi đến vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo vào những ngày cuối tháng mười một. Từ thị trấn Chợ Gạo qua Đăng Hưng Phước, Long Bình Điền, Tân Thuận Bình... đi tới đâu cũng nghe râm ran câu chuyện ốc cắn phá thanh long tơi bời.
Nhiều người còn thêu dệt: một nông dân đi chơi ngoài Đồng Nai thấy loài ốc lạ, nghe đồn khi ăn chữa được bệnh nhức mỏi gân cốt nên đem về nuôi để... làm thuốc. Nhưng do sơ sẩy mà loài ốc này lan nhanh ra ngoài, sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt, đánh chén tất cả hoa màu, rau cải và chúng khoái khẩu nhất là món bông và trái thanh long.
Thế nhưng khi ghé trạm bảo vệ thực vật (BVTV) huyện thì sự thật hoàn toàn khác. Kỹ sư Phùng Chí Sơn, trưởng Trạm BVTV Chợ Gạo, khẳng định chuyện ốc cắn phá thanh long là có thật nhưng mới xảy ra trên diện tích hơn 100ha thuộc địa phận xã Quơn Long, nơi nông dân đang xử lý cho cây thanh long ra hoa, trái nghịch vụ.
Kỹ sư Sơn lôi trong hộc bàn làm việc ra một chiếc vỏ ốc xám xịt nổi những đường vân trắng, dài hơn 10cm và to bằng cổ tay người lớn, giới thiệu với chúng tôi: “Nó đây. Con này nếu còn sống nặng không dưới 150gam. Cho tới bây giờ chúng tôi vẫn chưa biết chính xác tên khoa học của nó là gì nhưng bà con nông dân gọi đám ốc sên khổng lồ này bằng nhiều biệt danh như ốc ma, ốc leo (vì leo trên cây và sống cả dưới đất) và sức tàn phá của nó thuộc loại... vô địch”.
Theo hướng dẫn của kỹ sư Sơn, chúng tôi vào Quơn Long. Anh Trương Công Mút, cán bộ UBND xã Quơn Long, quả quyết với chúng tôi rằng chuyện nhà nông đem ốc nơi khác về nuôi gây hại như ốc bươu vàng chỉ là tin đồn thất thiệt.
Thực tế loài ốc sên khổng lồ này đã có mặt trên đất Quơn Long từ nhiều năm qua nhưng mật độ thấp và chỉ xuất hiện vào mùa mưa, ăn chủ yếu cỏ cây, rau cải và thường biến mất vào mùa nắng. Vậy mà không hiểu sao năm nay dù mưa hay nắng ốc sên khổng lồ cũng có mặt “trên từng cây số” với mật độ rất cao và hầu hết đều tập trung ở những vườn thanh long đang làm mùa nghịch.
Anh Mút dẫn chúng tôi đến hai ấp Quang Khương, Quang Thọ - nơi có 39ha thanh long của hơn 120 hộ - bị ốc gây hại nặng nề nhất xã và nông dân đang phải vất vả đối phó với “đại dịch ốc sên khổng lồ” có mật độ 30 -50 con/gốc thanh long. Lội vào những vườn thanh long đang xum xuê bông, trái, đi tới đâu chúng tôi cũng gặp hàng đống vỏ ốc bị đập nát bét, kêu rào rạo dưới chân.
Chị Năm Hừng, chủ 7.000m2 thanh long ở ấp Quang Khương, bực tức nói: “Hổng biết ở đâu mà tụi nó chui ra quá chừng, có lúc đeo đặc mấy chùm bông, trái thanh long non mà cắn phá, nhìn xót ruột xót gan. Bởi vậy tui và mấy đứa nhỏ hễ thấy con nào là đập nát con đó cho bõ ghét”. Chị Năm Hừng kể: “Nó kỳ cục lắm, ban ngày đi kiếm chúng đỏ con mắt vẫn không thấy nhưng chừng 8-9 giờ tối thì không biết từ ngõ ngách nào tụi nó bò ra đặc vườn, đặc cây thanh long. Đến 5-6 giờ sáng thì chúng lại lủi mất tiêu. Chính vì vậy mà bà con vùng này gọi nó là... ốc ma”.
Anh Thanh, chủ 3.000m2 thanh long, cũng góp chuyện: “Cả tháng nay đêm nào dân Quang Khương, Quang Thọ cũng chong đèn sáng rực khắp vườn để bắt ốc, có đêm dân trong ấp bắt được 200- 300kg ốc nhưng bắt hoài vẫn còn”.
Chào thua loài quỉ quái này?
![]() |
Chị Năm Hừng dùng bao nilông làm bẫy ốc để bảo vệ vườn thanh long đang cho bông, trái mùa nghịch |
Sở dĩ năm nay ốc ma xuất hiện với mật độ cao, gây hại trên diện rộng là do nhiều nhà vườn xử lý ra hoa, trái mùa nghịch, cung ứng nguồn nước tưới dồi dào nên ốc không cần thời gian “ trốn khô hạn” mà có đủ điều kiện để sinh sôi, phát triển. Những vườn thanh long nào dọn sạch cỏ rác thì ốc leo lên trú trong tán thanh long, vườn nào để cỏ rậm rạp thì chúng kéo đàn vào sinh sôi nảy nở. Ông Sơn buồn rầu thừa nhận với tâm trạng bất lực: “Thú thật là cho đến giờ này ngành BVTV vẫn không biết được loại thuốc đặc trị nào đủ khả năng tiêu diệt trứng ốc, ốc non và ốc trưởng thành, chỉ biết khuyên bà con tích cực bắt và diệt ốc bằng phương pháp thủ công”.
Từ những nghiên cứu thực tế, Trạm BVTV huyện Chợ Gạo khuyến cáo những người trồng thanh long bốn phương pháp diệt ốc thủ công mà theo ông Sơn là tương đối có hiệu quả: nhà vườn nên chừa cỏ cao 5 - 10cm trong vườn, tổ chức bắt và diệt ốc vào lúc sáng sớm và chiều tối khi cây trong giai đoạn ra hoa, đậu trái; tạo những nơi trú ẩn dưới gốc cây để thu gom ốc với số lượng lớn và lấy thức ăn gia súc, các loại rau quả bỏ vào bao để dưới gốc cây bẫy ốc vào ăn.
Cho đến giờ này những cán bộ ngành nông nghiệp Chợ Gạo chưa ai dám khẳng định đại dịch ốc sên khổng lồ chừng nào sẽ chấm dứt. Tuy loài ốc ma chỉ sống trên cạn nên khó có khả năng lây lan rộng theo dòng nước như dịch ốc bươu vàng nhưng cán bộ BVTV huyện Chợ Gạo vẫn không an tâm.
Ông Sơn cho chúng tôi biết mới đây một nhóm nông dân ở Bến Tre đến đặt vấn đề với UBND xã Quơn Long cho họ tổ chức bắt ốc sên khổng lồ về nuôi để làm thức ăn cho tôm càng xanh, nhưng ngành BVTV chưa đồng ý và yêu cầu những nông dân này phải làm cam kết không đổ thừa, khiếu nại về sau nếu con ốc sên khổng lồ trở thành đại dịch ở xứ dừa. “Địa phương tụi tôi bị thì ráng chịu và tìm phương cách phòng trị, ngăn chặn. Nếu sơ sẩy để con ốc quỉ quái này lây lan, phá hại trên diện rộng như con ốc bươu vàng thì đúng là... thảm họa” - ông Sơn buồn rầu nói với chúng tôi như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận