26/08/2006 16:34 GMT+7

Dịch giả Vũ Công Hoan: "Dịch văn học đâu phải vì tiền!"

KHÁNH LINH - QUỐC HÙNG thực hiện
KHÁNH LINH - QUỐC HÙNG thực hiện

TTCT - Được đào tạo làm người phiên dịch tiếng Hoa, Vũ Công Hoan từng có thời gian dài công tác tại Liêu Ninh (Trung quốc) trước khi về nước lên đường nhập ngũ năm 1968. Bây giờ ông là một dịch giả Trung văn được nhiều bạn đọc biết đến.

DsnnRQyp.jpgPhóng to
TTCT - Được đào tạo làm người phiên dịch tiếng Hoa, Vũ Công Hoan từng có thời gian dài công tác tại Liêu Ninh (Trung quốc) trước khi về nước lên đường nhập ngũ năm 1968. Bây giờ ông là một dịch giả Trung văn được nhiều bạn đọc biết đến.

Chỉ mới dịch sách văn học khoảng chục năm trở lại đây sau khi đã nghỉ hưu nhưng dịch giả Vũ Công Hoan đã dịch và xuất bản 25 đầu sách, trong đó có một số tác phẩm nổi tiếng như: Phế đô, Tản văn và truyện ngắn, Hoài niệm sói (Giả Bình Ao); Sống, Huynh đệ, Hứa tam quan bán máu (Dư Hoa); Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê (Đối thoại văn học, Vương Sóc - Lão Hà)...

Hiện ông đang tập trung dịch tiểu thuyết Tiếng gọi trong mưa bụi của Dư Hoa và Ngôi nhà của những bức tranh tình yêu của Trương Kháng Kháng. Vũ Công Hoan cho biết lý do đến với công việc dịch thuật văn học hiện nay:

- Dịch sách văn học, nhất là những tác phẩm hay, sẽ có sức sống bền vững lâu dài. Dịch văn học khiến tôi sống vui hơn, tâm hồn rộng mở, trẻ trung, không cảm thấy khô khan già, cỗi bởi luôn được bồi bổ bằng những tinh phẩm.

Đầu tiên tôi dịch tản văn và truyện ngắn để thử sức mình xem đã, sau đó mới dịch truyện vừa và truyện dài. Từ dịch chưa chọn lọc, dần dà tôi chọn lọc, tìm những tác phẩm tiêu biểu và những nhà văn nổi tiếng để dịch. Nếu có nhận dịch sách cho nhà xuất bản (NXB) nào, tôi cũng phải đọc trước tác phẩm xem có hay không đã rồi mới nhận.

Mình có cảm thấy thú vị mới thả tâm hồn và cảm xúc vào trang dịch. Từ chỗ dịch sai, dịch thiếu, khiên cưỡng, không uyển chuyển..., được bạn dịch, biên tập viên NXB và bạn đọc phê bình góp ý, hiện nay tôi nhận thấy mình dịch đã “có nghề” hơn hẳn.

* Trong quá trình dịch điều gì thường gây khó khăn, trở ngại cho ông?

- Ngôn từ của cả hai nước. Tôi không được vượt khỏi phạm vi nội dung tác phẩm, nhưng tôi được quyền sáng tạo trong ngôn từ. Không thông thạo tiếng mẹ đẻ là trở ngại lớn nhất với người dịch. Người dịch văn học phải thông thạo tiếng mẹ đẻ, phải luôn có quyển từ điển tiếng Việt bên cạnh, phải chăm đọc sách báo, nghe đài, nghe mọi người nói chuyện... để tìm những câu chữ hay, lối nói thích hợp ghi vào đầu, chép vào sổ để mà “múa”, mà sáng tạo trong ngôn từ.

Ngôn từ đối với người dịch y như tướng có nhiều thứ quân. Ngôn từ hay chẳng khác nào quân thiện chiến trong tay tướng giỏi! Ngôn từ nước bạn cũng là trở ngại lớn trong khi dịch. Biển từ không bờ bến. Nhiều khi câu chữ, lối nói... của các nhà văn khiến tôi phải mất hàng tiếng, hàng buổi đến vài hôm để tra tìm, cầu cứu bạn bè trong và ngoài nước; thậm chí phải tạm gác, hay bở dở, cũng có khi... đầu hàng!

* Ông giải quyết vấn đề bản quyền tác giả ra sao?

- Tôi xin được bản quyền của nhà văn Giả Bình Ao ngay từ năm 1997. Khi đó, ông Giả Bình Ao yêu cầu NXB ký hợp đồng nhưng do chưa có công ước bản quyền ràng buộc nên NXB không ký. Khi sách ra, tôi phải gửi thư xin lỗi, gửi sách biếu và thật thà nói cả số lượng in cũng như khoản nhuận bút ít ỏi của mình để tác giả thông cảm.

Khi chưa có công ước về vấn đề bản quyền, tôi dịch như... chụp giật, cứ lo ngay ngáy, chỉ sợ có người dịch và xuất bản trước, mình sẽ mất công toi. Từ khi có công ước Bern tôi rất yên tâm, không sợ mang tiếng là ăn cắp bản quyền sau đã xin phép tác giả. Thường là tôi gửi thư sang liên hệ, sau đó bàn với giám đốc NXB gửi thư sang trình bày tình hình thực tế và khó khăn hiện tại, sau đó mới gửi hợp đồng sang cho tác giả ký. Những việc này không kéo dài lâu, thường diễn ra suôn sẻ và chóng vánh.

* Các tác phẩm của Giả Bình Ao trong tình trạng vi phạm bản quyền được giải quyết ra sao?

- Như đã nói ở trên, tôi được nhà văn Giả Bình Ao cho quyền dịch và xuất bản tác phẩm của ông, nhưng các bản dịch Nôn nóng, Phế đô, Hoài niệm sói, Tản văn Giả Bình Ao, Truyện ngắn Giả Bình Ao đều mang tiếng vi phạm bản quyền. Khi VN thực thi Luật bản quyền, tôi đã gửi thư báo tin cho nhà văn và xin ông khi nào sách tái bản tôi sẽ liên hệ NXB gửi thư và hợp đồng sang để ông ký. NXB và tôi đang chuẩn bị chương trình này. Tôi tin là sẽ không khó khăn lắm!

* Hiện những nhà văn TQ nào đã ủy quyền cho ông dịch tác phẩm của họ?

- Nhà văn Dư Hoa đã cho tôi độc quyền và ủy nhiệm tôi là đại diện của ông tại VN. Sau khi tôi dịch xong Tiếng gọi trong mưa bụi (được trao giải Kỵ sĩ của Pháp), ông sẽ tiếp tục gửi tác phẩm mới cho tôi. Nhà văn Trương Kháng Kháng cũng cho tôi quyền dịch hai tiểu thuyết Người đàn bà không yên phận và Ngôi nhà của những bức tranh tình yêu.

Tôi cũng vừa liên hệ với nhà văn Mạc Ngôn và mới đây, ngày 19-7, ông đã có thư phúc đáp rằng: “Tôi vô cùng nguyện ý hợp tác với Vũ tiên sinh”. Tôi xin dịch tác phẩm mới nhất của Mạc Ngôn: Sinh tử bì lao nhưng chậm quá, ông đã ủy quyền cho cô Nguyễn Lệ Chi ở TP.HCM mất rồi!

* Nhuận bút từ dịch sách có giúp ông đủ sống?

- Nhuận bút “còm” lắm! Phế đô, 1.284 trang in tiếng Việt, dịch (chép tay) mất sáu tháng ròng, xuất bản lần đầu 500 cuốn, tôi được 5 triệu nhuận bút. Sống hơn 200 trang, in 1.000 cuốn, trừ đầu trừ đuôi đi rồi thực lĩnh 1,8 triệu, lại còn phải bỏ tiền gửi sách gửi thư cho tác giả. Nhưng biết làm thế nào, ít cũng còn hơn không. Nếu chỉ vì tiền thì đi dịch thuê chứ ít người theo đuổi dịch văn học!

KHÁNH LINH - QUỐC HÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên