08/09/2021 09:37 GMT+7

Dịch COVID-19 ngày 8-9: Nghệ An tiêm vắc xin cho tiểu thương để mở lại chợ dân sinh

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Đây là một trong những điểm mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghệ An nhằm sớm mở cửa trở lại các chợ dân sinh, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Dịch COVID-19 ngày 8-9: Nghệ An tiêm vắc xin cho tiểu thương để mở lại chợ dân sinh - Ảnh 1.

Người dân được kiểm tra y tế khi đến điểm tiêm vắc xin ở Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, TP Vinh, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Ngày 8-9, TP Vinh đã tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho khoảng tiểu thương và Ban quản lý chợ đầu mối Vinh. Công tác tiêm chủng được diễn ra an toàn, thuận lợi.

Trong hai đợt dịch vào tháng 6 và tháng 8-2021, tại chợ đầu mối đều xuất hiện các ca COVID-19 là tiểu thương tại chợ. Một số ca bệnh chưa rõ nguồn lây sau đó lan ra các huyện, thị xã trong tỉnh Nghệ An khiến nhiều khu vực phải phong tỏa, xét nghiệm diện rộng.

Do đó việc tiêm vắc xin COVID-19 cho tiểu thương, ban quản lý chợ là điều cấp thiết.

Trước đó, trong ngày 7-9 TP Vinh cũng đã tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho tiểu thương và ban quản lý 4 khu chợ bao gồm chợ Quyết, chợ Bến Thủy, chợ Quang Trung và chợ Hưng Dũng với 661 người.

Dịch COVID-19 ngày 8-9: Nghệ An tiêm vắc xin cho tiểu thương để mở lại chợ dân sinh - Ảnh 2.

Chợ đầu mối TP Vinh đang tạm đóng cửa - Ảnh: DOÃN HÒA

Hiện nay, toàn bộ hơn 20 chợ dân sinh ở TP Vinh đang đều phải tạm đóng cửa. Người dân ở "vùng vàng" và "vùng xanh" được cấp phiếu đi mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị với điều kiện 3 ngày/lần và "người ở phường xã nào đi mua ở phường xã đó".

Các nhân viên siêu thị ở TP Vinh đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19.

Tuy nhiên, qua hai ngày triển khai thẻ mua hàng có không ít bất cập như người dân chỉ mua trong hai khung giờ cố định và nhiều người không tìm được điểm mua lương thực, thực phẩm do không có chợ và không có siêu thị.

Ông Trần Quang Lâm - phó chủ tịch UBND TP Vinh - cho biết: "Việc tiêm vắc xin là điều kiện cần thiết để sớm mở lại các chợ trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Với lượng vắc xin được tiếp nhận, chúng tôi sẽ tiếp tục bố trí tiêm trong thời gian tới cho tiểu thương các chợ".

Dịch COVID-19 ngày 8-9: Nghệ An tiêm vắc xin cho tiểu thương để mở lại chợ dân sinh - Ảnh 3.

Nhân viên siêu thị được tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở TP Vinh, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Không riêng gì TP Vinh, nhiều địa phương ở Nghệ An cũng đưa tiểu thương, shipper vào nhóm đối tượng được tiêm vắc xin tiếp theo.

Đến nay, Nghệ An đã tiêm vắc xin COVID-19 được 204.160 liều, trong đó có 68.148 người tiêm đủ 02 mũi. Tính từ đầu mùa dịch đến nay Nghệ An ghi nhận 1.746 bệnh nhân COVID-19, có 6 người tử vong và hiện đang điều trị cho 820 bệnh nhân.

DOÃN HÒA

Dịch COVID-19 ngày 8-9: Nghệ An tiêm vắc xin cho tiểu thương để mở lại chợ dân sinh - Ảnh 4.

Các mô hình "đưa chợ ra phố", bán hàng bằng xe lưu động vẫn tiếp tục duy trì trong lúc TP Nha Trang nới lỏng giãn cách - Ảnh: MINH CHIẾN

Nha Trang nhiều ngày không có ca COVID-19 trong cộng đồng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tính đến 12 giờ ngày 8-9, TP Nha Trang đã ghi nhận 4.028 ca COVID-19, là địa phương có số ca mắc cao nhất, chiếm hơn 57% trong tổng số 7.019 ca mắc của tỉnh.

Sau khi kết thúc 4 đợt giãn cách xã hội liên tiếp theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nha Trang đã thực hiện hai chiến dịch tầm soát dịch trên diện rộng, lấy mẫu xét nghiệm 100% số dân trên địa bàn, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. 

Theo báo cáo của UBND thành phố Nha Trang, từ ngày 25-8 đến nay, số ca COVID-19 có chiều hướng giảm dần, từ ngày 3 đến 8-9, không xuất hiện ca mắc mới trong cộng đồng. 

Hiện toàn thành phố có 304 thôn, tổ "vùng xanh", chiếm 83,7%; "vùng vàng" và "vùng cam" có 8 thôn, tổ; "vùng đỏ" giảm còn 51 thôn, tổ. Thành phố giảm từ mức nguy cơ rất cao, xuống mức nguy cơ cao.

Nha Trang đã chỉ đạo UBND các xã, phường tổ chức thực hiện việc đánh giá mức độ nguy cơ đến từng tuyến phố, con đường, nhóm hộ gia đình cụ thể để triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân theo quy định cho đến khi dỡ bỏ "vùng đỏ", "vùng cam"; đảm bảo thật chặt chẽ, khoa học, an toàn và tuyệt đối không để lọt, không để bỏ sót trường hợp nào.

Do mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây đã ưu tiên cấp bổ sung 60.000 liều vắc xin COVID-19 Vero Cell của Sinopharm để địa phương này gia tăng số người được tiêm phòng. Thời gian tiêm vắc xin đợt này sẽ kết thúc vào ngày 11-9.

TTXVN

Dịch COVID-19 ngày 8-9: Nghệ An tiêm vắc xin cho tiểu thương để mở lại chợ dân sinh - Ảnh 5.

Người dân muốn di chuyển qua chốt kiểm soát liên huyện ở Khánh Hòa phải có giấy xét nghiệm âm tính hoặc chứng minh đã được tiêm mũi 2 vắc xin phòng ngừa COVID-19 sau 14 ngày - Ảnh: VĂN CÔNG

Khánh Hòa cho người tiêm 2 mũi vắc xin sau 14 ngày được đi liên huyện

Từ ngày 8-9, những người đi qua chốt/trạm kiểm soát liên huyện ở Khánh Hòa phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ hoặc chứng minh đã được tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 sau 14 ngày.

Việc này áp dụng cả với người đã khỏi COVID-19 và hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.

Theo ông Hồ Văn Mừng - bí thư Thành ủy Nha Trang - thành phố sẽ gỡ phong tỏa tại 4 xã, phường: Vĩnh Lương, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường để chuyển sang việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch dựa trên nguy cơ dịch bệnh của các thôn, tổ dân phố trên toàn thành phố.

Từ ngày 8-9, TP. Nha Trang sẽ nới lỏng việc kiểm soát các thôn, tổ dân phố "vùng xanh" và "vùng vàng"; kiểm soát chặt chẽ các "vùng đỏ" và "vùng cam" theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Thành phố sẽ cho tháo dỡ bớt các chốt kiểm soát trên đường nhưng sẽ tăng cường tuần tra lưu động, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Đồng thời tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra đột xuất các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt

Duy trì mô hình "đưa chợ ra phố" tại 27 xã, phường và bán hàng bằng "xe lưu động", TP. Nha Trang đã yêu cầu Công ty TNHH MTV chợ Đầm và Ban quản lý các chợ khẩn trương khảo sát địa điểm phù hợp (trước chợ) để xây dựng phương án và tổ chức ít nhất một mô hình "đưa chợ ra phố".

TP Nha Trang cũng khuyến khích các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tổ chức mô hình "bán hàng tự chọn theo đơn" (khách đưa đơn cho nhân viên siêu thị chọn hàng và giao dịch bên ngoài cửa siêu thị)...

MINH CHIẾN

Dịch COVID-19 ngày 8-9: Nghệ An tiêm vắc xin cho tiểu thương để mở lại chợ dân sinh - Ảnh 6.

Các y bác sĩ bệnh viện dã chiến số 1 TP.HCM đến các khu khám để điều trị lâm sàng cho bệnh nhân - Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm

Bệnh viện dã chiến số 1 TP.HCM đã có hơn 16.000 bệnh nhân xuất viện

Tính đến ngày 8-9 có hơn 16.000 bệnh nhân COVID-19 đã được xuất viện từ Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM. Đây là kỷ lục mới của bệnh viện về số ca xuất viện, đặc biệt chưa có ca tử vong.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Thành Tâm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Dã chiến số 1, TP.HCM - cho biết như trên.

Bệnh viện hoạt động từ ngày 26-6, với công suất giường bệnh là 4.500 giường, cao điểm bệnh viện không còn giường trống. Đây là bệnh việc thuộc tầng 2 trong mô hình tháp 5 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Để có được những tín hiệu tích cực như vậy, bác sĩ Tâm cho biết khi bệnh nhân trở nặng được các bác sĩ cho sử dụng thuốc đúng theo phác đồ của Bộ y tế, đồng thời đánh giá tình hình, chuyển viện lên những tầng trên để hỗ trợ điều trị kịp thời.

"Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được chia ra các khoa lâm sàng. Mỗi khu do 5 bác sĩ và 8 điều dưỡng phụ trách từ 200-250 bệnh nhân. Có thời điểm, bệnh nhân tăng đột biến, những khu này lên đến 300-400 bệnh nhân. 

Điều đặc biệt là các khu này sẽ có các nhóm zalo riêng, khi bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe sẽ báo vô nhóm hoặc gọi vô hotline, các bác sĩ trực 24/24 nhanh chóng hỗ trợ cho bệnh nhân", bác sĩ Tâm cho biết.

Bác sĩ Tâm cũng cho biết thêm, Bệnh viện dã chiến số 1, từ khi hoạt động đến nay đã có hơn 20 bác sĩ, nhân viên y tế lây nhiễm chéo từ bệnh nhân. Nhiều nhân viên y tế là F0 vẫn tình nguyện ở lại khu vực điều trị để chăm sóc cho bệnh nhân F0, hết thời gian cách ly vẫn ở lại tiếp tục công việc.

Dịch COVID-19 ngày 8-9: Nghệ An tiêm vắc xin cho tiểu thương để mở lại chợ dân sinh - Ảnh 7.

Bệnh viện dã chiến số 1, TP.HCM đạt số lượng bệnh nhân xuất viện kỷ lục với 16.000 bệnh nhân - Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến 6h ngày 7-9, TP.HCM có 259.055 ca COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó 258.595 ca nhiễm trong cộng đồng, 460 ca nhập cảnh.

Hiện TP.HCM đang điều trị 42.665 bệnh nhân, trong đó có 3.020 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.780 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 6-9 có 2.915 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 128.396 bệnh nhân.

THU HIẾN

Dịch COVID-19 ngày 8-9: Nghệ An tiêm vắc xin cho tiểu thương để mở lại chợ dân sinh - Ảnh 8.

Tình nguyện viên, trong đó có cán bộ ngành tòa án hỗ trợ nhập liệu, cấp giấy chứng nhận tại điểm tiêm vắc xin phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN

Bình Dương đã tiêm 580.000/750.000 liều Sinopharm

Ghi nhận trên hệ thống tiêm chủng đã tiêm được trên 401.000 liều Sinopharm (tính tới chiều 7-9). Nhưng số liệu vắc xin Sinopharm đã tiêm thực tế từ tổng hợp của Tiểu ban thông tin - tuyên truyền thì Bình Dương đã tiêm được trên 580.000 liều.

Ngày 8-9, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bình Dương cho biết đã đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận điều chỉnh thông tin tiêm vắc xin phòng COVID-19, người dân hoàn toàn có thể gửi yêu cầu trực tuyến thông qua website: http://bsttcovid19.binhduong.gov.vn .

Những ai có thông tin tiêm vắc xin chưa đúng hoặc bị thiếu có thể truy cập website trên, nhập các thông tin cá nhân và tải lên (upload) ảnh chụp giấy chứng nhận tiêm chủng bản giấy để được tiếp nhận điều chỉnh.

Khi đã có thông tin tiêm vắc xin trên Sổ sức khỏe điện tử thì người dân sẽ có chứng nhận bằng mã QR code. Việc tiêm vắc xin là một căn cứ để xem xét cho người dân ra đường khi trở lại trạng thái "bình thường mới". 

Bình Dương dự kiến người có "thẻ xanh" (đã tiêm 2 mũi vắc xin) và người có "thẻ vàng" (đã tiêm mũi 1, kèm giấy xét nghiệm) mới được ra đường, còn người chưa tiêm vắc xin sẽ không được ra đường.

Tuy nhiên hiện Bình Dương vẫn chưa áp dụng chủ trương kiểm soát người dân ra đường bằng "thẻ thông hành vắc xin", ngay cả với 4 huyện "vùng xanh" đã chuyển sang thực hiện chỉ thị 15+ là: Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng vì các địa phương của Bình Dương vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để đạt độ phủ rộng vắc xin trong cộng đồng, với mục tiêu ít nhất mỗi người phải có 1 mũi vắc xin.

Tính tới 16h ngày 7-9, có trên 1,455 triệu người tiêm vắc xin tại Bình Dương (tổng dân số là 2,6 triệu người, bao gồm cả người dưới 18 tuổi). Trong đó gần 47.000 người tiêm mũi 2, theo báo cáo của Sở Y tế.

Được biết thực tế tỉnh Bình Dương mới chỉ nhận được 750.000 liều vắc xin Sinopharm.

BÁ SƠN

Dịch COVID-19 ngày 8-9: Nghệ An tiêm vắc xin cho tiểu thương để mở lại chợ dân sinh - Ảnh 9.

Một chốt kiểm soát dịch ở quận Hoàn Kiếm - Ảnh: CHÍ TUỆ

Hà Nội thu hẹp phong tỏa ở phường Chương Dương - Hoàn Kiếm

Quận Hoàn Kiếm và phường Chương Dương đang tiếp tục tuyên truyền, phun khử khuẩn và khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp "5K"; yêu cầu 110 hộ trong vùng lõi còn bị phong tỏa tuyệt đối thực hiện biện pháp cách ly tại nhà.

Sáng 8-9, thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm cho biết ngày 7-9, phường Chương Dương đã tiếp tục thu hẹp vùng đỏ, lõi của ổ dịch, với khoảng 2.000 người đang thực hiện cách ly tại nhà. 

Như vậy, ổ dịch này hiện chỉ còn phong tỏa ngõ 105 và một phần ngõ 117 Vọng Hà với 110 hộ gia đình, 333 người.

Tình hình dịch bệnh ở phường Chương Dương đã được khống chế, đến nay đã 21 ngày (từ 18-8 đến 7-9) không phát sinh thêm ca F0 nào. 

Quận đề cao quyết tâm phấn đấu đến 0h ngày 12-9 sẽ khống chế hoàn toàn ổ dịch, kết thúc phong tỏa, đưa phường Chương Dương về trạng thái bình thường mới.

TTXVN

Học sinh 8 huyện, thành phố tại Kiên Giang đến trường học từ ngày 13-9

Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang đã thông báo học sinh tất cả các cấp học tại 8 huyện, thành phố đang thực hiện chỉ thị 15/CT-TTg (gồm: U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Kiên Hải và thành phố Phú Quốc) được đến trường học từ ngày 13-9-2021. 

Sở yêu cầu các trường không tổ chức chào cờ đầu tuần tập trung ở sân trường mà thực hiện chào cờ tại lớp học, giờ ra chơi học sinh chỉ nghỉ tại lớp.

Các huyện, thành phố đang thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg tiếp tục tổ chức dạy và học qua Internet đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 từ ngày 6-20-9. 

Các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện, khi có chủ trương chuyển sang thực hiện chỉ thị 15/CT-TTg thì tổ chức dạy và học ngay; xây dựng kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả nhất. 

Đồng thời, các đơn vị xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh đã học trễ so với các bạn ở 8 huyện, thành phố đang áp dụng chỉ thị 15/CT-TTg để đồng bộ về việc thực hiện chương trình dạy học trong toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Kiên Giang Trần Quang Bảo cho biết, khi học sinh trở lại trường, đầu mỗi buổi học, các trường phải tổ chức đo thân nhiệt cho học sinh; nếu học sinh có biểu hiện sốt cao, ho… phải phối hợp với y tế địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp. 

Trong trường hợp phát hiện có học sinh mắc COVID-19, nhà trường khẩn trương thông báo tới cơ sở y tế địa phương để tổ chức truy vết, cách ly phù hợp.

Hết thời gian cách ly y tế theo quy định, học sinh F0 đã khỏi bệnh được giáo viên dạy bù, học sinh F1 và F2 được nhận bài học photo để học và giáo viên cũng sẽ dạy bù cho các em vào thời gian thích hợp.

Sở Giáo dục và đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế; kiểm tra, bổ sung đầy đủ dung dịch rửa tay, xà phòng, thiết bị đo thân nhiệt hằng ngày cho học sinh. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh di chuyển từ nhà đến trường và ngược lại phải đeo khẩu trang.

TTXVN

Bản tin sáng 8-9: Hết Moderna, hôm nay hội đồng chuyên môn bàn vắc xin mũi 2 thay thế Bản tin sáng 8-9: Hết Moderna, hôm nay hội đồng chuyên môn bàn vắc xin mũi 2 thay thế

TTO - Nhiều người tiêm Moderna đến lịch tiêm mũi 2 nhưng hết vắc xin này. Đã có tình trạng một số nơi "vượt rào", tiêm mũi 2 bằng vắc xin khác thay thế. Hôm nay 8-9, hội đồng chuyên môn sẽ họp và quyết định loại vắc xin sử dụng tiêm trộn.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: covid-19